Tròn 50 năm kể từ ngày 13 TNXP ngã xuống ở Truông Bồn, ký ức đau thương vẫn hằn nguyên trong tâm trí của tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Bà là người duy nhất trong tiểu đội sống sót sau trận bom tàn khốc.
|
Bà Thông xúc động nhìn lại những bức ảnh lịch sử. |
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5 km ở dãy núi Thung Nưa, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A (còn gọi là đường 30) chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương,Nghệ An. Trong chiến tranh chống Mỹ, Truông Bồn là tuyến độc đạo chiến lược để miền Bắc chi viện cho miền Nam nên không quân Mỹ thường xuyên đánh phá ác liệt.
Chỉ từ tháng 6 đến tháng 10/1968, gần 3.000 quả bom đã trút xuống nơi đây khiến hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong (TNXP), công nhân ngành giao thông anh dũng hy sinh.
Hồi ức 50 năm
Gặp bà Trần Thị Thông (SN 1946) ngụ khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, TP. Vinh (Nghệ An) vào những ngày cuối tháng 10 lịch sử, ký ức về ngày đặc biệt 31/10/1968 vẫn còn nguyên trong tâm trí bà. Bà Thông chính là nữ TNXP duy nhất còn sống sót của “Tiểu đội thép” mở đường tại Truông Bồn những năm tháng chống Mỹ cứu nước.
Năm nay dù đã 73 tuổi, sức khỏe yếu đi, trí nhớ không được như trước, nhưng với bà, ký ức về những ngày bi thương của 50 năm về trước không thể nguôi ngoai. Nhắc lại buổi sáng định mệnh, bà Thông nghẹn ngào kể, vào đêm 30, rạng sáng 31/10/1968, Đại đội TNXP 317 nhận được thông tin 7 giờ sáng có đoàn xe quân sự đi qua.
Các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 15A khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom.“Riêng tiểu đội chúng tôi được giao nhiệm vụ trực chiến, san lấp nhiều hố bom còn sót lại, sẵn sàng đón đoàn xe đi qua”, bà Thông hồi nhớ.
Khoảng 6h10, khi hố bom cuối cùng được san lấp, tiếng kẻng báo động vang lên. Ngước nhìn lên bầu trời, tôi thấy máy bay địch chao lượn, gầm rú. Lúc đó, tôi nghĩ bụng: “Lần này, chắc không được gặp gia đình nữa, chạy cũng chết mà ở lại cũng chết”.
Ngay sau đó, hàng trăm quả bom được giặc Mỹ ném xuống Truông Bồn. Cả tiểu đội chưa kịp chạy vào hầm thì nhiều tiếng nổ chát chúa vang lên, nơi đây chìm trong biển lửa khói. “Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong nhà một người dân, sau đó được chuyển đến bệnh xá.Cố đưa mắt khắp nơi tìm kiếm đồng đội nhưng tôi không thấy ai cả”, bà nghẹn ngào.
Theo lời kể của bà Thông, trong trận mưa bom ấy, máy bay Mỹ bất ngờ lao tới ném hàng trăm quả bom xuống Truông Bồn khiến nơi đây chìm trong biển khói, mù mịt. Tại hiện trường ngổn ngang sau đó, đồng đội, người dân địa phương ai cũng dồn sức đào bới, để tìm kiếm nhưng chỉ còn duy nhất nữ TNXP Trần Thị Thông may mắn được cứu sống.
Cựu TNXP chia sẻ: “Số tôi may mắn hơn các chị em trong tiểu đội. Sau khi bị đất, đá vùi lấp, may nhờ có cái đầu ruồi nòng súng K44 ló lên mặt đất nên mọi người mới phát hiện, đào bới, cứu tôi lên. Hơn nữa,nhờ nòng súng ấy đã vô tình tạo lỗ hổng để thông hơi, giúp tôi có không khí trong thời gian bị đất đá vùi lấp.
Một may mắn nữa là cùng thời điểm ấy, một đoàn bộ đội hành quân đi qua, sau khi nghe tin vụ nổ bom đã cử người đến sơ cứu cho tôi. Trước khi đi, các đồng chí ấy đã để lại mảnh giấy cho tôi với nội dung: “Em gái TNXP, các anh sang đây từ hồi em mới được đơn vị đưa về nhà mẹ (tức mẹ Thởm - PV). Nhà anh giờ phải vào nam chiến đấu, em cố gắng ăn cơm nhiều để nhanh hồi phục sức khỏe”.
Sau khi bị thương, bà Thông được điều trị tại nhà một người dân ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương). Còn 13 chiến sĩ TNXP (trong đó có 11 nữ, 2 nam) đã vĩnh viễn ra đi khi vừa tròn mười tám, đôi mươi.Điều đau thương là 7 người trong số họ đã không tìm được thi thể.Máu và thịt của họ đã hòa vào đất nơi đây, tạo nên một Truông Bồn linh thiêng, bất tử.
|
50 năm trôi qua, ký ức thời chiến vẫn hằn nguyên trong tâm trí bà Thông. |
Mỗi khi nhắc lại đồng đội, lòng bà lại xúc động. Bà Thông tâm sự: “Chị em ở với hơn 4 năm trời, coi nhau như ruột thịt.Trước trận bom tàn khốc ấy có người mừng đêm không ngủ được vì sắp được về đi học hay lập gia đình, nhưng bom Mỹ đã cướp đi tất cả.
Trong số các anh chị em nằm lại ở Truông Bồn, người trẻ tuổi nhất vừa bước sang tuổi 18”. Bà tâm sự: “Sau khi hòa bình lập lại, mỗi lần đến thăm các chị em tôi lại có cảm giác bùi ngùi, nhớ thương. Chị em chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở với nhau cùng chống chọi với bom đạn. Các chị em ấy đã mãi mãi nằm lại dưới lòng đất khi tuổi đời còn quá trẻ”.
Ngày tháng sinh tử
Người cưu mang bà Thông trong những tháng ngày tham gia san lấp đường tại tuyến lửa Truông Bồn và ngay cả lúc bà bị thương chính là mẹ Thởm, tên thật là Trần Thị Phác (ngụ xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương). Năm nay đã 97 tuổi, mắt mẹ đã mờ, tóc đã bạc, sức khỏe rất yếu nhưng những ký ức về tháng ngày nuôi TNXP ăn ở trong nhà vẫn luôn im đậm trong tâm trí cụ bà. Đặc biệt câu chuyện đẫm nước mắt với người con gái nuôi Trần Thị Thông.
Bà Thởm kể, hồi ấy nhà mẹ ở gần nhà ăn của bộ đội, TNXP tham gia phục vụ tại tuyến lửa Truông Bồn. Hàng ngày, bà cùng người dân nơi đây thường hái rau, tặng các anh chị em đội TNXP để họ cải thiện bữa ăn. Hôm bà Thông được đồng đội phát hiện còn sống, đưa về sân kho HTX Mỹ Thái (thuộc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay) trong cảnh đầu tóc rũ rượi, áo quần bê bết bùn đất, hơi thở rất yếu.
“Hắn nằm ở nhà tôi mô hai tháng. Tôi coi hắn (bà Thông) như con ruột của mình. Thấy hắn bị thương nặng, tôi lo lắng, xót xa. Tôi nghĩ sẽ không qua khỏi nên cố gắng chăm sóc thật tốt, được ngày mô hay ngày đó. Vậy mà điều kỳ diệu Điều kỳ diệu là sau đó, sức khỏe hắn dần hồi phục”, mẹ Thởm nhớ lại.
Cũng có hôm, thấy bà Thông mê sảng, gọi tên từng đồng đội, người mẹ ấy lật đật ra vườn mò tìm lá diếp cá vò nát cho uống.“Cũng có bữa, hắn đòi ngồi dậy hỏi tìm đồng đội Hiên, Phúc, Tâm… .Tôi chỉ biết động viên, nói tránh: đồng đội đang làm nhiệm vụ vì sợ nó ngất”, lời mẹ Thởm.
Cuộc sống thời chiến khốn khó trăm bề, lại một nách nuôi mấy đứa con, nhưng mẹ Thởm vẫn dành trọn tình thương cho đứa con nuôi. Tấm lòng của mẹ khiến người dân nơi đây cảm phục. Ông Nguyễn Tất Lữ, nguyên xóm trưởng xóm 9 xã Mỹ Sơn thời ấy nhớ lại: “Nếu không có bà Thởm tận tình chăm sóc thì o Thông khó có ngày hôm nay. Chính bà Thởm đã giành giật sự sống cho o Thông từ tay tử thần”.
Sự cưu mang, chăm sóc của mẹ Thởm và người dân trong những tháng ngày mình chiến đấu và gặp nạn khiến bà Thông luôn khắc ghi. Cựu TNXP ấy tâm sự: “Tôi thực sự không biết nói gì.Với mẹ Thởm là người không sinh tôi ra nhưng người đã dành cả tấm lòng yêu thương cho tôi trong những ngày gian khó nhất.
Còn nhớ nhiều lần tôi cũng các chị em trong tiểu đội vừa đi làm về thì mẹ Thởm đưa bó rau đến rồi nói: “Tôi không có cá, cơm nhưng rau thì nhiều, các cháu cứ lấy mà nấu ăn”. “Tôi rất biết ơn mẹ Thởm và người dân. Trong tim tôi khi nào cũng luôn nhớ về mẹ, đồng đội và mảnh đất ấy”, lời bà Thông.
Bà Thông chia sẻ, sau 50 năm, lần gặp mẹ Thởm gần đây nhất là dịp tháng 7/2018. Tại cuộc gặp ấy, bà đã gửi lời hỏi thăm sức khỏe, đồng thời cảm ơn sự cưu mang của mẹ Thởm. Bà chia sẻ: “Đó là thời khắc tôi luôn ghi nhớ trong cuộc đời mình. Lúc đó, tôi chỉ biết ôm lấy mẹ Thởm, mẹ con nhìn nhau khóc”.
Tối ngày 1/11, tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An - Báo Nhân Dân phối hợp UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn - Miền đất huyền thoại" nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Cách đây đúng nửa thế kỷ, rạng sáng ngày 31/10/1968, nơi đây - Truông Bồn thiêng liêng huyền thoại, 13 chiến sỹ TNXP đại đội cảm tử 371 đã anh dũng hi sinh. Sự hi sinh anh dũng của 13 chiến sỹ Truông Bồn là tấm gương sáng ngời của các thế hệ tuổi trẻ. Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại như một mảnh đất thiêng liêng thấm đẫm máu đào của các anh hùng lịch sử. Là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là dấu son của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là niềm tự hào của tất cả chúng ta và các thế hệ con cháu mai sau về một thời chiến tranh ác liệt. Truông Bồn mãi mãi là địa chỉ đỏ, giáo dục các thế hệ con cháu chúng ta về truyền thống anh hùng của dân tộc, về truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên cường bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần làm cho dân tộc ta, đất nước ta mãi mãi trường tồn và phát triển rực rỡ. Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc đối với sự hi sinh to lớn của hàng triệu anh hùng thương binh, bệnh binh trong cả nước, những người đã hi sinh vì độc lập tự do của đất nước. Mảnh đất Truông Bồn mưa bom đạn lửa năm xưa đã vươn lên mạnh mẽ, được sự quan tâm của Đảng Nhà nước, cấp ủy chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ và sự chung tay của đồng chí đồng bào trong cả nước, đã tôn tạo xây dựng phát huy giá trị lịch sử của khu di tích Truông Bồn thành khu di tích Quốc gia, để ghi công các lực lượng TNXP. Ghi nhận vai trò, vị trí của Truông Bồn và tri ân những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân ta tại địa danh lịch sử này, ngày 12/9/1996, Bộ Văn hóa – Thông tin đã có Quyết định số 51 QĐ/BT xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng vũ trang cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội TNXP 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An. Khu di tích Truông Bồn là biểu tượng cho ý chí, sức mạnh tinh thần của quân, dân ta trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, làm tỏa sáng thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ mai sau. |