Chiều ngày 28/11/2024, Đoàn học tập kinh nghiệm Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai đã đến thăm và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Kiên Giang.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 của tỉnh Đồng Nai cho biết: Năm 2024, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh là cơ quan làm nhiệm vụ tư vấn cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách pháp luật tại địa phương; triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn.
Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai thường xuyên được rà soát, kiện toàn theo quy định, hiện có 58 thành viên, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực. Chủ tịch Hội đồng đã ban hành Quy chế hoạt động. Sở Tư pháp luôn thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai.
|
Ông Trần Văn Khái - Giám Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang phát biểu. |
Tổ Thư ký Hội đồng gồm có 7 thành viên cũng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp tham mưu thực hiện tốt các hoạt động của Hội đồng. Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện cũng được kiện toàn với thành phần theo quy định, phân công 01 đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng, Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng.
Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai duy trì hoạt động bằng hình thức phiên họp hoặc văn bản để đánh giá tình hình hoạt động; trao đổi, thảo luận về phương hướng triển khai nhiệm vụ năm tới và phân công nhiệm vụ của thành viên Hội đồng. Các thành viên Hội đồng PHPBGDPL tỉnh, sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã tập trung triển khai, phổ biến các nội dung theo Kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh và Kế hoạch của Hội đồng PHPBGDPL tỉnh trongvai trò cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai phát biểu. |
Hội đồng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện công tác tham mưu các văn bản liên quan đến các nội dung liên quan; phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn báo cáo viên Quý I, Quý II triển khai nội dung chuyên đề về về Luật Nhà ở, Luật Đất đai năm 2024 với gần 500 lượt người tham dự; riêng Hội nghị tập huấn báo cáo viên Quý III, Sở Tư pháp đã kết hợp tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến tận cấp xã với nội dung về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được tổ chức tại điểm cầu chính – Khách sạn Đồng Nai với hơn 220 người tham dự và tại 143 điểm cầu ở cấp huyện, cấp xã với hơn 4.000 lượt người dự...
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trên địa bàn; Tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024 thu hút 142.085 lượt thi; Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh, học viên, sinh viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh thu hút 369.204 lượt thi; Hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tội phạm và tác hại của thuốc lá năm 2024 với sự tham dự của 5 đội thi đến từ các ngành học của trường cao đẳng y tế Đồng Nai và gần 600 thầy cô, sinh viên của trường. Qua đó đã tạo hiệu ứng, sức lan tỏa đến cán bộ, Nhân dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, học tập pháp luật...
|
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai và Kiên Giang chụp ảnh lưu niệm. |
Hội đồng phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật các văn bản pháp luật mới ban hành, các quy định liên quan đến lĩnh vực, ngành quản lý; chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về xây dựng nông thôn mới; pháp luật về khiếu nại, tố cáo, pháp luật về giao thông; phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; bảo vệ môi trường; bình đẳng giới, lao động, việc làm; tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, quy định pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, học viên, sinh viên trong nhà trường; tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội... bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Công tác PBGDPL trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả khả quan.
Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang Trần Văn Khái cho biết, Kiên Giang là tỉnh ven biển, có đường biên giới trải dài, toàn tỉnh có trên 1,7 triệu dân, trong đó có trên 260 ngàn người là đồng bào các dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Khmer, Hoa). Thực hiện đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngành đã quan tâm tăng cường đội ngũ báo cáo viên là người dân tộc thiểu số; lập các fanpage phục vụ các đối tượng đặc thù; cung cấp tài liệu phổ biến tại các cơ sở tự viện; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề phổ biến pháp luật cho bà con; phối hợp mở các lớp bồi dưỡng về hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền để bà con tuân thủ pháp luật khi đánh bắt xa bờ và ngăn tình trạng tảo hôn.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030” tại tỉnh Kiên Giang.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương ghi nhận những mô hình hay, cách làm hiệu quả của Kiên Giang để có thể vận dụng vào tình hình thực tế ở Đồng Nai trong thời gian tới.