Chính phủ, Bộ Tư pháp quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về Thi hành án dân sự, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Trên cơ sở sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, từ đầu năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa Dự án Luật THADS (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo đó, Dự án Luật THADS (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn thi hành. Đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để triển khai việc xây dựng Dự án Luật.
|
Hình minh hoạ. |
Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp thực hiện việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để kịp thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp; Trong kỳ, Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành 06 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và một số quy trình, quy chế nội bộ theo Kế hoạch công tác.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp cũng đã tích cực nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an trong xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý kho vật chứng (thay thế Nghị định số 18/2002/NĐ-CP và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP) để trình Chính phủ ban hành; phối hợp với VKSNDTC, TANDTC trong việc tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phá sản; Luật Thi hành án hình sự; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu, sửa đổi các nội dung liên quan đến công tác THADS trong Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản.
Trong thời gian này, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chủ động ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Hệ thống THADS cũng đã chủ động đưa nội dung Quy định 132-QĐ/TW vào từng lĩnh vực công tác của từng đơn vị thông qua các hình thức phong phú, đa dạng như xây dựng Cẩm nang, ký Bản cam kết giữa các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong cơ quan THADS...
Đặc biệt, ngày 26/7/2024, Bộ Tư pháp tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 714/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Quy định số 132-QĐ/TW, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án, các cơ quan khác có liên quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện các nội dung của Quy định; nâng cao nhận thức, trách nhiệm về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS cũng đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc giao ban trực tuyến và trực tiếp để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 693-CV/BCSĐ về tăng cường chỉ đạo công tác THADS và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để chỉ đạo, quán triệt toàn Hệ thống THADS nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo; đã trực tiếp làm việc tại 18 địa phương để chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện. Đồng thời, yêu cầu toàn Hệ thống THADS rà soát, kiểm tra tự kiểm tra công tác của đơn vị từ năm 2015 đến nay.
Kết quả THADS năm 2024, đã thi hành xong 465.462 việc, tăng 31.752 việc (tăng 7,32%,) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 69,27%. Về tiền: Đã thi hành xong 87.210 tỷ 783 triệu 146 nghìn đồng, tăng 10.077 tỷ 317 triệu 099 nghìn đồng (tăng 13,06%) so với cùng kỳ năm 2023. |
Dự kiến năm 2025 Bộ Tư pháp đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, trọng tâm là xây dựng Luật THADS (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Quá trình thực hiện cần bám sát các chính sách đã được Chính phủ thông qua: Người được THADS có quyền chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Hệ thống cơ quan THADS; khắc phục triệt để những nhược điểm đang cản trở, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác THADS; xác định đúng vai trò, quyền hạn của Chấp hành viên trong trình tự, thủ tục THADS; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong tổ chức thi hành án, như VKSND, TAND, UBND các cấp; quy định đầy đủ, đồng bộ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đối với các cơ quan khác có liên quan trong từng giai đoạn thi hành án; đơn giản hoá thủ tục thi hành án và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục THADS.