Không phủ nhận hiệu quả mang lại từ thuỷ điện nhưng hệ luỵ của nó gây ra cũng không hề nhỏ. Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa lũ, người dân ở dưới công trình thuỷ điện nơm nớp lo sợ vỡ đập, xả lũ…
|
Đợt mưa lũ vừa qua, các thủy điện đua nhau xả lũ |
Kiểm tra 285 hồ chứa thủy điện
Thời gian qua, đối với người dân Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung bộ, thủy điện đã thành nỗi ám ảnh lẫn bức xúc cao độ bởi tình trạng mất rừng, biến dạng môi trường sinh thái, mất đất, mất sinh kế thậm chí có người mất mạng. Bên cạnh những giá trị kinh tế do những “anh cả” làng thủy điện Việt như Thác Bà, Hòa Bình, Sơn La hay Trị An… mang lại, những thủy điện vừa và nhỏ mọc lên như nấm tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
Cuối tháng 9/2009, thủy điện A Vương xả lũ sau bão số 9 gây ngập úng diện rộng. Tháng 6/2013, đập dâng thủy điện Ia Krel 2, Gia Lai) đã bị vỡ toác. Tháng 8/2014, Dự án thủy điện Ia Krel 2 lại vỡ đê quai thượng lưu. Tháng 9/2016, người dân hoảng loạn khi thủy điện sông Bung 2 vỡ hầm dẫn dòng. Nhiều ngôi làng thuộc 2 xã La Êê, Zuôih, huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam bị nhấn chìm.
Đến tháng 10/2017, thủy điện Hố Hô xả lũ ngay mùa mưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hà Tĩnh và Quảng Bình chẳng kém gì trận lũ lịch sử năm 1999. Trong vòng 3 ngày (từ 26-28/7/2018), tại khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2, thuộc huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra 6 trận động đất liên tiếp. Riêng trong sáng 26/7, hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My xảy ra 4 trận động đất liên tiếp. Trước đó, trong 2 ngày 15 và 17/7/2018, tại huyện Nam Trà My cũng xảy ra 2 trận động đất. Cường độ các trận động đất lớn nhất là 3,9 độ Richter.
Các dự án thủy điện khi kiểm tra phát hiện hàng loạt lỗi chủ yếu là không có đủ các quy chuẩn cần thiết, không cửa xả đáy đến không đảm bảo công tác giám sát… Ngoài ra, thủy điện Sông Tranh 2 thi công sai với thiết kế phải xử lý thấm. Đập nước sông Bung tính toán tần suất và lưu lượng lũ không chính xác, dẫn đến phương án dẫn dòng bị lệch. Thủy điện Đắk Mi 4 bị xử phạt hành chính do không trình được phương án phòng chống lũ lụt hạ du. Bài toán ổn định đời sống người dân tái định cư thủy điện A Vương sau hơn 10 năm vẫn chưa có lời giải. Thủy điện Đắk Mek 3 khi kiểm tra thân đập toàn đất, cát, đá. Còn thủy điện Hố Hô sai từ chấp hành quy định về tài nguyên nước, vận hành hồ chứa và vì “do nước lũ về quá nhanh nên buộc phải xả”.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị Bộ Công Thương tổng kiểm tra lại ngay 285 hồ chứa thủy điện trong toàn quốc. Hồ nào không có khả năng an toàn khi tích nước thì kiên quyết không cho tích.
Bài học thủy điện từ Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều hồ chứa, thuỷ lợi thuỷ điện. Trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có đến 42 thủy điện được phê duyệt. Trong số 10 dự án thủy điện bậc thang thì có 7 công trình đã phát điện, 3 công trình đang xây dựng. Trong 32 thủy điện vừa và nhỏ có 10 công trình đã phát điện, 6 công trình đang xây dựng, 16 dự án chưa triển khai. Vùng hạ du rộng lớn với hơn trăm ngàn dân bị sự tác động của các dự án thủy điện này.
Trước khi tích nước vào cuối năm 2010 tại khu vực Sông Tranh 2 và kế cận không quan sát thấy động đất. Theo PGS, TS. Cao Đình Triều-chủ nhiệm Đề án “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiên tai”, những trận động đất liên tiếp xảy ra ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là do “động đất kích thích” liên quan đến hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Sức nặng túi nước của hồ chứa thủy điện đè lên vỏ trái đất dẫn tới động đất kích thích.
Động đất kích thích là hoạt động động đất liên quan đến các hoạt động của con người. Nhìn chung, động đất kích thích có độ lớn và cấp chấn động nhỏ và không gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp khi ứng suất đã được tích lũy đủ lớn trên một diện tích rộng của đứt gãy thì sẽ gây ra động đất mạnh.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, xác định khu vực này có 2 đới đứt gãy địa chất đang hoạt động là Rào Quán - A Lưới và Trà My - Trà Bồng, liên thông với vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Đứt gãy Trà My là đứt gãy đang hoạt động và vì vậy khi tích nước hồ chứa thì động đất kích thích xảy ra trong phạm vi hoạt động của đứt gãy này là chủ yếu. Mức độ mạnh của động đất dự báo có thể xảy ra tại trung tâm của lòng hồ là 5,9, còn tại khu vực đập chính và vùng hạ lưu là 6,1. Vì vậy, khả năng xảy ra động đất kích thích tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có thể đạt cấp độ mạnh tối đa 5,5 đến 6,0.
Ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, việc phát triển dày đặc các nhà máy thủy điện thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Trong quá trình vận hành cho thấy, việc phê duyệt thiết kế, dung tích phòng lũ chưa được tính toán khoa học, kể cả các cơ sở pháp lý cũng chưa đồng bộ, chặt chẽ. Miền Trung địa hình dốc núi cao, muốn ngăn được hồ chứa có dung tích lớn thì phải xây đập cao. Đã vậy, những thiết kế lại không được thẩm định các yếu tố liên quan đến môi trường. Nhiều thủy điện không có cống xả đáy, xả bù cát, hồ chứa không thiết kế dung tích phòng, cắt lũ. Chưa kể các phương án vận hành liên hồ chứa, vận hành các mùa khô hạn, lũ lụt... đều thiếu và phải từng bước xây dựng hoàn thiện sau khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, gây tác hại đến môi trường, cộng đồng.
Chính vì vậy đã để lại những hệ quả lâu dài, đến bây giờ vẫn phải khắc phục. Tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần rà soát lại các thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giảm thủy điện lại, không phát triển thêm. Có ít nhất 7-8 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch thời gian qua.
Những hiểm họa thủy điện xuyên biên giới
Mekong là dòng sông quốc tế quan trọng nhất vùng Đông Nam Á, chảy qua 6 quốc gia từ thượng nguồn xuống, bao gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Những năm gần đây, thủy điện trên dòng chính sông Mekong đua nhau mọc lên. Đến năm 2030, cả vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị bao phủ bởi khoảng 470 đập thủy điện lớn nhỏ.
Số lượng hồ chứa được quy hoạch trên thượng lưu sông Mekong sẽ đạt tổng dung tích 101,9 tỷ m3. Trung Quốc, Lào và Campuchia hiện đã quy hoạch hơn 20 đập thủy điện, trong đó Trung Quốc đã xây được 8 đập ở thượng nguồn. Lào và Campuchia có kế hoạch xây 11 đập ở hạ nguồn. Gần đây nhất, Lào tuyên bố xây dựng đập Pak Beng - đập thủy điện lớn thứ ba, sau hai đập Xayaburi và Don Sahong, bất chấp sự phản đối từ phía các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Việc xây dựng và lên kế hoạch xây dựng hàng chục con đập trên dòng Mekong mang lại một số lợi ích cho quốc gia sở hữu nhưng lại gây ra vô vàn hệ lụy cho khoảng 60 triệu người sống phía dưới hạ lưu. Là quốc gia ở cuối nguồn, Việt Nam chịu ảnh hưởng tích lũy của chuỗi các công trình thủy điện trên dòng chính, đặc biệt là tác động nguy hại tới nguồn lợi phù sa và thủy sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong một báo cáo của Ủy ban sông Mekong, nếu cả 3 công trình thủy điện của Lào: Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng đi vào hoạt động, thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng, xâm nhập trên sông xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu lấn sâu vào từ 2,8-3,8km. Và với viễn cảnh không xa, khi cả chuỗi 11 đập thủy điện hoạt động thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu khoảng từ 10-18 km.
* Thiếu tướng Ngô Quý Đức (Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng): Từ sự cố vỡ đập thuỷ điện tại Lào và tình hình mưa lũ liên tục trong thời gian qua đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong công tác ứng phó với sự cố vỡ đập thuỷ điện. Các địa phương cần có phương án thật chi tiết, chặt chẽ ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi các công trình thuỷ điện, sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xấu, đặc biệt là phương án di dời dân khi thuỷ điện xả lũ. Thực tế, việc làm kế hoạch sơ tán nhân dân các cấp chưa được chú ý tới. Việc xây dựng kế hoạch thông báo báo động nguy cơ vỡ đập cho cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân biết để chủ động đi sơ tán, hàng năm đều có tổ chức, nhưng cần phải tiếp tục mở rộng đến với cả các gia đình ở vùng hạ lưu để người dân biết. Tình huống ứng phó sự cố vỡ đập, đê điều là rất quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục soạn thảo các đề cương để hướng dẫn cho toàn quốc triển khai thực hiện. * Ông Lê Trí Thanh -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Người dân không nên quá lo lắng, vì ngoài 6 nhà máy thủy điện lớn là Sông Tranh 2, Đắk Mi 4; A Vương, Sông Bung 2, 4, 6 thì các dự án thủy điện bậc thang khác đều ở thượng nguồn. Phần lớn các dự án này không có hồ chứa hoặc dung tích không đáng kể. Nếu có sự cố thì lượng nước cũng quá nhỏ, các thủy điện lớn ở hạ lưu thừa sức hứng, đựng. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tổng rà soát các thuỷ điện trên địa bàn, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Năm 2019 sẽ tổ chức tổng diễn tập di dời dân khẩn cấp với kịch bản xảy ra thảm họa thiên tai. |