“Ném đá” hay bị “ném đá” thời 4.0 đã không còn quá xa lạ, tuy nhiên mức độ của hành vi này ngày càng nghiêm trọng hơn và bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của hành động này.
Cơn lốc… cuồng nộ
Câu chuyện yêu – ghét hay ca ngợi – chỉ trích một ai đó là chuyện đã xưa nay và cũng vốn thuộc về quyền cá nhân của mỗi con người. Song, trong thời công nghệ phát triển như vũ bão và ai cũng “sẵn” bên mình ít nhất một chiếc smartphone cùng một tài khoản mạng xã hội thì câu chuyện “ném đá” lại trở nên khác hơn rất nhiều.
Nhiều người cho rằng, không gian mạng xã hội dường như lớn hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, kết nối sâu sắc hơn nhưng cũng rất tự do hơn để những hành vi “ném đá” trở nên bùng phát với quy mô đáng sợ.
Facebook – mạng xã hội được người Việt sử dụng phổ biến nhất hiện nay, không thiếu những trang fanpage có tên “Hội những người anti…” với những bức ảnh chế không kiểm soát cùng hàng trăm, hàng nghìn bình luận chỉ trích ác ý. Những trang này chỉ đơn giản lập nên với mục đích chung nói xấu, chỉ trích, bày tỏ thái độ ghét bỏ một nhân vật nào đó, dù là ca sĩ, diễn viên hay chỉ là hiện tượng mạng.
Lạ lùng hơn, với những nhân vật nổi tiếng theo hướng tích cực, nổi lên từ những màn thể hiện tài năng được xã hội công nhận, nhưng vẫn nhận về những lời chỉ trích, chửi thề hay thậm chí cả những sự phỉ báng nhạy cảm công khai trên mạng xã hội. Dường như vấn nạn này không có dấu hiệu dừng lại, trái lại cấp độ “ném đá” lại càng nghiêm trọng hơn.
Mới đây, theo một cuộc khảo sát của Microsoft, Việt Nam đang đứng top 5/25 những quốc gia có hành xử không văn minh trên môi trường Internet. Dù cuộc khảo sát này gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không phủ nhận rằng trong không gian mạng xã hội, con người đang quá thả lỏng cho bản thân cho những hành vi “ném đá” người khác.
Với nhiều người, chỉ 1 like hay share chẳng gây ảnh hưởng gì, nhưng với những người là nạn nhân trong vòng xoáy đó, hành động ấy sẽ đẩy họ đến vực thẳm. Có lẽ, khi công nghệ tiệm cận với người Việt hơn bao giờ hết, hành vi “ném đá” này không đơn giản chỉ là một cá nhân không hài lòng về một cá nhân khác.
Nguy hiểm hơn, nó còn lôi kéo nhiều người, nhiều tập thể, cộng đồng vào để “ném đá” một cá nhân, tạo nên những cơn lốc cuồng nộ cảm tính trên mạng xã hội. Điển hình, cộng đồng quốc tế đã từng ngán ngẩm với hành vi người Việt đồng loạt kéo nhau vào trang facebook cá nhân của trọng tài Ahmed Al Kaf bắt trận Việt Nam - Thái Lan vào cuối năm 2019 để chửi bởi, chỉ trích, mạt sát ông bởi không đồng tính với những quyết định của vị này đưa ra.
Những bức ảnh riêng tư của ông bị cắt ghép, đăng công khai trên các group “ném đá”, những comment đe nẹt hàm ý ông không xứng đáng giữ công việc này. Thậm chí, những lời đe dọa giết hay truy lùng gia đình đều không thiếu.
Gần đây, hẳn nhiều người còn nhớ trường hợp một phụ nữ đi xe máy lao lên cán nát mẹt bán hoa quả của bà cụ bán hàng ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tạo nên làn sóng chỉ trích dữ dội. Không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích, giận dữ, “đám đông” mạng xã hội còn dùng những lời phỉ báng, nguyền rủa đứa con mà cô gái đi xe máy đang mang thai hay kéo cả họ hàng của cô vào để thỏa mãn việc “ném đá”.
Đáng sợ hơn, từ việc lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đã trực tiếp đến cửa hàng của cô này khủng bố, đe dọa ném mắm tôm khiến cô phải đóng cửa tạm dừng kinh doanh vì quá sợ hãi. Cho dù vậy, ngay sau khi cô gái này lên tiếng giải thích và cũng đã xin lỗi, nhưng những hành vi “ném đá” vẫn không dừng lại.
Chuyện xảy ra với Ngân Anh giống như phong trào "miệt thị cơ thể" quy mô quốc gia, xấu xí và hung hãn. Hay như phong trào đánh giá 1 sao, cũng là một biểu hiện nghiêm trọng. Nhà cung cấp AirVisual từng bị bầu 1 sao và đánh giá tiêu cực khi ứng dụng này công bố "Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong vài ngày".Một biểu hiện phổ biến không kém đó là nạn "miệt thị cơ thể", được ví như hành vi "giết người bằng lời nói", rất phổ biến trên mạng xã hội Việt Nam. Lê Âu Ngân Anh, Hoa hậu Đại dương 2017, từng bị cư dân mạng so sánh các đặc điểm khuôn mặt với... loài cá.
Ở một cấp độ cao hơn, việc “ném đá” trên mạng xã hội ngày nay có thể coi là nơi “anh hùng bàn phím” truy cùng giết tận “con mồi” của mình. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang, trên mạng xã hội Việt Nam, bất cứ chủ đề nào cũng có thể dẫn tới những "cuộc thánh chiến khiến huynh đệ tương tàn, bạn bè ly tán".
Chủ đề của các cuộc chiến này là không giới hạn, từ ăn chay ra sao, nuôi con thế nào, giữ hay phá cái nhà thờ, nên hay không nên giải cứu dưa hấu... Ông cũng cho rằng, mạng xã hội đang ngày càng trở nên bạo lực và rủi ro hơn. Theo kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, 78,1% người được khảo sát đã trở thành nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.
Cũng là không gian tự do này, nhiều kẻ sử dụng việc giấu mặt, giấu tên để kêu gọi, cổ vũ khủng bố cá nhân khác nhằm hạ bệ uy tín, chiêu trò “chơi bẩn” trong kinh doanh hay chỉ đơn giản thỏa mãn thú tính cá nhân, miễn sao nạn nhân sẽ phải gánh hậu quả nhớ đời. Những “cơn lốc cuồng nộ” này chỉ cần một mồi lửa nhỏ sẽ sẵn sàng bùng nổ và hạ bệ bất kỳ ai, không chỉ là trên mạng xã hội hay đời thực.
Một hình thức “tùng xẻo”…
Lịch sử loài người đã từng chứng kiến những hình thức tra tấn kinh hoàng từ thời nguyên thủy cho đến phong kiến, gai góc và gây đau đớn cho nạn nhân nhất có lẽ là hình thức “tùng xẻo” hay còn gọi là “lăng trì”.
Việc nạn nhân bị khủng bố trên mạng xã hội ngày nay cũng có thể coi là một hình thức tương tự với tra tấn “tùng xẻo” thời trung cổ khi mà họ phải chịu sự phỉ miệt dai dẳng, dần dà và liên tục cho đến khi kiệt quệ. Chỉ khác ở chỗ, “con mồi” thời 4.0 sẽ phải chịu tra tấn tinh thần kinh hoàng hơn là về thể xác. Mặt khác, cũng theo khảo sát ban đầu của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), người Việt Nam chưa biết hết các biện pháp để bảo vệ bản thân trên mạng xã hội.
Đáng nói, bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của hình thức tra tấn “hiện đại” này. Khi Internet cho con người công cụ giết người vô hình, mà không có một bộ lọc pháp lý vừa đủ, kịp thời thì chính cá nhân hay doanh nghiệp đang và có thể sẽ là nạn nhân của sự thù ghét trên không gian mạng.Bởi vậy, khi rơi vào sự chỉ trích trên không gian mạng, phần lớn họ đều sợ hãi, lo lắng và trốn tránh một thời gian dài cho đến khi cộng đồng nguôi giận, có thể kéo dài nhiều năm trời. Với nhiều người, điều này có thể hủy hoại tương lai của họ, không ít trường hợp đã lựa chọn cách tiêu cực nhất để đối mặt là tìm đến cái chết. Trong thời đại người ta tung hô sự văn minh như hiện nay, việc tra tấn, khủng bố một ai đó đến mức khiến họ phải tự tử là điều thật khó chấp nhận.
Nhà báo Mai Quốc Ấn từng viết rằng: “Trong thời đại mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, chưa bao giờ câu thơ của nhà thơ Nga Evtuchenko lại đúng đến như vậy: “Đến cả các thiên tài cũng vẫn còn giới hạn. Chỉ có sự đểu cáng của con người mới không có tận cùng". Mà tôi thì không phải thiên tài nên làm việc gì cũng phòng thân trước cho chắc vậy, nhất là với “phong trào ném đá” trên mạng xã hội!”.
Đánh giá về điều này, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng nguyên do xuất phát từ sự tha hóa hành vi của con người và tâm lý đám đông. Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Báo chí - cảnh báo rằng: “Trước khi có mạng xã hội chúng ta vẫn sống rất tốt, chúng ta vẫn có cách để biểu đạt quan điểm và bây giờ chúng ta có mạng xã hội, chúng ta có những tiện ích nhưng sự dễ dãi và tiện ích đó đang dần làm tha hóa hành vi sống của mỗi con người, theo hướng không phải là thiết yếu, quan trọng. Không phải hành vi nào trên mạng xã hội cũng là hữu ích, cũng mang lại ích lợi cho xã hội”.
Việc quản lý hoạt động của mỗi người trên không gian mạng với những chế tài riêng là điều chắc chắn phải có với bất kỳ quốc gia nào, nhất là với nước ta. Tuy nhiên, chính bản thân người Việt cũng nên nhìn nhận lại những ứng xử của mình nơi không gian ảo để không phải trở thành những tội đồ “giết người không dao” trong thời 4.0.
Tags: