Hàng ngàn lao động ngành xây dựng bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp nợ BHXH. |
Không ít doanh nghiệp trong ngành xây dựng nợ tiền BHXH đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...với 3.916 người lao động (NLĐ). Trong đó gần 30 người đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí nhưng chưa được giải quyết.
Nguyên nhân chủ yếu của việc nợ lương và nợ tiền trích nộp BHXH là do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới và trong nước, hầu hết các đoanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến khó khăn về tài chính, không đủ dòng tiền để trả lương cho NLĐ và trích nộp BHXH.
Từ đó, tình trạng nợ lương NLĐ, nợ đóng BHXH vẫn xảy ra ở một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập và giải quyết chế độ, chính sách đối với BHXH.
Vấn đề tiền lương, thu nhập bình quân của NLĐ tại các công đoàn trực thuộc là 12,2 triệu đồng/người/tháng, giảm 1,3% so với cuối năm 2023. Thu nhập bình quân của NLĐ tại các công đoàn Xây dựng khối địa phương là 6,98 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,7% so với cuối năm 2023.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều đơn vị đã ưu tiên dòng tiền để trả lương cho NLĐ đầy đủ, đúng hạn.
Tuy nhiên, khối trực thuộc Công đoàn Xây dựng Việt Nam vẫn còn 41 doanh nghiệp nợ lương 4.479 NLĐ với số tiền gần 227 tỷ đồng (giảm 9 doanh nghiệp, giảm 42 tỷ đồng tiền nợ lương so với cuối năm 2023).
Đến cuối Quý II/2024, tổng số lao động tại các công đoàn trực thuộc là 73.805 người (giảm 4.057 người so với cuối năm 2023), trong đó nữ 19.208 người, chiếm 26%.
Nguyên nhân giảm lao động là do nhiều doanh nghiệp xây lắp thiếu việc làm nên đã thanh lý hợp đồng lao động hoặc cho lao động tạm nghỉ chờ việc; một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tạm dừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do nguồn cung vượt cầu.
Tags: