Dự kiến thu ngân sách nhà nước của Thành phố Hà Nội đến hết ngày 31/12/2024 là hơn 501.600 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách Thành phố vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng.
Chiều tối 30/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị công tác khóa sổ, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Dự kiến thu ngân sách Thành phố vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, tính đến 17h30 ngày 30/12/2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt 493.035 tỷ đồng, đạt 120,7% dự toán, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh trên địa bàn 30.193 tỷ đồng, đạt 111,8% dự toán, tăng 24,3%; thu từ dầu thô 4.756 tỷ đồng, đạt 158,5% dự toán, tăng 5%; thu nội địa 457.803 tỷ đồng, đạt 120,9% dự toán, tăng 20%.
Dự kiến thu ngân sách nhà nước của Thành phố đến hết ngày 31/12/2024 là hơn 501.600 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên thu ngân sách Thành phố vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng.
|
Hà Nội dự kiến lần đầu thu ngân sách vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ) |
Chi ngân sách địa phương thành phố Hà Nội ước thực hiện 105.458 tỷ đồng, đạt 74,1% dự toán, tăng 10,7%; trong đó, chi đầu tư phát triển là 51.705 tỷ đồng, đạt 67,1% dự toán sau điều chỉnh, tăng 10,1%, chi thường xuyên là 53.689 tỷ đồng, đạt 93,8% dự toán, tăng 11,3%.
Dự kiến chi ngân sách địa phương cả năm của Thành phố là hơn 127.000 tỷ đồng, đạt 91,1% dự toán.
Năm 2025, dư toán dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội được giao là 505.437 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 473.900 tỷ đồng; dự toán chi ngân sách địa phương là 165.990 tỷ đồng.
Để hoàn thành dự toán thu, chi ngân sách năm 2025, ngành Tài chính thành phố sẽ phối hợp nhịp nhàng, tham mưu UBND Thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm.
Hà Nội là 1 trong 2 địa phương có số thu ngân sách lớn nhất cả nước
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Hà Nội là 1 trong 2 địa phương có số thu lớn nhất cả nước, chiếm tỷ trọng khoảng 23% tổng thu ngân sách của cả nước; trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng khoảng 27%, lớn nhất cả nước.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2025 rất nặng nề, do đó Hà Nội cần quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả các Luật đã được Quốc hội ban hành trong năm 2024 như: Luật số 39/2024/QH14 về Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án, đầy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm: Dự án vành đai 4.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, việc điều hành ngân sách thành phố được triển khai linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo các phương án tối ưu trong cân đối nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm chi thường xuyên, đặc biệt chi an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các đơn vị trong ngành tài chính Thủ đô tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được năm 2024, xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 với tinh thần mới, khí thế mới, tinh thần vươn mình, trỗi dậy trên tất cả các mặt, trong đó có lĩnh vực tài chính-ngân hàng.