Ngày 3/5, TAND huyện Quang Bình mở phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Trọng Khánh (SN 1982, thường trú ở tổ 8, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) về tội “Huỷ hoại rừng”.
Đã ký hợp đồng chuyển nhượng đất
Được biết, đây là vụ án được dự luận hết sức quan tâm, bởi vụ án kéo dài nhiều năm.
Bản thân bị cáo Nguyễn Trọng Khánh từ lúc bị cơ quan chức năng khởi tố đến khi đưa ra xét xử đã nhiều lần làm đơn kêu oan gửi các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
|
Xét xử vụ án “Huỷ hoại rừng” ở Quang Bình. |
Theo nội dung cáo trạng truy tố, từ khoảng tháng 2/2022 đến đầu tháng 3/2022, Nguyễn Trọng Khánh (SN 1982), đã có hành vi thuê người chặt phát cây rừng với tổng diện tích 6,55ha, được xác định theo quyết định số 1619/QĐ- UBND ngày 30/7/2018 của UBND tỉnh Hà Giang và công văn số 72/HKL ngày 4/7/2022 của Hạt kiểm Lâm huyện Quang Bình thì diện tích mà bị cáo Khánh đã thuê chặt phát rừng là rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại lô (174, 165, 150, 166, khoảnh 11, tiểu khu 309 (thuộc thửa đất 995, 681, tờ bản đồ số 3), tại thôn Lủ Hạ, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
Cáo trạng xác định, trị giá lâm sản bị huỷ hoại là hơn 37 triệu đồng.
Trong phiên toà hôm nay, sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quang Bình công bố xong bản cáo trạng, bị cáo Nguyễn Trọng Khánh cho biết, bản thân không đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố.
“Bởi bị cáo cho rằng, bản thân không phải là chủ của những lô đất trên. Giữa bị cáo và Vũ Hồng Quân (SN 1981, trú tổ 6, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang) khi giao dịch là giao dịch dân sự và đã thống nhất bán các lô đất trên cho anh Quân.
Anh Quân là người đã chủ động nhờ tôi tìm người để dọn dẹp khu đất trên cho anh Quân, tôi không phải là người phá rừng…”, bị cáo Khánh trình bày trước toà.
Cũng trong phiên toà, bị cáo Nguyễn Trọng Khánh còn cho biết: Việc anh Đỗ Bằng Giang (SN 1978, trú tại tổ 2 TT Yên Bình, huyện Quang Bình) mua đất của người dân và anh Khánh mua đất của anh Giang cũng không làm thủ tục biến động đất đai.
Khi anh Quân mua, anh Quân không cho biết người mua cụ thể nên khilàm giấy tờ mua bán, anh Quân gửi thông tin để làm giấy chuyển nhượng giữa ông NguyễnThanh Hải, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Đặng Văn Kim(chủ đất) chuyển sang cho Nguyễn Đức Bình Dương (SN 1999, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Đinh Lam Thắng (SN 1982, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Bên cạnh đó, anh Giang cam kết là đất rừng sản xuất, chuyển nhượng được.
Sau khi nộp hồ sơ vào Văn phòng đăng kí đất đai huyện Quang Bình, đã có giấy tiếp nhận và trả kết quả thì anh Khánh trả nốt tiền cho anh Giang. Tổng diện tích là 15ha (trong đó, có 12ha trồng keo, 6ha chưa trồng gì).
Bị cáo Nguyễn Trọng Khánh cho biết bản thân mình và anh Quân không có thoả thuận gì về việc phát 9ha rừng, việc anh Quân mua làm gì thì bản thân bị cáo cũng không biết, chỉ biết anh Quân và một người khác vào kiểm tra rừng chứ bị cáo không đưa anh Quân vào, khi anh Quân vào bị cáo đang trong rừng và không cùng nhau đi kiểm tra thực tế.
“Anh Đỗ Bằng Giang cam kết đấy là đất rừng sản xuất nên tôi cũng nói y nguyên như vậy lại với anh Quân.
Anh Quân vào xem, sau đó mới thống nhất giá tiền mua. Tôi nhận làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hai bên không có thoả thuận khác”, bị cáo Khánh khai trước toà.
Sau khi bán đất cho anh Quân, anh Quân cung cấp thông tin người mua thì bị cáo Khánh chuyển cho địa chính xã Tân Bắc (Quang Bình, tỉnh Hà Giang) làm hồ sơ.
Hợp đồng chuyển nhượng từ ông Đặng Văn Kim do cán bộ địa chính xã Tân Bắc.
Sổ đỏ của ông Nguyễn Thanh Hải, ông Nguyễn Ngọc Nghĩa do anh Đỗ Bằng Giang làm. Tất cả 5 thửa đất này sau khi cán bộ địa chính và anh Giang chuyển gmail cho bị cáo và bị cáo chuyển mail cho anh Quân. Anh Quân là người nhờ Chủ tịch UBND xã Tân Bắc.
“Sau khi chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai có giấy tiếp nhận và trả kết quả (22/2/2022). Anh Thuần nói, cần phải xin xác nhận là đất trồng rừng.
Bị cáo có gọi điện cho anh Vũ Hồng Quân, anh Quân bảo tôi tự điền theo mẫu anh Thuần gửi rồi ra xã xin, anh Quân đã điện cho lãnh đạo UBND xã rồi”, bị cáo Khánh nói.
Nguyên đơn dân sự tham gia với tư cách người có nghĩa vụ liên quan
Theo cáo trạng, UBND huyện Quang Bình là nguyên đơn dân sự và tại phiên tòa, ông Tăng Trung In – Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình tham gia với tư cách người có nghĩa vụ liên quan.
Ông Tăng Trung In cho biết, sau khi UBND huyện nhận được phản ánh về việc có hiện tượng phá rừng, ngay lập tức lãnh đạo UBND huyện đã giao cho các đơn vị kiểm tra sự việc trên.
Nhận thấy việc phá rừng đã vượt quá phạm vi của việc xử phạt hành chính. UBND huyện đã có văn bản đề nghị Hạt kiểm lâm, cũng như cơ quan tố tụng khởi tố vụ án và xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Trong Giấy CNQSDĐ của các hộ đân đều thể hiện đây là "Đất rừng sản xuất". |
Phía lãnh đạo UBND huyện Quang Bình cũng xác nhận hiện tại 5 Giấy CNQSDĐ với các thửa (996, 686, 683, 995, 681) của các hộ gia đình đều đang có giá trị.
Luật sư Trần Đình Triển, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Trọng Khánh đưa ra nhiều câu hỏi đối với đại diện lãnh đạo huyện Quang Bình xoay quanh việc: Trong tất cả các Giấy CNQSDĐ của các hộ gia đình đều ghi rất rõ là “Đất rừng sản xuất”, hơn thế nữa trong các hợp đồng chuyển nhượng giữa các cá nhân mà đã được UBND xã Tân Bắc xác nhận và đóng dấu đều thể hiện đây “Đất rừng sản xuất”, tức là người dân có quyền quản lý sử dụng tài sản trên các thửa đất đấy để phục vụ vào việc phát triển kinh tế gia đình.
Mà đã là “Đất rừng sản xuất” thì việc cấu thành tội “Huỷ hoại rừng” đối với Nguyễn Trọng Khánh là không có căn cứ, vì đây không phải là “Đất rừng tự nhiên”, không thuộc quản lý của UBND huyện, mà người thiệt hại cũng không phải là UBND huyện, vì chính như đại diện UBND huyện đã xác nhận các Giấy CNQSDĐ của các hộ dân trên đang còn giá trị pháp lý.
“Phía đại diện UBND huyện Quang Bình nghĩ sao về sự việc trên”, luật sư Triển đặt ra câu hỏi.
Đại diện UBND huyện Quang Bình cho biết, sự việc trên là làm theo quy định của pháp luật, làm theo các nghị định, quy định của Chính phủ, cũng như của UBND tỉnh Hà Giang.
Khi luật sư hỏi lãnh đạo UBND huyện Quang Bình vì sao trong Giấy CNQSDĐ lại ghi là đất rừng sản xuất, vì sao lại lại không ghi là đất rừng tự nhiên.
Cũng trong phiên toà, luật sư cũng đề cập đến việc, theo văn bản chỉ đạo của UBND huyện Quang Bình với các cơ quan ban ngành thể hiện rất rõ có 2 vụ việc phá rừng, 1 là vụ xảy ra ở Tân Bắc, hai là vụ việc xảy ra ở thị trấn Yên Bình, vì sao chỉ có 1 vụ xử lý đó là đối với bị cáo Nguyễn Trọng Khánh (đang bị tạm giam gần 2 năm) còn 1 vụ chưa được xử lý?
Nói về vấn đề trên, lãnh đạo UBND huyện Quang Bình cho biết, sẽ đôn đốc, để xử lý công bằng trước pháp luật.
Phiên toà vẫn đang tiếp tục với phần hỏi. Tuy nhiên, Chủ toạ cho phiên toà tạm dừng và sẽ tiếp tục mở lại vào sáng thứ 2 ngày 6 tháng 5 năm 2024.