Tổng số tiền Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý trong 5 năm qua bằng 55% số tiền bị kiến nghị xử lý trong 21 năm hoạt động.
|
Ảnh minh họa. |
Sáng qua (24/2), tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông tin nêu trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2015 của Tổng Kiểm toán Nhà nước rằng: "Tổng số tiền Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý trong 5 năm qua bằng 55% số tiền bị kiến nghị xử lý trong 21 năm hoạt động của cơ quan này” đã khiến nhiều đại biểu “giật mình”.
5 năm bằng 55% của 21 năm
Con số mà Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn đưa ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là: trong 5 năm (2011- 2015), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng); trong đó 03 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) tăng cao gần hai lần so với các năm trước (năm 2013 là 8.683 tỷ đồng; năm 2014 là 8.061 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 12.658 tỷ đồng), kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản, chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát.
Tổng KTNN cũng cho biết, trong nhiệm kỳ này, chất lượng kiểm toán của KTNN đã được nâng cao, cung cấp nhiều thông tin và kết quả kiểm toán có giá trị cho Quốc hội phê chuẩn Quyết toán NSNN và cũng đã cho thấy còn nhiều vấn đề “nổi cộm” như: Công tác lập, giao dự toán thu ngân sách hàng năm chưa sát thực tế; tình trạng bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; chi thường xuyên chưa hợp lý, một số khoản chi chưa đảm bảo tỷ lệ quy định như: Chi sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục - đào tạo...; chi quản lý hành chính còn lớn trong tổng chi ngân sách địa phương do biên chế trong bộ máy lớn, nhiều nơi vượt cao so với biên chế được giao.
Cơ cấu chi chưa đổi mới theo sự phát triển của cơ chế thị trường... Cùng với đó, một số địa phương hụt thu nhưng không rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định; ngân sách còn khó khăn nhưng bổ sung ngoài dự toán một số khoản chi không thực sự cấp bách; sử dụng sai nguồn kinh phí, cho vay, tạm ứng sai quy định, kéo dài nhiều năm còn xảy ra tại hầu hết các địa phương được kiểm toán; BOT còn bất hợp lý; nợ đọng xây dựng cơ bản cao...
Ngoài ra, qua kiểm toán tập đoàn, tổng công ty nhà nước, KTNN đã điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thuế và các khoản phải nộp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng nhằm phản ánh đúng thực trạng tài chính của các đơn vị; đồng thời phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều sai phạm, tồn tại trong quản lý tài chính, kế toán như: chuyển giá, xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, chi khuyến mại, quảng cáo, kê khai thuế tài nguyên, lợi nhuận phải nộp NSNN...
Hậu kiểm toán vẫn là bài toán khó
Cho ý kiến về dự thảo báo cáo, đa số ý kiến của UBTVQH đồng tình cho rằng, sự phát triển về mọi mặt hoạt động của KTNN “nghiêm túc, công phu, có trách nhiệm và khá toàn diện”; hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan của Nhà nước đối với hoạt động của Quốc hội để quản lý, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tài chính của Nhà nước có hiệu lực, hiệu quả.
Kết quả hoạt động của KTNN đã đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công.
Tuy nhiên, nhắc đi nhắc lại con số mà KTNN kiến nghị xử lý hơn 100 nghìn tỷ đồng và số kiến nghị trong 5 năm bằng 55% so với 21 năm trước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu “thực sự lo lắng” trước tình trạng quản lý tài chính công không tiến bộ của Nhà nước.
“Nếu để tình trạng cứ 5 năm sau cao hơn 5 năm trước thì quản lý công của chúng ta ra sao?”, ông Giàu thắc mắc.
Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhắc đến việc hàng trăm kiến nghị của KTNN vẫn chưa được các cơ quan thực hiện triệt để.
Ông Phước cho biết, có kiến nghị hàng nghìn tỉ đã được đưa ra nhưng việc xử lý thì không rõ thế nào. Do vậy, vấn đề hậu kiểm toán vẫn là một bài toán khó.
Ông Ksor Phước đề nghị trong phương hướng của KTNN thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội với KTNN vì đây là hoạt động thực chất và vì kết luận của KTNN rất quan trọng đối với cơ quan được kiểm toán.
Cùng chung ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, trong Báo cáo các kiến nghị của KTNN đã tăng rất nhiều nhưng cần nói rõ kết quả xử lý những kiến nghị này như thế nào, cần phải nói rõ hơn.
Cần phải có chế tài để thực hiện các kiến nghị và kết luận của KTNN, phải có chế tài kỷ luật đối với những cơ quan, cá nhân không thực hiện các kết luận của KTNN.
Ấn tượng với số lượng và chất lượng của KTNN trong thời gian qua, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện vẫn cho rằng trong thời gian vừa qua, khi kiểm toán kiến nghị xử lý thì cơ quan chức năng chỉ xử lý hành chính là chính, những vi phạm pháp luật, những vụ có tính chất hình sự bị xử lý còn hạn chế.
Do vậy, ngoài việc phát hiện xác định hiệu quả vi phạm, cần xác định vi phạm thuộc mức nào để xử lý triệt để hơn