Ca sĩ Hoàng Bách đã cùng gia đình hòa chung vào thế giới của cộng đồng người khiếm thính để hiểu hơn về những khó khăn trong cuộc sống của họ.
Ngày 13/12, đã diễn ra ngày Hội gia đình trẻ điếc, quy tụ những người bị khiếm thính ở khu vực Hà Nội với tựa đề “Những đôi tay xinh”, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của ngôn ngữ kí hiệu (NNKH), với việc giáo dục can thiệp sớm cho trẻ điếc trước tuổi đến trường.
Trong vai trò là Đại sứ thiện chí, ca sĩ Hoàng Bách đã cùng gia đình tham dự ngày hội và chia sẻ ý nghĩa sâu sắc về văn hóa ngôn ngữ ký hiệu của những người “có tai” mà không thể nghe.
Chia sẻ về ý nghĩa của NNKH trong cuộc sống với Phapluatplus, ca sĩ Hoàng Bách cho rằng: “Xuất phát từ những lần làm việc chung với người khiếm thính, Bách quyết định học thêm về NNKH, nó không chỉ giúp cho những người khiếm thính có thể kết nối được với nhau, mà cả những người nghe cũng có thể kết nối được với họ.
Ngay khi hiểu được ý nghĩa đó, Bách thấy cuộc sống này đáng trân trọng hơn rất nhiều, và Bách nghĩ, NNKH không chỉ đơn giản là một dạng ngoại ngữ mà đó còn là ngôn ngữ tất cả thế giới xích lại gần nhau hơn. Và chúng ta sẽ không có biên giới khi nói chuyện bằng ngôn ngữ này”.
|
Gia đình ca sĩ Hoàng Bách trong ngày hội dành cho trẻ điếc trước tuổi đến trường. Ảnh: Loan Bảo. |
Cũng theo anh Bách: “Em Mèo (3 tuổi) nhà Bách đã được học ngôn ngữ này, ở lớp cô giáo đã dạy chữ C như thế nào, chữ A,B ra sao, và bé đã dạy lại cả nhà ngôn ngữ đó. Ngay lúc đó, Bách đã biết NNKH được phổ cập rộng rãi như thế nào. Mỗi đứa trẻ sinh ra là cá thể hoàn hảo, và Bách thấy các con mình thật là hoàn hảo”.
|
Ca sĩ Hoàng Bách cùng con gái (bé Mèo) học ngôn ngữ kí hiệu. Ảnh: Loan Bảo. |
Cùng chung niềm vui với những người bị khiếm thính, Chị Nguyệt Hà (phụ huynh bé Đào Quang Lâm – trẻ điếc 5 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi biết NNKH chính là ngôn ngữ của mình, cháu Lâm chịu khó học và tiến bộ rất nhanh. Cháu biết tên ký hiệu mặt mình, biết màu sắc, biết đếm số, biết các hiện tượng tự nhiên, thể hiện cảm xúc,…
Tôi cũng bắt đầu tham dự lớp học NNKH dành cho ba mẹ, rồi chúng rôi họp lại lập ra hội cha mẹ trẻ điếc, cùng giúp nhau học ký hiệu, và giờ đây, tôi có thể tự tin nói với con những câu chuyện từ đơn giản đến phức tạp”.
Chuyên gia giáo dục Vũ Lan Anh cũng cho rằng, đối với trẻ điếc ở tuổi mầm non, gia đình chính là môi trường trẻ tiếp xúc nhiều nhất, học những kiến thức đầu tiên. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đồng hành và hỗ trợ con trong gia đoạn này để trẻ điếc có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi vào lớp 1.