Tỉnh Bạc Liêu được xem là thủ phủ muối, không chỉ góp phần đáng kể vào thu nhập của diêm dân mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa riêng biệt của vùng miền. Đặc biệt, nghề làm muối đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2020.
Theo đó, Festival nghề Muối dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6-8/3/2025 tại Bạc Liêu với các hoạt động chính, gồm: Lễ Khai mạc Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025; Hội chợ với khoảng 100 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, các sản phẩm OCOP, sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến. Cùng với đó, các Hội nghị, Hội thảo, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư… lễ bế mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025.
Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp báo giới thiệu Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” (ngày 16/12). |
Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Thông qua Festival nghề muối - Bạc Liêu năm 2025, để diêm dân Bạc Liêu, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh muối trong và ngoài nước gặp gỡ trao đổi, liên kết và được hỗ trợ tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất muối.
Đồng thời, có nhiều giải pháp sản xuất, chế biến nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt muối, đa dạng hóa sản phẩm, mô hình từ muối,... cho ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: sử dụng cho y tế, làm thực phẩm chức năng, sử dụng cho spa, làm đẹp, làm quà tặng,... Từ đó, giúp phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của hạt muối.
Qua đây, thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối để đầu tư liên kết với diêm dân; từ đó, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất trong lĩnh vực diêm nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm từ muối”.
“Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025, là dịp để tôn vinh giá trị di sản của nghề làm muối, đồng thời thúc đẩy sự phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Sự kiện kỳ vọng không chỉ quảng bá sản phẩm muối Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung, mà còn tạo động lực kết nối kinh tế, văn hóa và du lịch. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng, góp phần bảo tồn truyền thống, nâng cao giá trị hạt muối Việt và khẳng định vị thế của nghề muối trên thị trường trong nước và quốc tế” -ông Ngô Nguyên Phong nhấn mạnh.
Sự kiện Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025, là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống nghề muối Việt Nam nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng. |
Để phục vụ cho khách lưu trú tại sự kiện Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu có 420 cơ sở lưu trú với khoảng 4.500 phòng, trong đó có 160 cơ sở lưu trú du lịch (gồm có 3 khách sạn 3 sao, 8 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch)… Đồng thời, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm và vui chơi giải trí đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Bạc Liêu hiện có 11 địa điểm du lịch được bình chọn là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL gồm: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; khu du lịch sinh thái Hồ Nam; khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu; Quảng trường Hùng Vương; khu nhà Công tử Bạc Liêu; Khu du lịch Nhà Mát; Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu; khu Quán âm Phật đài; Điện gió Bạc Liêu; Di tích lịch sử văn hóa chùa Xiêm Cán và Di tích lịch sử Quốc gia đồng Nọc Nạng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn có các địa điểm để du khách trải nghiệm như: Vườn chim Bạc Liêu; Đồng hồ Thái Dương, Nhà thờ Tắc sậy; Vườn nhãn cổ Bạc Liêu,… Đặc biệt là Cánh đồng Muối Bạc Liêu trên địa bàn huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều cảnh quan đặc sắc. Ngoài ra, nơi đây này còn được biết đến với những món ăn hấp dẫn, rất khác biệt, mang đậm hương vị của người dân miền Tây như: lẩu mắm, bánh tằm ngan dừa, bánh xèo, bún bò cay, bún nước lèo, bún xào nem nướng, bánh củ cải, đuông chà là, cá kèo nấu giấm, ba khía...
Bạc Liêu hiện có 1.400 ha muối. Tuy nhiên, những diêm dân làm nghề muối tuy có những khó khăn, vất vả và bấp bênh, nhưng vẫn luôn yêu nghề và gắn bó với nghề.
Năm 2024, sản lượng muối Bạc Liêu tăng lên tới hơn 70.000 tấn, đòi hỏi kho chứa lớn bởi muối càng để lâu càng có giá trị.
Những năm qua, Bạc Liêu đã đẩy mạnh xuất khẩu muối, khoảng 20.000 tấn/năm. Đồng thời, đã ban hành 1 Đề án phát triển nghề muối.
Đến năm 2025, thông qua Festival, tỉnh Bạc Liêu mong muốn nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân sẽ quan tâm hơn đến muối Bạc Liêu, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.