Thời gian qua, tình trạng lợi dụng hoặc ép trẻ em đi ăn xin, bán hàng rong hoặc hoạt động nghệ thuật ngoài đường phố để thu lợi bất chính vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Vậy hành vi chăn dắt trẻ em như vậy có bị xử phạt hay không?
Những ngày gần đây, Hà Nội thường xuyên xảy ra mưa lớn. Thế nhưng, khi đi qua một số ngã tư lớn tại Hà Nội, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh một số trẻ em đứng cùng người lớn đứng dưới cơn mưa tranh thủ chạy ra xin tiền những người tham gia giao thông.
Nhìn cảnh tượng đó, chúng ta không khỏi xót xa, bởi lẽ ở lứa tuổi này các em phải được gia đình chăm sóc, được học tập và vui chơi thay vì phải đội mưa xin tiền cùng người mà không rõ có phải là cha hay mẹ của các em hay không.
Tại các thành phố lớn, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh trẻ em đang lao động, mưu sinh dưới nhiều hình thức khác nhau, ở lứa tuổi mà đáng lẽ các em phải được gia đình chăm sóc, được học tập và vui chơi thay vì phải vất vả kiếm sống bằng việc xin ăn, thổi lửa.
Cách đây ít lâu, tại TP.HCM có một đoạn clip quay lại sự việc một đồng chí Công an đã bắt gặp một nhóm trẻ em vị thành niên đang thổi lửa kiếm sống trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Do nghi ngờ các em bị chăn dắt nên đồng chí công an này đã giữ các lại em để làm rõ vụ việc. Tuy nhiên trong quá trình đưa các em về trụ sở làm việc thì đã bị nhiều người dân vây quanh và ngăn cản.
Trước sự ngăn cản đó, đồng chí công an với ánh mắt như muốn khóc đã dừng lại để giải thích trong sự bất lực: “Có ai con nít mà cầm lửa ra thổi ngoài đường không, giờ này nó phải đi học".
Cũng trên các tuyến phố ẩm thực tại các tỉnh thành lớn, hình ảnh những người lớn bế những đứa trẻ với đôi mắt mơ màng hay những đứa bé chỉ 4 – 5 tuổi tay xách những túi đồ nhỏ như bông tăm, kẹo, hoặc móc khóa mời thực khách mua hàng đã trở nên quá quen thuộc.
Những người bắt ép trẻ em mưu sinh thường lợi dụng tình cảm và lòng nhân ái của người dân để trục lợi. Để tăng hiệu quả trong việc bắt ép trẻ em đi ăn xin, những kẻ này thường tạo ra các hoàn cảnh thương tâm cho trẻ, như giả vờ trẻ bị thương, trẻ mồ côi, hoặc trẻ bị bỏ rơi. Họ sử dụng chiêu trò này để thu hút sự chú ý và áp đặt một áp lực tâm lý lên người đi đường, buộc họ cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ.
Việc bắt ép trẻ em đi ăn xin không chỉ là để kiếm tiền mà còn phát sinh một vấn đề xã hội phức tạp. Những đứa trẻ sống trong môi trường đường phố cũng khiến trẻ dễ tiếp xúc với các tệ nạn xã hội, từ đó mất đi tuổi thơ và tương lai xán lạn. Những rủi ro mà trẻ em phải đối mặt khi bị bắt ép đi ăn xin không chỉ là sự lạm dụng lao động, mà còn bao gồm nguy cơ lạm dụng tình dục, bóc lột, và thậm chí là các tai nạn giao thông đáng tiếc.
|
Một đứa trẻ được người lớn bế ra ngã tư đường để xin tiền (ảnh minh họa) |
Trước thực trạng này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thiết lập nhiều chế tài xử lý, ban hành nhiều quy định cụ thể để ngăn chặn hành vi này và bảo vệ trẻ khỏi hành vi bị bắt ép đi ăn xin.
Trao đổi với Báo PLVN, Luật sư Bùi Thế Vinh – Trưởng Văn phòng luật sư Thái Minh cho biết: “Hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính là việc các đối tượng vi phạm đã lợi dụng, sử dụng trẻ em để thực hiện những hành vi trái quy định pháp luật nhằm thu lại một lợi ích nhất định cho mình, mà lợi ích đó thường liên quan đến tài sản là chủ yếu. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm nếu phạt hiện.
Thông thường, các đối tượng sẽ có 03 hành vi chính như sau:
Một là, “chăn dắt”, ép buộc trẻ em đi ăn xin, cho trẻ sử dụng các chất kích thích, uống thuốc ngủ để ngủ mê cả ngày và ẵm trên tay ra các góc đường đông người qua lại để ăn xin, đánh vào lòng thương người, thương trẻ của người đi đường. Thậm chí, các đối tượng “chăn dắt” còn thực hiện hành vi ngày càng tinh vi, xây dựng một đường dây điều hành quy mô lớn ở phía sau.
Hai là, nhiều đối tượng còn đào tạo, dụ dỗ trẻ em đi ăn cắp, thậm chí có những đối tượng là cha mẹ mà lại hướng dẫn con nhỏ của mình phối hợp đi trộm cắp tài sản của người khác.
Ba là, nhiều đối tượng còn “đánh” vào nhận thức chưa đầy đủ của trẻ em bằng việc tuyển dụng công việc nhẹ, lương cao và chỉ làm vào thời gian rảnh rỗi. Sau khi những đứa trẻ này đồng ý vào làm việc, thì bị hành hạ, đánh đập, bắt ép khiêu dâm, đi bán dâm chứ không giống như công việc ban đầu được hứa hẹn, thỏa thuận.”
Về quy định hiện nay, luật sư Vinh cho biết: “Theo quy định tại Điều 1, Luật Trẻ em 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Theo khoản 7, Điều 4, Luật Trẻ em 2016 quy định, bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi. Và tại khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em 2016, hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Vì thế, người nào có hành vi chăn dắt trẻ em xin ăn, bán hàng rong, hoạt động nghệ thuật để trục lợi, bóc lột thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Cụ thể như sau:
Về xử lý hành chính:
- Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp khi có hành vi ép buộc trẻ em đi xin ăn, sử dụng trẻ em để xin ăn (khoản 2, điểm a khoản 5 Điều 23, Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 20 đồng đến 25 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) khi có hành vi lợi dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (đểm b khoản 3, khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em khi có hành vi chăn dắt trẻ em đi ăn xin (điểm b khoản 5 Điều 23, Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Về trách nhiệm hình sự:
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 chưa quy định một tội danh nào cho hành vi chăn dắt trẻ em để trục lợi.
Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ cụ thể của hành vi trên thực tế mà người chăn dắt, ép buộc trẻ em ăn xin nhằm trục lợi, có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội như:
- Tội Hành hạ người khác với mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm tù (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).
- Tội Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi với mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù (Điều 296 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
- Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017)
Đồng thời thì việc phạm tội đối với người dưới 16 tuổi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, nếu người chăn dắt trẻ em là cha, mẹ ruột thì cha mẹ có thể không được trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).