Một số cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra những phương thức tuyển sinh mới, tiệm cận với cách thức tuyển sinh của các trường trên thế giới.
Tin nên đọc
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2018: Ngành học nào sẽ lên ngôi?
Tuyển sinh 2018: Công bố tỷ lệ có việc làm, tin được không?
Tuyển sinh 2018: Tăng thêm hơn 100 ngành mới
Hà Nội: Công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp 2018- 2019 và khảo sát tiếng Anh
Theo thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018 mà ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa công bố, năm nay trường tuyển sinh trên 8.500 chỉ tiêu theo học 104 chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao, tiên tiến, tài năng bậc đại học.
|
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Lê Văn |
Ngoài 2 cách thức xét tuyển cũ là dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng do ĐHQGHN tổ chức, thì năm nay, trường còn mở thêm 2 phương thức xét tuyển: sử dụng chứng chỉ quốc tế quốc tế Cambridge International Examinations A-Level và kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ). Đây là năm đầu tiên ĐHQGHN xét tuyển đối tượng sử dụng kết quả SAT và cũng là trường đại học công lập đầu tiên sử dụng cách thức xét tuyển này.
Quyết định mở rộng cách thức xét tuyển, ĐHQGHN kỳ vọng sẽ hướng tới những đối tượng đang theo học các trường phổ thông quốc tế, các chương trình tú tài quốc tế. Dự kiến, trường sẽ xét hồ sơ với những thí sinh đạt mức điểm 65% trở lên so với điểm tối đa - là mức điểm mà hội đồng tuyển sinh cho là khá tốt.
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN – cho biết, những năm gần đây trường có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh theo xu hướng quốc tế hóa. Nên việc lấy kết quả bài thi SAT, hay xét chứng chỉ quốc tế A-level là phù hợp với thông lệ quốc tế. “SAT là bài thi đảm bảo chất lượng về chuyên môn. Nhiều quốc gia tiên tiến khác như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Na Uy… cũng lấy điểm SAT là điểm đầu vào. Vì thế, không có lý do gì mà chúng ta không thể áp dụng. Nội dung bài thi môn Toán của SAT cũng rất phù hợp với chương trình đào tạo của Việt Nam. Ngoài ra, SAT còn yêu cầu rộng hơn về tiếng Anh, khả năng đọc hiểu, viết luận…” GS. Đức cho biết, 2018 là năm đầu tiên ĐHQGHN sử dụng điểm SAT để xét tuyển và có xét cùng điểm hồ sơ chung. Nếu có ngành, trường thành viên nào chỉ xét riêng điểm SAT thì có thể sẽ ưu tiên cho các ngành học bằng tiếng Anh, các chương trình tài năng, chất lượng cao, trường quốc tế, dành cho sinh viên nước ngoài. Yếu tố này sẽ được hội đồng tuyển sinh các trường cân nhắc, nhưng chỉ tiêu cho đối tượng xét tuyển này sẽ không nhiều – ông cho biết.
Hiện tại, ĐHQGHN chưa đưa ra những thông tin cụ thể hơn về chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, của các trường thành viên dành cho đối tượng xét tuyển này. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển của đối tượng này chắc chắn cũng sẽ có những khác biệt, do thời điểm tổ chức các kỳ thi SAT ở Việt Nam thường được bố trí rải rác trong năm và có tới 6 lần thi trong một năm, không có ràng buộc và giới hạn về độ tuổi.
Trường ĐH Ngoại thương – một trong những trường đại học trong nước được đánh giá cao về chất lượng đào tạo – năm nay cũng mở rộng thêm một phương thức xét tuyển mới – xét tuyển kết hợp. Phương thức xét tuyển kết hợp của ĐH Ngoại thương được áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, bao gồm chương trình tiên tiến chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, chương trình tiên tiến chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, chương trình kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, các chương trình chất lượng cao Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - ngân hàng.
Cụ thể, trường kết hợp giữa xét tuyển điểm trung bình học tập các năm học phổ thông và điểm thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển): IELTS đạt 6,5 trở lên, hoặc TOEFL ITP đạt 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT 90 trở lên, hoặc giải ba quốc gia môn Tiếng Anh trở lên và có tổng điểm 2 bài/môn thi THPTQG năm 2018 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ) đạt từ 16 điểm trở lên.
Như vậy, điểm thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được Trường ĐH Ngoại thương đưa vào là một trong những điều kiện xét tuyển vào trường.
|
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: Thanh Hùng |
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng áp dụng điều kiện xét tuyển này trong phương thức xét tuyển kết hợp. Cụ thể, đối tượng được trường xét tuyển riêng gồm các thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/6/2018) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 575 trở lên hoặc TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm 2 bài/môn thi THPT quốc gia năm 2018 trừ bài thi Ngoại ngữ Tiếng Anh, đạt từ 15 điểm trở lên, trong đó có môn thi Toán.
Ngoài ra, theo định hướng từ năm 2021, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ tuyển sinh 2 kỳ/ năm: kỳ mùa thu và mùa xuân. Tổ chức kỳ thi tuyển riêng theo dạng bài thi đánh giá năng lực tương tự SAT cũng là một trong những định hướng của trường.
Năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng sẽ có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường này tổ chức. Với phương thức xét tuyển này, trường dự kiến dành từ 10-15% chỉ tiêu cho mỗi ngành/ nhóm ngành. Còn lại, 70-80% chỉ tiêu mỗi ngành/ nhóm ngành vẫn dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia.
Tuy nhiên, năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn chưa xác định kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức là điều kiện tiên quyết để xét tuyển vào trường, mà chỉ là thêm một cơ hội lựa chọn cho các thí sinh. Kỳ thi này sẽ chưa được tổ chức trong toàn hệ thống các trường thành viên, mà chỉ ở một vài trường thành viên nhất định.
Cũng tương tự như bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN, nội dung bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM gồm phần tự luận (thi 30 phút) và 100 câu trắc nghiệm (thi 150 phút).
100 câu trắc nghiệm sẽ gồm 3 phần với 5 nội dung đánh giá khác nhau. Phần 1 gồm 40 câu hỏi đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ, trong đó có 20 câu trắc nghiệm ngôn ngữ tiếng Việt và 20 câu ngôn ngữ tiếng Anh. Mục tiêu phần thi này là đánh giá khả năng dùng từ, đọc hiểu và phân tích bài viết.
Phần 2 gồm 20 câu trắc nghiệm liên quan đến suy luận logic và xác định quy luật.
Phần 3 gồm 40 câu hỏi sẽ tập trung đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề. Trong đó, 10 câu trắc nghiệm kỹ năng phân tích số liệu với nội dung gồm: phân tích ý nghĩa, xác định xu hướng, tìm quy luật dựa vào các số liệu cho trước được trình bày dưới dạng bảng số hoặc đồ thị. 30 câu còn lại kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua các vấn đề được trình bày dưới dạng bài viết quanh các chủ đề về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế, kỹ thuật... Thí sinh sẽ sử dụng dữ kiện cung cấp trong bài viết để trả lời các câu hỏi liên quan.
Bài thi này được xây dựng theo hướng tiếp cận các bài thi chuẩn hóa nhằm xét tuyển đầu vào ĐH của Mỹ (SAT-Scholastic Assessment Test) và Anh (TSA-Thingking Skills Assessment).