Là tỉnh miền núi có trên 333km đường biên với Trung Quốc, Cao Bằng xác định phát triển kinh tế cửa khẩu (KTCK) là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.
|
Sự phát triển của KTCK tạo công ăn, việc làm cho người lao động. |
Tiềm năng lớn
Cao Bằng có đường biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 333km, có Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, 3 cặp cửa khẩu chính (Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn) và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở trên biên giới, tạo ra nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu. Tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Khu KTCK tỉnh Cao Bằng, đây là động lực và cơ hội để tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2013-2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn tỉnh đạt 9,486 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XNK chính ngạch đạt gần 3 tỷ USD (tăng gấp đôi tổng kim ngạch XNK chính ngạch giai đoạn 2011 - 2015. Giai đoạn 2011-2015 đạt 1,575 tỷ USD); kim ngạch hàng hóa tạm nhập, tái xuất đạt gần 6,5 tỷ USD (kim ngạch XNK hàng hóa tạm nhập tái xuất giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3,035 tỷ USD). Số thu ngân sách qua hoạt động KTCK hằng năm đều tăng cao và đóng góp khoảng 30 đến 35%/năm tổng thu ngân sách của tỉnh. Tổng số thu ngân sách từ KTCK đạt 2.247 tỷ đồng. Trong đó, thu thuế XNK đạt 1.057 tỷ đồng; thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cửa khẩu đạt 1.190 tỷ đồng. |
Trong nhiều năm qua, Cao Bằng xác định KTCK là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các vùng kinh tế khác. Đặc biệt, Khu KTCK tỉnh Cao Bằng có một vị trí địa lý rất quan trọng, khoảng cách kết nối đến các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc như: Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu và Quảng Tây thuận lợi hơn các khu vực khác của nước ta. Theo tính toán, tuyến vận tải này nếu được hình thành ra biển qua cảng Hải Phòng (Việt Nam) sẽ rút ngắn được khoảng cách vận chuyển khoảng
1.100 km so với vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh này ra cảng gần nhất của Trung Quốc. Trong triển vọng, Khu KTCK sẽ phát triển là một trong những đầu mối giao thông giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như các nước ASEAN với Trung Quốc, trong khuôn khổ xây dựng khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.
Khi Khu KTCK tỉnh chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại, sản xuất hàng hóa, liên kết với các địa bàn trong tỉnh và vùng để khai thác các thế mạnh về nguồn nguyên liệu địa phương (khoáng sản, nông - lâm sản). Đồng thời, Khu KTCK Cao Bằng là nơi thử nghiệm các mô hình hợp tác phát triển KTCK theo các chính sách mở, đồng bộ, phát huy cao nhất tiềm năng, liên kết chặt chẽ với các hoạt động KT-XH trên địa bàn toàn tỉnh.
Với điều kiện về mặt bằng rộng, giao thông kết nối thuận lợi, khu vực Tà Lùng có điều kiện để phát triển các chức năng như dịch vụ, sản xuất công nghiệp gắn với lợi thế cửa khẩu, triển vọng của khu vực sẽ trở thành một cực phát triển mạnh của Khu KTCK. Các mặt hàng xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng gồm: Hàng nông sản, dây thun, quặng... còn các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị kỹ thuật, vải... Năm 2016, Trung Quốc chỉ định cho phép cửa khẩu Thủy Khẩu đối diện Tà Lùng và cửa khẩu Long Bang đối diện Trà Lĩnh được nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam. Tỉnh Cao Bằng và TP Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký thỏa thuận khung về hợp tác xuất khẩu nông sản, hải sản và hoa quả của Việt Nam qua cặp Cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang với mục tiêu nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) nông - lâm - thủy sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng. Công ty Vạn Sinh Long của Trung Quốc đã đầu tư kho chứa hoa quả tươi nhập khẩu, đáp ứng 8.000 tấn hoa quả/ngày, nhập khẩu hàng từ Việt Nam bắt đầu từ đầu năm 2018.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Chương trình phát triển KTCK của Cao Bằng thời gian qua tồn tại một số vấn đề cần giải quyết như: Việc lập quy hoạch khu KTCK và các cửa khẩu còn nhiều bất cập, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án; Việc huy động các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng các khu KTCK còn hạn chế; Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh mới được thành lập, tổ chức bộ máy còn thiếu biên chế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu; Năng lực chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, xây lắp còn hạn chế; Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương, Ban Quản lý khu KTCK chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao...
Điều khó khăn hiện nay là Cao Bằng chưa có khu công nghiệp, vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung phục vụ xuất khẩu cho nên hàng hóa XNK chủ yếu chỉ trung chuyển qua địa bàn. Trong khi đó, khoảng cách từ địa phương khác đến Cao Bằng khá xa, chỉ có đường bộ, không có các loại hình giao thông khác; đường giao thông vào một số cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan hàng hóa trong nhiều năm gần đây bị xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo. Đây là những “điểm nghẽn” hạn chế năng lực phát triển của địa phương, cần sớm được khắc phục. Mặc dù cơ sở hạ tầng (CSHT) thời gian qua được tỉnh quan tâm quy hoạch và dành nguồn lực đầu tư xây dựng nhưng do nhu cầu thực tế cao, ngân sách của tỉnh Cao Bằng hạn hẹp, cho nên CSHT phục vụ các hoạt động KTCK còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Dấu ấn Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh năm 2020 Là một trong 4 cửa khẩu của Việt Nam được lựa chọn để xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh) đang được xây dựng CSHT với định hướng hình thành Khu hợp tác kinh tế biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc). Đây sẽ là trạm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang các nước ASEAN qua cảng Hải Phòng và ngược lại. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Khu hợp tác linh tế Trà Lĩnh thu hút 6 nhà đầu tư đăng ký thực hiện các dự án kho bãi, thương mại, dịch vụ, với tổng số vốn đăng ký 3.674 tỷ đồng. Hiện có ba dự án kho bãi XNK hàng hóa đã đi vào hoạt động. Cao Bằng đặt mục tiêu đưa khu hợp tác kinh tế này chính thức hoạt động vào năm 2020. Đồng thời, tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông, đặc biệt là hoàn thành xây dựng tuyến cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn để thúc đẩy kết nối giao thông vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng đi các nước ASEAN... Cao Bằng cũng đã phối hợp với tỉnh Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc khảo sát để xây dựng đề án thành lập tuyến đường vận tải đường bộ quốc tế mới từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua Cửa khẩu Trà Lĩnh đi ra biển thông qua cảng Hải Phòng, từ đó hình thành hành lang kinh tế từ Trùng Khánh - Quý Châu - Quảng Tây (qua Bách Sắc) của Trung Quốc qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) kết nối với các nước ASEAN theo đường Hồ Chí Minh và trục nối Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng theo quốc lộ 4A ra các nước ASEAN và quốc tế, đáp ứng nhu cầu xây dựng và kết nối mạng lưới giao thông của khu vực, tăng cường năng lực khai thông giao thông thông suốt của các cảng hậu phương thuộc vịnh Bắc Bộ… Giai đoạn 2013-2018, Cao Bằng đã đầu tư 26 dự án xây dựng CSHT KTCK với tổng vốn 963 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 60 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 9.000 tỷ đồng và 23 triệu USD (50 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 8.417 tỷ đồng; 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 598 tỷ đồng và 23 triệu USD). Hiện, 26 dự án đã đi vào hoạt động. |