10 năm qua, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã rất nỗ lực mới thu xếp vốn cho hơn 450 dự án với tổng giá trị hơn 95 nghìn tỉ đồng, vẫn chưa thấm tháp gì so với nhu cầu khoảng 20 nghìn tỉ đồng/năm giai đoạn 2018-2030.
Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, Tổng giám đốc EVNNPT, khối lượng đầu tư xây dựng giai đoạn 2018-2030 của tổng công ty bằng tổng khối lượng đầu tư cho lưới truyền tải từ trước tới nay cộng lại. Trong đó có nhiều dự án truyền tải điện cấp bách cho miền Nam với áp lực lớn về tiến độ thu xếp vốn, thi công và giải ngân...
|
Bảo dưỡng đường dây 500kV mạch 1 |
Hiện nay, tình hình tài chính của EVNNPT cơ bản lành mạnh và đáp ứng được yêu cầu của các nhà tài trợ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều. Cụ thể, các ngân hàng lớn trong nước đã cho EVNNPT vay tới giới hạn tín dụng, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với USD đang có xu hướng tăng. Những năm gần đây, Chính phủ siết chặt các khoản vay ODA, hạn chế vay nợ nước ngoài và những năm tới sẽ càng khó khăn hơn. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian đàm phán và để giải ngân phải hoàn thiện nhiều thủ tục chặt chẽ, liên quan đến nhiều bộ, ngành với thời gian trung bình khoảng 20 tháng/dự án. Đây là khoảng thời gian “bất khả chờ” đối với các dự án truyền tải điện cấp bách.
Thêm nữa, hiện đơn giá truyền tải điện đang chịu sự điều tiết của Nhà nước, mới chỉ đủ bù đắp các chi phí sản xuất, EVNNPT hoạt động gần như không có lợi nhuận. Trong khi đó, EVNNPT phải bảo toàn vốn theo quy định của Bộ Tài chính, phải tuân thủ mọi cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên, phải tự huy động vốn và có trách nhiệm trả vốn và lãi vay theo các hợp đồng vay vốn.
Giải pháp nào?
Theo lãnh đạo EVNNPT, để bảo đảm nguồn vốn cho các dự án truyền tải điện, trong thời gian tới, tổng công ty sẽ tích cực làm việc với các đối tác truyền thống để huy động nguồn vốn vay ODA. Dự kiến, nguồn vốn ODA chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư giai đoạn tới của EVNNPT.
Bên cạnh đó, EVNNPT sẽ tiếp tục huy động vốn vay ưu đãi nước ngoài với lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài dựa trên các chương trình hợp tác giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm, hoặc trên cơ sở chiến lược phát triển quốc gia và phát triển ngành, có tính đến các chương trình đột xuất hằng năm.
|
Các khoản vay/hỗ trợ kỹ thuật ODA của EVNNPT trong 10 năm (2008-2018) |
Đặc biệt, EVNNPT sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận nguồn vốn thương mại song phương và đa phương, hỗ trợ cho mục tiêu bảo đảm nguồn tài chính lành mạnh, khi nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài bị giới hạn.
Mặt khác, EVNNPT cũng đang tìm kiếm cơ hội với các hình thức vay mới (tín dụng xuất khẩu, thương mại, dựa vào kết quả...), đa dạng hóa các hình thức đầu tư và tối ưu hóa hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài.
EVNNPT đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có phương án linh hoạt trong bảo lãnh vay vốn, đặc biệt là vay vốn nước ngoài, đầu tư cho các công trình truyền tải điện có suất đầu tư lớn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thời gian thu xếp, hoàn thiện và ký kết các thỏa thuận hợp tác, hiệp định vay... rút ngắn thời gian thực hiện và tăng hiệu quả dự án.
Đồng thời, EVNNPT tập trung nâng cao hiệu quả quản lý các dự án, đặc biệt là kiểm soát chặt tiến độ xây dựng và giải ngân, góp phần quan trọng vào việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn đã được phân bổ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của EVNNPT trong huy động các nguồn vốn vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, theo các chuyên gia tài chính, một giải pháp mang tính căn cơ là các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xem xét điều chỉnh giá truyền tải điện. EVNNPT cần thu hồi được vốn, bù đắp chi phí sản xuất, có lợi nhuận hợp lý, tự chủ trong mọi hoạt động, tự chủ về tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.