Ngày 18/11, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai phối hợp Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện Kế hoạch thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản đợt 2 năm 2022 với các cá thể giống thủy sản bản địa, loài có giá trị khoa học và giá trị kinh tế như: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá vồ đém, cá bống tượng, cá thát lát cườm, cá lăng.
Số lượng thả khoảng 392.241 cá thể giống tôm sú, cua biển và cá chẽm. Khu vực thả cá thuộc bến cá Phước An (thuộc ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT Đồng Nai, địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hệ thống sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Thị Vải,... với diện tích gần 70.000 ha mặt nước.
Ngoài ra còn có rất nhiều hồ chứa nước thủy lợi và trên 60 con sông, kênh rạch lớn nhỏ khác, thuận lợi cho việc nuôi trồng các loài thủy sản.
Trên hệ thống sông Đồng Nai có khoảng 300 loài cá sống trong nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Trong đó có 17 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam ở các mức độ đe dọa khác nhau cần được bảo vệ.
Thành phần các giống loài thủy sản trên sông Đồng Nai rất đa dạng: cá có 127 loài, thuộc 15 họ; tôm nước ngọt có 12 loài thuộc họ Palaemonidae.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm sút nghiêm trọng cả về thành phần giống loài cũng như sản lượng.
Nguyên nhân là do tác động của tự nhiên và con người qua việc khai thác thủy sản bằng các phương pháp không theo quy định.
Một số loài cá đã mất đi, một số loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài thủy vực tự nhiên.
Nhiều loài cá trước đây hiện diện phổ biến trên lưu vực sông Đồng Nai hiện nay rất hiếm gặp như: cá sơn đài, cá may, cá me, cá ngựa xám, cá ngựa xương, cá cóc đậm, các loài cá trèn.
Một số loài thủy sản nước ngọt đặc hữu có giá trị kinh tế, khoa học tại khu vực sông Đồng Nai như tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), cá vồ đém (Pangasiuslarnaudii), cá chạch lấu (Mastacembelus favus), cá bống tượng (Oxyeleotris marmorata), cá lăng nha (Hemibagruswyckioides), cá thát lát cườm (Chitala ornate)... ngày càng suy giảm nghiêm trọng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Do đó, đợt này, ngành chức năng đã phát động chương trình thả cá, phóng sinh xuống sông để tái tạo, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đặc biệt trong những năm qua, ngành thủy sản đã tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có giá trị kinh tế cao đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Ước cả năm 2022, giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 4% so cùng kỳ; sản lượng thủy sản ước đạt 69,200 tấn, thủy sản tiếp tục chuyển dịch từ phương thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh, bán thâm canh, chuyển đổi đối tượng nuôi kém hiệu quả sang đối tượng có giá trị kinh tế cao hơn; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác; đóng góp tích cực trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Tỉnh Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi về nguồn lợi thủy sinh vật đa dạng trên các lưu vực sông, hồ chứa với nhiều loài có giá trị khoa học, giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức đã và đang làm cho nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển ngành thủy sản và bảo tồn, đa dạng sinh học, bên cạnh đó, tình trạng khai thác sử dụng các nghề, ngư cụ mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản còn nhiều; việc lưu hành, sử dụng những ngư cụ này khá phức tạp gây khó khăn trong công tác quản lý đặc biệt là chất độc, xung điện. Chính vì vậy, việc bảo vệ, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản càng cấp bách và cần được quan tâm.