Trong những năm qua, tại các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Tân Phú…là những địa phương có vùng chuyên canh cây trồng hàng năm, cây lâu năm khá lớn. Để có nơi tập kết nông sản, người dân phải lợp lán trại tạm bợ, thậm chí làm “chui” để đáp ứng công đoạn phân tách thành phẩm.
Vì vậy, quy định cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất tại địa bàn tỉnh mới ban hành sẽ tháo gỡ được vướng mắc cho đa số nông dân, doanh nghiệp trực tiếp canh tác, sản xuất nông nghiệp. Đây được cho là nhu cầu thực tế và bức thiết của các hộ nông dân và cả doanh nghiệp, HTX nông nghiệp.
Theo bà Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai, quy định tại Luật Đất đai 2024, người dân sử dụng đất nông nghiệp được phép xây dựng một số loại công trình trên đất để phục vào mục đích nông nghiệp như chuồng trại, nhà kho, nhà kính. Điều này không chỉ giúp nông dân có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như nhà kho, nhà màng, nhà kính hoặc công trình bảo quản nông sản, mà còn tăng cường khả năng bảo vệ sản phẩm khỏi ảnh hưởng của thời tiết và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Bà Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Khương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư thương mại 939 (939 Group) cho biết: "Hiện nay doanh nghiệp chúng tôi đang triển khai các vùng trồng cây lương thực và cây dược liệu hàng chục hécta, nhu cầu cần xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là rất cần thiết. Để đáp ứng cho việc sơ chế ban đầu, chúng tôi cần có nhà xưởng, kho đủ lớn để phân loại như cây sả chanh, nghệ, gừng, nha đam, … cộng thêm khu vực bảo quản để đảm bảo nguyên liệu được tươi, đạt tiêu chuẩn trước khi đưa về nhà máy sản xuất.
Ông Nguyễn Duy Khương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại 939 ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án nhà máy chế biến thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp xanh tại Ninh Thuận. |
Như vậy, theo Quyết định số 52/2024/QĐ-UBND mới được ban hành đã giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên với quy định xây dựng công trình diện tích không quá 100m2 chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp", ông Khương nhấn mạnh.
Hiện Đồng Nai có hơn 287 ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp, bao gồm đất trồng cây hàng năm, lâu năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Mỗi năm, Đồng Nai thu hoạch trên một triệu tấn nông sản các loại. Vì vậy, nếu có nhà kho, khu vực sơ chế ngay trên khu đất nuôi trồng, doanh nghiệp, người dân sẽ giảm bớt chi phí vận chuyển, bảo quản.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là vướng mắc lâu nay của tỉnh. Nếu một khu đất trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu rộng hàng chục hécta, thậm chí rộng hơn, nông dân, doanh nghiệp muốn xây dựng nhà kho để chứa phân bón, xây kho lạnh để bảo quản sau thu hoạch, xây phòng trọ cho người làm ở đều không được. Những vướng mắc này tỉnh rất muốn tháo gỡ nhưng pháp luật không cho phép.
Cũng theo ý kiến đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, việc cho phép xây dựng công trình để phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp rất cần thiết, quy định này góp phần hạn chế được việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, cũng rất cần xây những lán trại để nghỉ ngơi phục vụ khách du lịch… Như vậy, du lịch sinh thái nông nghiệp sẽ giúp tăng thêm lợi nhuận cho người dân. Tuy nhiên, quy định hiện nay chưa cho phép xây công trình trên đất lúa.
Khi các Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, luật và các nghị định hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực thi hành mở ra cơ chế thông thoáng hơn, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 52/2024/QĐ-UBND quy định diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì xây dựng các văn quy phạm pháp luật áp dụng trên địa bàn tỉnh, cho phép xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp là: nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ người lao động; công trình để bảo quản nông sản; kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và công trình phụ trợ khác.
Vùng trồng cây nguyên liệu của 939 Group tại Đồng Nai. |
Cụ thể, quy mô diện tích đất sẽ được xây dựng công trình ở các mức độ khác nhau, thấp nhất là 25m2 và cao nhất không quá 100m2. Một khu đất có thể xây dựng 2-3 công trình ở vị trí khác nhau nhưng tổng diện tích không được vượt quá mức quy định. Riêng với đất trồng lúa, đất lâm nghiệp và đất có đất nông nghiệp sử dụng kết hợp trong thửa đất có đất ở thì không được xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Để đủ điều kiện xây dựng, thửa đất nông nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất. Diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng rộng từ 500 m2 trở lên, có thể là một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người.
Luật Đất đai 2024 (khoản 3, Điều 178) quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Được sử dụng một diện tích đất theo quy định của UBND cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 52/2024/QĐ-UBND quy định diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 28/10/2024. |
Tags: