Đồng bào dân tộc Vân Kiều tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị có một loại ẩm thực truyền thống được dày công gìn giữ, đó là tục làm bánh Beng ngày Tết.
Để có bánh Beng cho ngày Tết cổ truyền, cách đó 1 ngày, gia đình chị Hồ Thị Dên ở thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã quây quần, cùng dày công chuẩn bị các nguyên liệu và thực hiện các công đoạn để làm bánh. Bánh được làm từ lúa nếp rẫy, mè đen, muối... Chị Dên cho biết, các nguyên liệu để làm bánh không cầu kỳ, nhưng để làm ra được chiếc bánh thơm nức đúng hương vị truyền thống của người Vân Kiều thì người làm cần phải tỉ mẫn và mất nhiều thời gian...
Gia đình chị Hồ Thị Dên là một trong ít gia đình trong đồng bào ít người tại Hướng Hóa còn giữ phong tục làm bánh beng cho ngày tết cổ truyền. Với chị, đây là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát huy, tạo nên đặc trưng riêng của miền sơn cước.
Cùng với việc làm bánh Beng, bữa cơm ngày tết của gia đình chị Hồ Thị Dên còn có gà, một bát xôi, 1 chai rượu ngon.Tất cả được bày lên trên mâm cơm ở sàn nhà trung tâm để làm phong phục cám ơn và báo cáo với tổ tiên, trời, đất về tình hình làm ăn một năm qua của gia đình. Sau lễ cúng, chủ nhà và khách cùng vui vẽ ăn bánh, trò chuyện... những câu chuyện xoay quanh tình hình 1 năm qua được hàn huyên tâm sự bên cạnh những món ăn truyền thống trở nên ấm đậm hơn.
Từ bao đời nay, cứ vào dịp lễ, tết, cưới, hỏi... là các gia đình người Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị lại sum vầy làm bánh Beng, loại bánh truyền thống của dân tộc mình để thưởng thức và thiết đãi, làm quà biếu cho khách quý. Đây là nét đẹp văn hóa mà người dân nơi đây luôn gìn giữ và phát huy, tạo nên đặc trưng riêng của miền sơn cước. Không chỉ là thực phẩm được biến tấu từ bàn tay tài tình của người Vân Kiều mà bánh còn là biểu tượng tâm linh về trời đất, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.