Cụ thể, người dân nên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng và cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (từ 26 độ C trở lên). Nếu cài nền nhiệt quá thấp sẽ gây tiêu hao điện quá lớn. Mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2 đến 3% hiệu suất tiêu thụ điện dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Ngoài ra, nên ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao, có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao… để không chỉ đảm bảo nguồn cung cấp điện mà còn hạn chế tăng chi phí sử dụng điện hàng tháng.
Lãnh đạo ngành điện TP.HCM cũng khuyến nghị trường hợp sử dụng máy lạnh thường xuyên, cần vệ sinh định kỳ 3 tháng/lần. Việc vệ sinh máy lạnh thường xuyên không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn tăng tuổi thọ cho máy.
Trong mùa nắng nóng, việc sử dụng điện tiết kiệm là điều cực kỳ quan trọng để giảm bớt áp lực cho hóa đơn điện của mỗi gia đình. |
Thời tiết nắng nóng kéo dài và oi bức trong ngày kéo dài khiến cho người dân sử dụng thiết bị làm mát tăng cao, đặc biệt là máy lạnh, tủ lạnh, quạt máy... Điều này dẫn đến sản lượng điện tăng cao.
Chiều 9/4, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố trong những ngày đầu tháng 4 liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023.
Cụ thể, ngày 3/4, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt mốc đỉnh 95,12 triệu kWh; ngày 4/4 đạt đỉnh 95,17 triệu kWh và ngày 5/4 đạt đỉnh 96,89 triệu kWh.
Trước đó, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố cao nhất năm 2023 là 94,8 triệu kWh vào ngày 6/5/2023.
Các kíp trực luôn theo dõi tình hình vận hành lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục. (Ảnh: EVNHCMC) |
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc EVNHCMC cho biết, thông thường giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5 hằng năm, sản lượng tiêu thụ điện mới đạt cao nhất.
"Năm nay, mới đầu tháng 4 mà sản lượng tiêu thụ điện cao nhất đã vượt cột mốc đạt 96,89 triệu kWh/ngày. Pmax (công suất) đạt gần 4.750 MW, cao nhất từ trước đến nay," ông Kiên chia sẻ.
3 tháng đầu năm 2024, tiêu thụ điện tại TP.HCM đã tăng 10,79%, tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua, trong đó tiêu thụ điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng 5%, của nhóm khách hàng sinh hoạt tăng gần 15%.
"Trong những ngày tiếp theo của tháng 4, nhiệt độ tại TP.HCM và khu vực miền Nam tiếp tục nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ bình quân khoảng 36-38 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời có lúc lên đến 40-41 độ C và số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn. Vì vậy, sản lượng điện tiêu thụ có thể sẽ tiếp tục tăng cao, dự báo có thể tăng 30-40% so với tháng 3," ông Kiên dự báo.