Hôm nay 9/10 tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (PHPBGDPLTW) tổ chức diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Mục tiêu của diễn đàn là gì, Ban tổ chức kỳ vọng như thế nào vào việc tổ chức diễn đàn đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPLTW, Trưởng Ban tổ chức.
-Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết lý do Hội đồng PHPBGDPLTW tổ chức Diễn đàn kinh doanh và pháp luật 2024?
Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật là một trong những hoạt động đổi mới công tác truyền thông, PBGDPL của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương. Đây là lần thứ 2 Diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ), nhằm tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (ban hành tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Diễn đàn là sự đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, thể chế liên quan đến đời sống pháp lý của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của đất nước. Diễn đàn là cơ hội để các bộ, ngành nắm bắt những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp trở ngại trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó có giải pháp khắc phục về thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân…” tại Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII.
Thông qua cơ chế Hội đồng với sự tham gia của Lãnh đạo các bộ, ngành làm Thành viên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các vấn đề pháp lý cần giải quyết sẽ được phân giao cho các thành viên Hội đồng để nhận diện đúng, đầy đủ, xác định đâu là vấn đề của thể chế, đâu là vấn đề về thực thi, để đưa ra các giải pháp gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Những vấn đề pháp lý này có sự tham gia xử lý của liên ngành thì sẽ giải quyết được một cách tổng thể. Hội đồng sẽ có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi để các vấn đề pháp lý đó được giải quyết, xử lý đến cùng, phúc đáp yêu cầu của doanh nghiệp theo đúng tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ.
-Vì sao Hội đồng lựa chọn hai chủ đề “Một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất” và “Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ” là nội dung thảo luận tại diễn đàn, thưa Thứ trưởng?
Hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp thời gian qua đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Thực tế sau diễn đàn Kinh doanh và pháp luật lần thứ nhất đã có một số vấn đề pháp lý đặt ra đã được Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện. Trên cơ sở tham mưu của các bộ, ngành thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Chính phủ cũng đã chủ động đề xuất Quốc hội quyết định các luật nói trên có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để phát huy hiệu lực của các luật đã ban hành trên thực tiễn với kỳ vọng sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về một số vướng mắc pháp lý, một số quy định chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó có nhiều ý kiến về vấn đề thủ tục đầu tư có liên quan đến sử dụng đất còn phiền hà; pháp luật về thuế còn có những vấn đề chưa thật sự thoả đáng, chưa bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Do đó, diễn đàn lựa chọn 2 nội dung nói trên làm chủ đề của hai phiên thảo luận.
- Xin Thứ trưởng cho biết đến nay công tác chuẩn bị cho diễn đàn ra sao?
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPLTW đã thành lập Ban Tổ chức do một lãnh đạo Bộ Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng PHPBGDPLTW làm Trưởng ban. Ban Tổ chức đã chủ động, tích cực hoàn thành vai trò trong xây dựng nội dung chương trình, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chuyên gia, các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức triển khai nhiều hoạt động trong phạm vi diễn đàn.
Về thành phần tham dự, bên cạnh đại biểu đại diện cho các bộ, ngành trung ương và đại diện lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiêu biểu, để lan toả tinh thần chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp từ trung ương đến các địa phương, Diễn đàn được tổ chức trực tuyến, kết nối với 63 địa phương với sự tham dự của lãnh đạo các Sở, ngành, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân tại các địa phương, do đại diện Lãnh đạo UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh chủ trì. Đây là dịp để tăng cường sự quan tâm của lãnh đạo địa phương trong việc tháo gỡ các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng hy vọng cách làm này của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương sẽ được triển khai nhân rộng; khuyến khích các địa phương tổ chức các diễn đàn hay các hoạt động tương tự để kịp thời tháo gỡ các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp trong địa phương mình.
-Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!