Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh vừa chủ trì phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên Hội đồng thẩm định là việc mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng Giám định tư pháp ở các lĩnh vực mà hoạt động tố tụng và tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu giám định (AND, tài liệu, số khung, số máy…), hay còn gọi là xã hội hóa giám định tư pháp.
Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự (Bộ Công an), đồng tình với đề xuất trên vì phù hợp với chỉ đạo của Đảng về tăng cường xã hội hóa công tác giám định tư pháp.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. |
Theo ông Khanh, việc xã hội hóa giám định tư pháp sẽ đáp ứng yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Để đảm bảo tính chính xác của kết quả giám định chỉ cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm.
Trong khi đó, đại diện VKSND Tối cao phản ánh, khoản 1 Điều 9 Luật Giám định tư pháp quy định: Bộ trưởng Bộ Công an mới được bổ nhiệm giám định kỹ thuật hình sự hoạt động tại các cơ quan ở Trung ương. Quy định này đã gây khó khăn cho các phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hơn nữa, phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao mới chỉ có một giám định viên, rất cần bổ sung quy định cho phép Viện trưởng VKSND Tối cao được bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định, việc ban hành Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
Nhất trí với đề xuất mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng Giám định tư pháp nêu trong dự thảo Luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, điều này nhằm thể chế hóa các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về tăng cường xã hội hóa giám định tư pháp và Nghị quyết 49-NQ/2005 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Bà Oanh yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ các nội dung liên quan, đảm bảo việc xã hội hóa giám định tư pháp sẽ khả thi, hiệu quả khi luật được ban hành.
Bên cạnh đó, theo bà Oanh, cần rà soát nội dung dự thảo luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tố tụng như Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (đang xin ý kiến của Quốc hội)… đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn: Củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, ngành quản lý chuyên môn và địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả về giám định.