Điều kiện để mở lớp mầm non tư thục. Điều kiện để trở thành hiệu trưởng nhóm trẻ tư thục.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: báo Bình Dương. |
Bạn đọc có tên Đỗ Diệp Anh có địa chỉ tại huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội gửi email câu hỏi tới địa chỉ [email protected].
Pháp luật plus xin trích đăng nội dung câu hỏi như sau: “Hiện nay tôi đang muốn mở một nhóm trẻ tư thục quy mô dưới 50 trẻ. Nhưng năm nay tôi gặp nhiều vấn đề nên không thể đứng tên đăng ký đươc. tôi nhờ một người thân đứng tên giúp tôi có được không ạ? Nhưng người này chỉ có bằng sư phạm mầm non chứ không có bằng quản lý mầm non. Tôi muốn người này đứng tên và làm hiệu trưởng còn tôi làm quản lý thì có được không ạ. Tôi tìm hiểu trên mạng theo thông tư 28/2011 thì người đứng tên nhóm trẻ tư thục chỉ cần bằng mầm non là được. Còn theo thông tư 13/2015 sửa đổi thì phải có bằng quản lý mầm non. Không biết với hình thức nhóm trẻ của tôi thì một người đứng tên một người quản lý có được không ạ”.
Tòa soạn pháp luật Plus cùng các văn phòng luật xin trả lời câu hỏi của bạn đọc như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT
2. Giải quyết vấn đề
Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
Theo quy định của Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT quy định về Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục. Trong đó có quy định về điều kiện thành lập nhóm trẻ tư thục có nêu rõ về điều kiện của chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là người đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục gồm:
Thứ nhất: Tiêu chuẩn
+ Cá nhân đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Phẩm chất, đạo đức tốt;
+ Sức khỏe tốt;
+ Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định.
Thứ hai: Nhiệm vụ và quyền hạn
+ Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và phòng giáo dục và đào tạo về hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục do mình quản lý;
+ Chỉ đạo, điều hành hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục;
+ Đảm bảo an toàn cho trẻ em, giáo viên và nhân viên trong nhóm, lớp;
+ Đầu tư và quản lý cơ sở vật chất thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ của nhóm, lớp theo quy định;
+ Có trách nhiệm trả tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho giáo viên, nhân viên;
+ Có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện chế độ nghỉ hè, nghỉ lễ cho giáo viên, nhân viên theo quy định của nhà nước;
+ Công khai các nguồn thu, thực hiện thu chi tài chính theo quy định hiện hành.
Trong chỉ quy định đối với trường hợp trường mầm non và nhà trẻ thì hiệu trưởng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT như sau :
1. Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ tư thục là người có đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, khi được đề cử không quá 65 tuổi và không là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước.
2. Hiệu trưởng là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý giáo dục và Hội đồng quản trị (nếu có) về việc tổ chức, điều hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Nhiệm kỳ của Hiệu trưởng là 5 (năm) năm.
3. Đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục có Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng do Hội đồng quản trị đề cử và bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu kín với trên 50% số phiếu tán thành; được Đại hội đồng thành viên góp vốn thông qua và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận.
Như vậy, đối với hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ tư thục không được là công chức viên chức, tuy nhiên đối với nhóm trẻ thì không yêu cầu về nội dung nêu trên. Hiệu trưởng là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý giáo dục và Hội đồng quản trị (nếu có) về việc tổ chức, điều hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao .
Do đó, khi bạn thành lập thì có thể một người đứng tên và hiệu trưởng là người quản lý nhóm trẻ. Ngoài ra bên bạn nếu thành lập phải đảm bảo kèm theo các điều kiện về cơ sở và giáo viên giảng dạy.