Có thể mang con ra nước ngoài định cư mà không cần sự đồng ý của người cha không? Yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nuôi con của chồng sau khi ly hôn.
|
Ảnh minh họa. |
Bạn đọc Võ Hồng Vân có có địa chỉ tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội gửi email câu hỏi tới địa chỉ [email protected].
Pháp luật plus xin trích đăng nội dung câu hỏi như sau: “Tôi đã ly hôn chồng và có 1 con gái chung. Do anh ta không chăm sóc tôi và con gái trong thời gian sống chung mà phó mặc hết việc chăm con cho tôi và bố mẹ anh ta, thỉnh thoảng anh ta có đánh tôi và lúc cáu giận lên thì có 1-2 lần đẩy ngã con tôi. Khi ra toà ly hôn, anh ta có đồng ý là cho tôi quyền nuôi con. Sau gần 1 năm, tôi quen chồng tôi hiện tại là người Úc.
Chồng tôi muốn cả gia đình sang định cư tại Úc nhưng để xin visa cho con tôi thì bắt buộc phải có giấy đồng ý cho con định cư ở nước ngoài của bố cháu. Nhưng anh ta không đồng ý kí giấy đó để cháu có thể sang Úc cùng tôi. Chồng hiện tại của tôi có liên lạc qua mail với anh ta. Ban đầu anh ta đồng ý kí giấy nhưng hiện tại anh ta lại thay đổi ý kiến.
Xin cho hỏi, nếu tôi muốn kiện anh ta ra toà để hạn chế quyền thăm nom và xin toà quyền nuôi dưỡng cháu hoàn toàn (quyết định của toà có thể thay thế giấy tờ đồng ý cho con đi định cư) thì tôi phải có những bằng chứng gì đủ để kiện việc anh ta cản trở quyền nuôi con của tôi?”
Tòa soạn pháp luật Plus cùng các văn phòng luật xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
1, Căn cứ pháp lý
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014
2. Giải quyết vấn đề
Sau khi ly hôn, cả hai bố mẹ vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên mà bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Theo thông tin của bạn cung cấp thì chồng hiện tại của bạn muốn cả gia đình sang định cư tại Úc nhưng để xin visa cho con bạn thì bắt buộc phải có giấy đồng ý cho con định cư ở nước ngoài của bố cháu. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định cụ thể về vấn đề này nhưng còn phụ thuộc vào pháp luật mà bạn đến định cư thì khi làm thủ tục xin visa họ vẫn sẽ yêu cầu có sự đồng ý bằng văn bản của cả cha và mẹ.
Theo quy định tại Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật hôn nhân và gia đình; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Theo đó bạn là người trực tiếp nuôi con nên khi bạn mang con ra nước ngoài thì có thể sẽ cản trở việc thăm nom, chăm sóc con của chồng cũ. Vì vậy, khi mang con ra nước ngoài sinh sống thì bạn phải cần sự đồng ý của chồng bạn cho nên hai bên nên thỏa thuận thương lượng để đảm bảo quyền lợi lợi về mọi mặt cho con.