Lâu nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn là một “thương hiệu” gắn liền với Bộ, ngành Tư pháp và công tác này thực sự đã góp phần không nhỏ vào kết quả dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của Bộ, trong đó không thể không đề cập đến những đóng góp quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Liên tục tìm tòi, nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), một trong những mục tiêu trọng tâm của Bộ Tư pháp là xây dựng Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia dùng chung toàn quốc trên cơ sở nâng cấp Trang Thông tin điện tử PBGDPL của Bộ Tư pháp. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã xây dựng xong Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia và vận hành thử nghiệm từ tháng 1/2022. Cùng với đó, Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và làm phong phú dữ liệu thông tin PBGDPL để phục vụ hoạt động vận hành của Cổng.
Cổng Thông tin PBGDPL quốc gia được Bộ Tư pháp xây dựng đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong công tác PBGDPL theo định hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bảo đảm tính tương tác, gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác PBGDPL; hoạt động trên nhiều nền tảng thiết bị; hướng tới các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong PBGDPL. Giao diện Cổng Thông tin điện tử PBGDPL được thiết kế khoa học, thân thiện; ưu tiên vị trí nổi bật để bố trí các chuyên mục, chức năng phục vụ thông tin PBGDPL đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
|
Giao diện Cổng thông tin điện tử PBGDPL. |
Bộ Tư pháp đã tập trung quản trị, vận hành Trang thông tin điện tử PBGDPL; cập nhật thường xuyên các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã thường xuyên, đăng tải nhiều tin bài về tÌnh hình phòng, chống dịch và các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan, nhất là chính sách hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.
Bộ cũng chú trọng tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Năm 2019, Bộ tổ chức thành công 4 đợt thi trong Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp thu hút 102.112 lượt thí sinh tham gia; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức thành công Cuộc thi “Pháp luật học đường” dành cho học sinh trung học phổ thông, học viên Trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đã thu hút 320.000 lượt thí sinh dự thi.
Năm 2020, Bộ Tư pháp đã tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến “Pháp luật với mọi người” thu hút hơn 856.000 lượt người dự thi. Năm 2021, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” với 801.678 lượt dự thi…
Việc xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm để đăng tải lên Trang thông tin điện tử PBGDPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân cũng được thực hiện với hình thức phong phú, đa dạng (bài giảng điện tử, video tiểu phẩm pháp luật, câu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật, Tài liệu giới thiệu các luật, pháp lệnh mới ban hành…); tổ chức các chương trình truyền thông, xây dựng các ấn phẩm, bài viết về pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội và đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL.
Để phục vụ việc xây dựng nội dung cho Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, Bộ Tư pháp xúc tiến xây dựng dữ liệu hỏi - đáp pháp luật phục vụ xây dựng ứng dụng (App) về PBGDPL trên thiết bị di động trên cơ sở tổng hợp các tình huống hỏi – đáp về một số lĩnh vực pháp luật được nhiều người quan tâm như hôn nhân – gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội, xử phạt vi phạm hành chính…
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp nghiên cứu, định hướng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Cụ thể, trước xu thế chuyển đổi số, để phù hợp với các định hướng, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công Tọa đàm “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL” với sự chủ trì của Lãnh đạo 2 Bộ và sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực PBGDPL, chuyên gia CNTT và chuyển đổi số; các doanh nghiệp viễn thông, CNTT; đại diện các cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương có liên quan.
|
Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2021. |
Trên cơ sở báo cáo kết quả Tọa đàm của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội, việc tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL đã thể hiện quyết tâm của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng, các bộ, ngành, địa phương nói chung trong việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân, được người dân tích cực đón nhận, góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW.
Tuy nhiên, Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia dù đã được xây dựng và vận hành thử nghiệm nhưng cấu trúc dữ liệu thông tin về PBGDPL để xây dựng dữ liệu dùng chung chưa được hoàn thiện; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa được thực hiện thường xuyên, rộng khắp; nền tảng số hóa công tác PBGDPL chưa được phát triển. Cơ sở hạ tầng về CNTT của Bộ Tư pháp cũng như nhiều bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức...
Bởi vậy, Bộ Tư pháp xác định sẽ tập trung vận hành, khai thác hiệu quả Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia gắn với thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, xây dựng các nền tảng dùng chung, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng hệ cơ sở dữ liệu PBGDPL để hình thành dữ liệu dùng chung đáp ứng nhu cầu PBGDPL của cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện về thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khuyến khích trong việc triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; phát huy, nhân rộng các hình thức PBGDPL trên môi trường mạng, trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở... đang được triển khai có hiệu quả, đôn đốc, đẩy nhanh thực hiện số hóa các tài liệu PBGDPL cũng như biên soạn, đăng tải các ấn phẩm đa phương tiện về PBGDPL…
Để phục vụ có hiệu quả công tác này, Bộ Tư pháp đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ tiếp tục chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL” giai đoạn mới với trọng tâm là chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, giai đoạn từ năm 2022-2027 nhằm kế thừa, đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác PBGDPL theo đúng với các chủ trương, chính sách mới trong Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Bộ kiến nghị Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương chỉ đạo, giao các thành viên Hội đồng, UBND cấp tỉnh thực hiện phối hợp cập nhật, đồng bộ thông tin, nội dung PBGDPL thuộc lĩnh vực quản lý trên Trang thông tin thành phần của Cổng được giao cho bộ, ngành, địa phương quản lý; góp phần hình thành hệ cơ sở dữ liệu, thông tin về PBGDPL; đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực và tăng cường các giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL có hiệu quả trong thời gian tới.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL và có các giải pháp nhằm tăng cường việc tích hợp, liên kết thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan báo chí... để xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về PBGDPL dùng chung trên toàn quốc; hướng dẫn Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Sở Tư pháp trong tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
Nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong PBGDPL, Bộ Tư pháp đã thực hiện PBGDPL trên mạng xã hội (thông qua Fanpage PBGDPL để đăng tải thông tin PBGDPL; thí điểm thực hiện PBGDPL trên tài khoản Zalo “Phổ biến giáo dục pháp luật”). Ngoài ra, Bộ còn phối hợp với Viettel, Mobifone, Vinaphone nhắn tin đến các thuê bao di động để truyền thông rộng rãi về chủ đề, khẩu hiệu, mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam.