Trước mối lo về việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm, rất nhiều Bộ, ngành đã triển khai các “chiến dịch nói không với thực phẩm bẩn” cũng như ký kết các Chương trình phối hợp cùng hành động nhằm kéo dài “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa” của mỗi người dân. Nhưng xem ra, nếu người tiêu dùng vẫn chưa đủ niềm tin vào thực phẩm an toàn thì cuộc chiến này vẫn còn lắm gian nan.
|
Người dân vẫn thiếu lòng tin với thực phẩm sạch. (Ảnh: Internet) |
Chờ một cam kết
Từ ngày 1/11 tới đây, Chương trình truyền hình thực tế “Nông nghiệp sạch” sẽ chính thức lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là “sản phẩm” phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Đài Truyền hình Việt Nam với mục đích giới thiệu, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp xanh và sạch, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của nông sản Việt Nam.
Cùng chung mối lo về an toàn thực phẩm (ATTP), trước đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ cũng đã ký kết một chương trình phối hợp vận động giám sát ATTP trong vòng 5 năm.
Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cũng phối hợp cùng Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình “Phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội”, và ngày hôm qua (12/10), hai cơ quan này đã tổ chức hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả sau gần một năm thực hiện.
Theo ông Trần Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 69% nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm; 32% thủy sản các loại; 38% gạo tẻ chất lượng; 60% rau, củ quả; 18% quả tươi các loại.
Sản phẩm được nhập từ các tỉnh, thành trong nước về tiêu thụ trên địa bàn thành phố chủ yếu do các thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối, chiếm từ 75- 80%. Do đó, công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm hiện còn gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh ATTP.
Với sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, sau gần 1 năm thực hiện chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho người dân Thủ đô, TP Hà Nội đã kiểm soát được những nông sản, thực phẩm qua chương trình kết nối tiêu thụ vào Hà Nội như: chuỗi rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hòa Bình, Sơn La, chuỗi gà thịt Dabaco của tỉnh Bắc Ninh….
Từ chỗ chỉ có 180 dòng sản phẩm, đến nay tại Hà Nội đã có khoảng 1 nghìn 800 mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch của các địa phương được bày bán ở 142 điểm phân phối, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác kết nối tiêu thụ rau, thịt sạch trên địa bàn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa bỏ được thói quen mua hàng ở chợ tạm, chợ cóc thay vì vào siêu thị hoặc các điểm phân phối có nguồn gốc rõ ràng.
Nguyên nhân của thực trạng này được trả lời rất ngắn gọn là: “vừa tiện, vừa rẻ”; nhưng một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là chưa có cam kết nào được đưa ra để cho người tiêu dùng đủ niềm tin và yên tâm rằng thực phẩm trong siêu thị hoặc các đại lý, các điểm phân phối là thực sự an toàn?
Yêu cầu bức thiết
Để kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP trên địa bàn, hiện nay Hà Nội đã đưa vào hoạt động 3 xe kiểm nghiệm lưu động đối với rau củ quả và thịt; sắp tới thành phố sẽ đưa vào thêm 2 xe nữa để hỗ trợ và nâng cao công tác đảm bảo vệ sinh ATTP của thành phố.
Nhưng, với hàng vạn điểm bán hàng thực phẩm phục vụ cho dân số khoảng 7,6 triệu người, trong khi chỉ có 5 xe lưu động kiểm nghiệm, thử hỏi người dân có thực sự yên tâm về chất lượng bữa ăn của gia đình?
Nói vậy để thấy rằng ý thức tự giác và tinh thần “vì người Việt” của mỗi nông dân, mỗi nhà cung cấp, chế biến thực phẩm quan trọng hơn bao giờ hết.
Nếu nói người nông dân Việt Nam chưa biết cách sản xuất nông sản an toàn thì hẳn không chính xác, bởi mỗi năm có hàng trăm tấn nông sản từ trái cây tươi đến tôm, cá, gạo…được xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính, nếu những nông sản này không đảm bảo chất lượng, chắc chắn hàng sẽ không đủ điều kiện thông quan hoặc bị đối tác trả lại. Vậy tại sao nhiều loại nông sản cung cấp trong nước lại thiếu an toàn?
Giải thích về câu chuyện này, một chuyên gia kinh tế từng chua xót, nhiều nông dân Việt Nam vẫn còn “khôn nhà dại chợ”. Bằng chứng là những nông sản ngon, sạch và an toàn thì đem đi xuất khẩu, chỉ những sản phẩm không ngon hoặc bị trả lại mới đem bán ra thị trường nội địa, phục vụ đồng bào của mình.
Không phải không có lý do khi vị đứng đầu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng phải thừa nhận “bức xúc trong lĩnh vực ATTP thì ai cũng thấy nhưng mãi kéo dài, không giải quyết được”.
Trong khi đó, một cán bộ đến từ Bộ NN&PTNT cũng đưa ra khuyến nghị: “Chỉ khi người nông dân không còn phân biệt giữa hai luống rau, hai chuồng chăn nuôi (một để phục vụ cho gia đình và một đem bán) thì khi ấy vấn đề vệ sinh ATTP mới mong được giải quyết triệt để”. Nhưng rồi vị cán bộ này cũng nêu lên một “vòng tròn luẩn quẩn” đầy mâu thuẫn và khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Đó là khi nông dân đã sản xuất ra nông sản sạch và an toàn thì người tiêu dùng liệu có tin dùng để đón nhận sản phẩm đó, hoặc bằng cách nào để họ nhận biết thực phẩm đó là an toàn, trong khi nhìn bề ngoài thì các loại rau, củ quả…chẳng khác gì nhau (do lâu nay người tiêu dùng đã sống trong ma trận lẫn lộn giữa hàng sạch, hàng bẩn, hàng có nguồn gốc và không rõ nguồn gốc).
“Chính bởi vậy, việc giúp người tiêu dùng nhận diện những nông sản sạch, an toàn trở thành yêu cầu bức thiết đối với các cơ quan quản lý của thành phố và người dân Thủ đô”- ông Trần Văn Sửu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường “vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nông sản chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý… từ các vùng miền trong cả nước với chất lượng cao, đảm bảo ATTP có chỗ đứng ổn định và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước là điều mà người nông dân và các cấp, các ngành, toàn xã hội rất mong đợi”.