Những người đưa ra cách đánh vần này chưa chỉ rõ nó có ưu điểm gì hơn so với cách cũ.
|
Ảnh minh họa. |
Cải cách đánh vần lại gây ra một cuộc tranh luận lớn ở Việt Nam. Điều khiến người ta ngạc nhiên nhất là tại sao mọi chuyện trước giờ vẫn ổn mà lại phải cải cách.
Việc đánh vần ở tiếng Việt khá đặc biệt. Trong tiếng Anh, khái niệm "đánh vần" thực ra là đọc các chữ cái trong từ. Trong tiếng Trung, người ta cũng học nguyên chữ, nếu cần thì chỉ ra xem chữ đó nằm trong tổ hợp nào. Còn tiếng Việt thì đánh vần vừa là để chỉ ra các chữ cái, lại vừa là cách để chỉ ra các âm trong từ.
Cách đọc các chữ cái thì phải khác nhau, chứ mà c, k, q lại đọc cùng là "cờ" thì chịu. Còn đọc các phụ âm khi đánh vần lại là chuyện khác nữa. Như là "kh", "qu" thì không có trong bảng chữ cái nhưng lại là các phụ âm quan trọng.
Đánh vần là cốt để người học vừa biết mặt chữ cái, vừa biết tổ hợp nguyên âm nó thế nào. Trong tiếng Việt, các tổ hợp nguyên âm luôn được phát âm giống nhau. Như là tổ hợp "ân" thì lúc nào nó cũng sẽ là "ân". Trong khi đó, trong tiếng Anh, tổ hợp "ive" thì lúc là "i-v" như trong "expensive", lúc lại là "ai-v" như trong "five". Vì vậy "đánh vần" theo kiểu Việt trong tiếng Anh không khả thi.
Đặc thù của tiếng Việt là vậy. Việc đánh vần theo chữ quốc ngữ không rõ là có từ lúc nào, nhưng mà hàng chục năm nay nó vẫn ổn, tiếng Việt vẫn dùng được, và sự trong sáng của tiếng Việt đâu có mất đi đâu. Thậm chí bảng chữ cái cũng có một số cách đọc khác nhau. Cách đọc "mới" là a, bờ, cờ, còn cách đọc "cũ" là a, bê, xê. Các em học sinh học hình học đều biết tam giác A Bê Xê, nhưng cũng biết là bê thì đánh vần là "bờ ê bê", có sao đâu.
Những phản ứng tiêu cực của người dân trong việc cải cách đánh vần tới từ các lý do thực tế hơn các nghiên cứu ngôn ngữ học. Cha mẹ bao năm nay đã học đánh vần theo cách cũ, nay lại cải cách đánh vần, cha mẹ đâu có dạy con được. Thời buổi nay, con đi học lớp một đã phải biết đọc biết viết, chả nhẽ cha mẹ lại cũng phải đi học cải cách hằng năm để dạy cho con mình?
Ngôn ngữ là một khái niệm đặc biệt. Nó thuộc về con người nhưng cũng thuộc về tự nhiên. Ngôn ngữ có thể do một số người đặt ra rồi áp đặt vào người khác, như là chữ quốc ngữ, nhưng nó cũng có thể biến chuyển một cách tự nhiên cho phù hợp với thực tế, như là "máy bay" hay "airplane" chỉ mới sinh ra khi có máy bay.
Thay đổi ngôn ngữ, khi mang tính "áp đặt" như chữ quốc ngữ hay cách viết giản thể của tiếng Nhật, chỉ có thể thành công khi nó mang lại lợi ích rất lớn. Chữ quốc ngữ đơn giản hơn chữ Nôm, có thể dạy học đại trà, lại giúp người nước ngoài dễ học nên nó mới thành công, mặc dù do người nước ngoài "sáng tác" và phần nào là áp đặt thời Pháp thuộc.
Cải cách đánh vần lần này không đem lại lợi ích mà quá nhiều rắc rối. Cha mẹ không dạy đựơc con, các thầy cô lại phải đi học nâng cao, mà các cháu thì lại phải học "cờ cờ cờ" cho mấy chữ c, k, q.
Nhưng sau hết, các nhà ngôn ngữ học nên nhớ rằng ngôn ngữ thuộc về người sử dụng chứ nó không thuộc về các nhà nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể nghiên cứu cách chim bay theo đàn nhưng họ đâu có đi dạy bọn chim bay thế nào.
Ngôn ngữ cũng mang tính chất tự nhiên, các nghiên cứu có thể thú vị và chỉ ra các điểm cần nâng cao để nó hiệu quả hơn, nhưng đem nó ra áp dụng cho cả dân tộc thì nó cũng giống như bắt chim bay theo kiểu khác, vừa buồn cười vừa không cần thiết.