Ngày mai (19/11) là ngày Quốc tế Nam giới. Ngày này được Liên Hợp quốc hậu thuẫn và hơn 70 quốc gia công nhận nhằm nhắc nhở với nửa thế giới còn lại rằng thực ra nam giới ngày nay có nhiều vấn đề “thua thiệt” mà họ phải đối mặt. Hay nói cách khác ở một khía cạnh nào đó, họ không mạnh như chúng ta tưởng…
|
Những người đàn ông chia sẻ nhiều nỗi lòng của mình tại tọa đàm “Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới mô hình điểm quận Hoàn Kiếm năm 2016” do Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm tổ chức. |
Những câu chuyện liên quan đến nam giới bé (những bé trai) và nam giới lớn (đàn ông trưởng thành) ở một quận trung tâm Hà Nội được kể dưới đây sẽ phần nào minh chứng cho nhận định trên.
Bé khổ vì suy nghĩ “dễ nuôi dễ lớn” của cha mẹ
Tháng 5/2016, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm thực hiện “Chương trình sàng lọc các chỉ số phát triển, sàng lọc khiếm thính, sàng lọc phát hiện các bất thường bộ phận sinh dục ở trẻ trai tuổi đầu đời tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận năm 2016” đã kết hợp với các bác sĩ nam khoa thuộc Bệnh viện Thận Hà Nội để tiến hành thăm khám tại 35 trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Kết quả cho thấy tổng số trẻ tham gia sàng lọc 2.675 trẻ thì chỉ có 1.023 trẻ phát triển bình thường (chiếm 38,24%); 465 trẻ (chiếm 17,38%) cần chú ý vấn đề vệ sinh hàng ngày do dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm; 1.187 trẻ (chiếm 42,29%) cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau.
Đặc biệt, trong số 1.187 trẻ cần can thiệp chuyên khoa này thì có 56 trẻ cần can thiệp càng sớm càng tốt. Lý do vì 56 trẻ này thiếu tinh hoàn, cá biệt có 16 trường hợp thiếu cả hai bên tinh hoàn.
Sau đợt khám này những lời khuyên và kể cả cảnh báo của bác sĩ đã đến với phụ huynh của những bé trai “có vấn đề ” để từ đó phụ huynh biết cách chăm sóc con em mình hoặc can thiệp sớm nếu cần thiết.
Cũng cần phải nói thêm rằng với những bé thiếu tinh hoàn (tinh hoàn ẩn) ở một hoặc cả hai bên nếu không được quan tâm, can thiệp sẽ phải trả giá đắt sau này trong cuộc sống tình dục và duy trì nòi giống.
Vì Hoàn Kiếm là một quận trung tâm Thủ đô, các bác sĩ rất hy vọng những lời khuyên của mình sẽ được phụ huynh quan tâm thực hiện vì “tương lai con em chúng ta”.
Tuy nhiên mới đây ngày 16/11/2016, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm đã thực hiện việc khám lại ở Trường Mầm non Hoa sen - một trong những cơ sở đã khám lần trước - và kết quả thật ngỡ ngàng.
Bà Trương Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm cho biết, vẫn có đến 70% bé trai cần phải có can thiệp của bác sĩ đến bộ phận sinh dục.
“Chúng tôi khám 125 trẻ trai thì chỉ có 23 trẻ bình thường, 6 trường hợp cần phải hướng dẫn vệ sinh, 2 trường hợp tinh hoàn trái cao, hẹp bao quy đầu các tuýp từ 1- 4 là 92 trường hợp… Không biết vì lý do gì mà cha mẹ lại thờ ơ với con em mình đến vậy. Rồi sau này những bé trai này lớn lên lập gia đình, vô sinh thì lúc đó ại chịu trách nhiệm hay lại đổ tại số?” - bà Hoa bức xúc.
Cũng theo lời bà Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận, khi khám bác sĩ kinh hoàng khi thấy ở nhiều trẻ cặn sinh dục (hình thành do can xi trong nước tiểu) đọng ở đầu bộ phận sinh dục bé trai tua tủa như lông nhím (!) khiến trẻ đau rát, đỏ hay lấy tay xoa vào đó mà cha mẹ không hề biết.
Hay có bà mẹ khi bác sĩ khám chỉ mới cởi quần của cậu bé thì mùi của bộ phận sinh dục lâu ngày không được vệ sinh đúng cách bốc ra khăn khẳn khiến bà mẹ phải đỏ mặt nhận lỗi ngay với bác sĩ: “Đừng mắng em nữa, em biết mình sai rồi”.
“Để phụ huynh quan tâm đến vấn đề vệ sinh bộ phận sinh dục của các bé trai, chúng tôi đã vận dụng đủ cách như nhờ giáo viên, cộng tác viên dân số. Nhưng với giáo viên thì có phụ huynh phản ứng rằng “con tôi là con nhà danh giá nên không việc gì phải ra phường khám”, còn với cộng tác viên dân số thì không ít gia đình từ chối tiếp chuyện vì sợ lộ “bí mật” gia đình” - bà Hoa cho biết.
Theo bà Trương Thị Kim Hoa, dường như nhiều bậc cha mẹ cho rằng một đứa con trai “hoàn hảo” nghĩa là khi mới đẻ ra, vạch tã xem có đủ “lượng” bên ngoài hay không, còn “chất” bên trong thì không quan tâm, vì con trai dễ nuôi dễ lớn. Chính suy nghĩ này đã gây thiệt thòi cho những bé trai và những người đàn ông sau này.
Lớn khổ vì mặc định “phái mạnh ” của xã hội
Đàn ông bé là vậy, còn đàn ông lớn thì sao? Xưa nay xã hội mặc định “đàn ông là phái mạnh” nên lúc nào họ cũng phải mạnh mẽ trong nhiều vấn đề mà không biết rằng đôi khi họ phải “trả giá” cho cái tư duy “là phái mạnh” đó.
Tại cuộc tọa đàm “Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới mô hình điểm quận Hoàn Kiếm năm 2016” do Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm tổ chức ngày 16/11/2016, bà Trương Thị Kim Hoa đã kể câu chuyện về một người đàn ông xấu hổ với sự “yếu đuối khi về già” của mình nên đã tự đi mua thuốc về uống để mạnh mẽ hơn.
Hậu quả là uống quá liều, bác sĩ buộc phải can thiệp tủy sống (đồng nghĩa với việc gắn bó với xe lăn một thời gian) để người đàn ông này thoát khỏi tình trạng cương cứng quá lâu khiến nước tiểu ngược dòng gây nhiễm độc cơ thể.
Lắng nghe câu chuyện của Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, theo sự quan sát của phóng viên, nhiều người đàn ông có mặt tại buổi tọa đàm trầm ngâm suy nghĩ.
Rồi một người đàn ông khoảng ngoài 60 tuổi đứng dậy ngập ngừng hỏi: “Thưa bác sĩ, tuổi tôi thì mọi thứ đều bắt đầu suy giảm cả rồi, nhưng cuộc đời thì vẫn phơi phới, tôi phải tính sao bây giờ? Bác sĩ có giúp được tôi không?”.
Sau câu hỏi này cánh đàn ông ồn ào hẳn lên, dường như họ đã thoát khỏi mặc cảm “phái mạnh” để nói ra những tâm sự thầm kín của bản thân…
Quay lại với ngày 19/11 - ngày Quốc tế Nam giới. Trước nay cả thế giới đã quá quen thuộc với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhưng sự kiện ngày Quốc tế Nam giới thực ra đã có từ lâu, được sự hậu thuẫn của Liên Hợp quốc và trên 70 quốc gia công nhận.
Tiến sĩ Jerome Teelucksingh của Cộng hòa Trinidad và Tobago là người sáng lập ra ngày Quốc tế Nam giới và Cộng hòa Trinidad và Tobago là nước đầu tiên tổ chức sự kiện công nhận ngày Quốc tế Nam giới vào ngày 19/11/1999.
Ngày Quốc tế Nam giới được hình thành trên tư duy về những vấn đề “thua thiệt” mà đàn ông thời nay phải đối mặt tư duy đã được các tổ chức bảo vệ quyền đàn ông trên thế giới liệt kê như: Những đàn ông có vợ có nguy cơ tự sát cao gấp hai lần so với phụ nữ có chồng; đàn ông có nguy cơ chết trong các vụ tai nạn giao thông cao gấp bốn lần so với phụ nữ; đàn ông bị phân biệt đối xử trong các phiên tòa, chẳng hạn, đa số đàn ông không được quyền nuôi con nếu xét xử ly dị trước tòa; một đàn ông nếu bị phụ nữ hoặc vợ lạm dụng hay hành hạ thì xã hội cũng phớt lờ, hiếm khi trừng phạt người phụ nữ, nhưng nếu đàn ông vũ phu thì sẽ bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật; những sự hy sinh thầm lặng mà đàn ông dành cho xã hội và gia đình ít khi được biết đến và luôn được xem là bổn phận của họ; nhiều người đàn ông bị đánh giá là không nam tính khi nói chuyện và chia sẻ nhiều vấn đề, tâm tư, nguyện vọng của họ trong cuộc sống; nhiều đàn ông được xem là có vai trò trụ cột trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cho nên những vấn đề khó khăn của họ thường bị phớt lờ đi…
Thế mới biết, ở một khía cạnh nào đó, đàn ông không mạnh như “gánh nặng” mà xã hội đặt trên vai họ!