Người từng giữ địa vị chăn ngựa trong nhà vua Mông, trở thành đại biểu Quốc hội từ khóa II đến hết khóa VII, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên.
Huyền thoại trên cao nguyên đá
Chúng tôi đến thăm ông vào một ngày thu cuối tháng 9, để được ngồi nghe ông kể về câu chuyện làm con đường Hạnh Phúc và cõi đá trời miền cực Bắc Tổ quốc.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về đại biểu Quốc hội suốt 5 khóa, từng giữ tới chức Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên, Tổng chỉ huy con đường Hạnh Phúc là sự khoan thai, hào sảng, vui vẻ và cả sự minh mẫn dù đã ở tuổi 87.
Trong ngôi nhà nhỏ, ông mang ra một bình rượu ngô rót mời chúng tôi và nói rằng: “Đây là nước Đồng Văn chứ không phải rượu đâu. Nước Đồng Văn ngọt lắm, như tình người Mông ở đây vậy”. Trong hơi men cay nồng của thứ nước ngọt ngào ấy, ông ngồi trầm ngâm kể lại câu chuyện năm xưa - những câu chuyện là một phần máu thịt, là tài sản quý giá nhất đi theo suốt cuộc đời ông.
|
Ông Vừ Mí Kẻ (thứ 2 từ trái sang) đang chỉ về con đường Hạnh Phúc trong mô hình mô phỏng lại ở Bảo tàng Hà Giang. |
Ông được sinh ra ở Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang. Nhưng do nhà quá nghèo nên từ nhỏ ông đã phải đi làm người chăn ngựa cho nhà vua Mông Vương Chí Sình và được nhà họ Vương vô cùng yêu mến.
Sau đó, ông giác ngộ cách mạng và thuyết phục được ông chủ giao nộp cho Chính phủ 22 vạn đồng bạc trắng và 9kg vàng, tương đương với 10 tỉ đồng hiện nay.
Đặc biệt, người thanh niên chăn ngựa ấy còn được giao trọng trách áp tải số tiền này về Hà Nội, mà ông không làm mất một xu. Khi ấy ông chỉ mới 17 tuổi.
Năm 21 tuổi (1950) ông được bầu làm Chủ tịch xã Xà Phìn. Bảy năm sau, người thanh niên chăn ngựa tiếp tục được cử làm Chủ tịch huyện Đồng Văn thay cho chính “ông chủ” Vương Chí Sình khi ấy đã già yếu.
Cách quãng ít năm, ông được cử tiếp làm Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên. Năm 1960, nước ta bầu cử Quốc hội khóa II, Vừ Mí Kẻ đã trở thành đại biểu Quốc hội, người đại diện cho hàng vạn đồng bào vùng cao nguyên đá cho tới hết nhiệm kỳ khóa VII. Khi ấy, ông mới 33 tuổi.
Kể về câu chuyện đi bầu cử bằng… hạt ngô, ông nói: “Hồi ấy, mỗi lần bầu cử, không bỏ phiếu ghi tên như bây giờ đâu à. Bầu cử bằng hạt ngô đó.
Dân thích ai thì bỏ nhiều hạt ngô vào ống tre, vì đồng bào không biết chữ”. Đâu chỉ có vậy, đại biểu Quốc hội 6 khóa ấy đã suốt một thời gian dài đi bộ 12 ngày đêm xuống Hà Nội mà không có một đôi dép lành để xỏ chân.
Ông ao ước: “Lúc đó, tôi chỉ ước có 1 đôi dép để đi. Nhưng nhiều khi đi lâu quá chân cũng phồng rộp, phải bò theo những dốc núi để kịp ngày về Thủ đô”. Suốt những năm tháng làm lãnh đạo, bàn chân ông đã leo qua hàng vạn bậc đá tai mèo sắc nhọn ở khắp vùng Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Sa Phì, Xí Mần… để vận động bà con làm cách mạng, dạy dân trồng ngô, trồng lúa. Cứ vậy, ông trở thành thủ lĩnh của người Mông lúc nào không hay.
Con đường của ý chí, sức mạnh
Năm 1959, Bác Hồ đưa ra yêu cầu mở con đường từ Hà Giang lên Đồng Văn rồi vòng lên Mèo Vạc nhằm đưa ánh sáng văn minh cách mạng, xóa dần màn đêm đen tối, đói nghèo. Bác đặt tên cho con đường này là Hạnh Phúc và giao cho Vừ Mí Kẻ làm Tổng chỉ huy.
Ông Vừ Mí Kẻ bồi hồi nhớ lại: “Lúc bắt đầu làm đường, chưa có nhiều bà con ra giúp chúng tôi đâu. Để vận động được mọi người, tôi và vợ ra làm đường trước tiên, làm gương cho mọi người. Thấy vậy, bà con mới dần làm theo. Nhưng gian khổ lắm…”.
Theo tìm hiểu, để làm được con đường dài 164km ấy, ông cùng đồng bào, cán bộ, thanh niên xung phong của 8 tỉnh Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái, Hải Dương, Nam Định vừa lo xẻ núi, ngăn sông, chinh phục cổng trời Mã Phì Lèng vừa lo chống phỉ.
Đoạn đường khó làm nhất chính là đỉnh Mã Phì Lèng. Ông kể: “Một bên là đỉnh núi, một bên là vực thẳm. Núi thì cao không nhìn thấy nóc.
Đá sắc nhọn, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị lăn xuống vực. Nhưng lòng quyết tâm của mọi người hồi đó mạnh mẽ lắm, còn cứng hơn đá, mạnh hơn nước sông Hà Giang”.
Sáu năm sau, sau khi trải qua hàng triệu ngày công mồ hôi, nước mắt, máu thịt, con đường ấy đã hoàn thành và được mang cái tên đúng với ý nghĩa - Hạnh Phúc. Từ đó, cuộc sống của hàng vạn đồng bào đã đổi thay…
Giờ đã ở tuổi 87, nhưng khi chúng tôi uống nước Hà Giang (rượu ngô) cùng ông vẫn phải chào thua. Vẫn còn minh mẫn kể cho chúng tôi những thước phim quay chậm trong ông về con đường Hạnh Phúc, cổng trời Mã Phì Lèng, nhà họ Vương, về Đồng Văn với những câu chuyện huyền thoại,…
Hàng ngày, ông vẫn xem thời sự, kể cho chúng tôi nghe về tình hình ở Trường Sa và nhắc nhở con cháu phải giữ lấy tấc đất của cha ông.
Và có lẽ ông Vừ Mí Kẻ cũng là một trong số ít ỏi người hiểu rõ mọi chuyện trong những giai đoạn đen tối, ai oán nhất của người Mông ở Hà Giang. Con đường cách mạng tươi sáng mang tên Hạnh Phúc đã khép lại một miền quá khứ không xa, nhường chỗ cho một tương lai tốt đẹp trê