Cử tri TP.HCM băn khoăn khi có nhiều lãnh đạo tỉnh, thành bị kỷ luật nặng, thậm chí vướng vào lao lý như ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương,...
Sáng 7-5, tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 2, trước kỳ họp thứ ba, QH khoá XV, nhiều cử tri quận 1, 3, Bình Thạnh đã nêu ý kiến về vấn nạn tham nhũng, tiêu cực.
|
Cử tri Nguyễn Hữu Châu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA |
Cử tri Nguyễn Hữu Châu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, nhìn nhận việc khởi tố một lúc năm cán bộ cấp tướng thuộc cảnh sát biển nói lên tính nghiêm trọng của nạn tham nhũng.
Người dân cũng rất băn khoăn khi có không ít người đứng đầu cấp ủy, UBND nhiều tỉnh, thành bị kỷ luật nặng, thậm chí vướng vào lao lý như ở TP Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, Bình Thuận… Từ đó, đòi hỏi Đảng, nhà nước cần rút ra nhiều bài học về tính thiết thực của công tác giám sát, ngăn chặn mầm mống tham nhũng.
|
ĐB Đỗ Đức Hiển, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của QH, trao đổi với cử tri Nguyễn Hữu Châu bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA |
Cử tri Hoàng Thị Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, cho biết vừa qua bà con rất đồng tình khi nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng được xử lý, khởi tố, các cá nhân có hành vi tham nhũng bị tạm giam...
Tuy nhiên cử tri Lợi cũng bày tỏ đau lòng trước sai phạm liên quan đến vụ kit test Việt Á. “Chúng ta không chỉ mất thầy thuốc mà còn có tội với tính mạng, sức khoẻ của người dân” - cử tri Lợi nói và đề nghị cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để xử lý tham nhũng mạnh hơn.
Trao đổi với cử tri, ĐB Đỗ Đức Hiển, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của QH, cho biết phòng chống tham nhũng là chủ trương xuyên suốt của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta đặt ra. Trung ương đang nghiên cứu, xem xét thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Điểm mới trong thời gian tới là phòng chống tham nhũng sẽ đi kèm với phòng chống tiêu cực.
Hiện, các cơ quan trung ương đang rà soát các quy định liên quan phòng chống tham nhũng tiêu cực, chứ không chỉ giới hạn trong Luật phòng chống tham nhũng. Làm sao khắc phục những chồng chéo trong luật có nguy cơ làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng; chẳng hạn như cơ chế xin - cho, cơ chế duyệt cấp, các quy định chưa minh bạch hay thủ tục hành chính rườm rà…
Đáng chú ý, các cơ quan cũng sẽ rà soát trong các lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân sách… Từ đó báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoàn thiện các quy định của pháp luật, có cơ chế phòng chống hiệu quả hơn.
Còn ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP, cho biết trong việc phòng chống tham nhũng thì ngoài hoàn thiện pháp luật cần tiếp tục chấn chỉnh cơ chế, chính sách minh bạch để cán bộ không thể, không có điều kiện tham nhũng; chứ không phải đợi khi xuất hiện thì mới đấu tranh.
Vừa qua, trong 10 vụ án được đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương theo dõi thì TP.HCM có bốn vụ đang được Công an TP.HCM thụ lý. Cơ quan tố tụng TP cũng đã thu hồi trên 1.300 tỉ đồng từ tiền phạm tội do tham nhũng (chiếm trên 81%).
Cán bộ TP.HCM làm việc gấp 2,5 lần so với nơi khác
Chia sẻ với cử tri về chính sách cho cán bộ không chuyên trách, ĐB Trần Kim Yến, Bí thư Quận uỷ quận 1, nhìn nhận cường độ làm việc của đội ngũ cán bộ nói chung tại TP, trong đó có cả cán bộ không chuyên trách ở phường, xã cao gấp 2,5 lần so với cán bộ nói chung trên cả nước.
|
ĐB Trần Kim Yến, Bí thư Quận uỷ quận 1, trao đổi với cử tri. Ảnh: LÊ THOA |
“Khối lượng công việc của cán bộ TP cao gấp nhiều lần, đó là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ từ khu phố, phường, xã. Quốc hội, Chính phủ và TP đã có những chế độ chính sách ưu tiên hơn so tỉnh, thành khác nhưng so ra thì chế độ chính sách này chưa đảm bảo” – ĐB Yến nói.
Bà cho biết cán bộ không chuyên trách tại TP còn làm việc nhiều hơn cán bộ chuyên trách, đóng góp rất lớn cho công tác phục vụ người dân ở cơ sở.
ĐB Yến xin ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ tiếp tục phản ánh lên các cấp để có chế độ động viên cho đội ngũ cán bộ TP.