Sự cố vỡ đường ống dẫn thủy điện sông Bung 2 tiếp tục đặt ra yêu cầu phải xem xét lại quy hoạch hệ thống thủy điện ở nước ta. Đây là một yêu cầu liên tục được lật giở trên các diễn đàn chính thức từ nhiều năm nay
Sự cố vỡ đường ống dẫn thủy điện sông Bung 2 tiếp tục đặt ra yêu cầu phải xem xét lại quy hoạch hệ thống thủy điện ở nước ta. Đây là một yêu cầu liên tục được lật giở trên các diễn đàn chính thức từ nhiều năm nay.
Những ai đã từng lên Hà Giang hẳn không thể bỏ lỡ Mã Pí Lèng, một trong tứ đại đèo nổi tiếng nối giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. Một dải đường mỏng như sợi chỉ vắt ngang qua núi đá hiểm trở, phía dưới là dòng Nho Quế xanh màu xanh ngọc bích, phong cảnh hùng vĩ của Mã Pí Lèng xứng danh là đệ nhất hùng quan vùng Đông Bắc.
Thế nhưng giờ đây khi đứng trên đỉnh đèo, nhìn phía dưới dòng Nho Quế sẽ thấy lấp ló thêm một nhà máy thủy điện. Không chỉ một, dòng sông ở một trong những khu vực khô hạn nhất cả nước này có đến ba nhà máy thủy điện.
Tỉnh chấp nhận rủi ro về môi trường, sinh thái, du lịch để đổi lấy nhà máy, với kì vọng thủy điện có thể mang lại mỗi năm 10 tỷ đồng tiền thuế VAT, các loại thuế doanh nghiệp và môi trường. Đáng tiếc cho địa phương, khi nhà máy xây xong, chủ đầu tư phớt lờ các nghĩa vụ của mình, chây ì không trả khoản nợ dịch vụ môi trường lên đến gần 40 tỷ đồng.
|
Sự cố vỡ đường ống dẫn thủy điện sông Bung 2 tiếp tục đặt ra yêu cầu phải xem xét lại quy hoạch hệ thống thủy điện ở nước ta. Ảnh: VTV8 |
Nhưng như Hà Giang là vẫn còn may, bởi dẫu chưa thu lợi được gì về cho ngân sách, thì quả bom thủy điện chưa tạo ra thảm họa gì. Nhiều địa phương khác thì không được may mắn như vậy. Chỉ cách đây vài hôm, thủy điện sông Bung 2, công trình mới nghiệm thu ngày 25/8 vừa qua, đã gặp sự cố vỡ đường ống dẫn, khiến nhiều người bị mất tích theo dòng lũ nhân họa. Cùng với đó là gia sản và hoa màu của người dân hai bên bờ sông.
Những câu chuyện thiệt hại do lũ thủy điện ở nước ta năm nào cũng có. Trước sự cố sông Bung 2, vào năm 2013 ở Bình Định, việc xả lũ của hồ chứa kết hợp với mưa lớn còn được cho là nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng.
Điều này là một nghịch lý, bởi ngay trong quy hoạch về thủy điện, một trong những nhiệm vụ chính của nó là chống lũ cho hạ nguồn trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu người dân khi hạn hán. Thế nhưng khi việc kiểm soát các công trình thủy điện còn lỏng lẻo, chưa có chế tài xử phạt đích đáng những hành vi quản lý nước thiếu trách nhiệm (giữ nước hoặc xả nước không thông báo), thì nghịch lý này trở thành thực tế mỗi khi mùa mưa bão về. Và cứ thế, người dân ở những vùng có hồ, đập thủy điện luôn nơm nớp lo những quả bom nước đang tích tắc trên đầu mình.
Nước ta có bao nhiêu quả bom như vậy?
Tính trên cả nước, hiện có 284 công trình thủy điện đang vận hành phát điện; 204 dự án (6.146,56 MW) đang thi công xây dựng, dự kiến sẽ vận hành phát điện trước 2017. Ngoài ra, còn 250 dự án (3.049,2 MW) đang nghiên cứu đầu tư và 78 dự án chưa nghiên cứu đầu tư. Như vậy, khi tất cả những công trình trên hoạt động, cả nước sẽ có khoảng hơn 800 đập nước thủy điện cỡ lớn. Những sự cố như ở Sông Bung khiến cho người dân có lý do chính đáng để lo ngại tính an toàn của những công trình trên.
Thủy điện đổi lấy gì?
Trong tất cả các khu vực, Tây Nguyên và miền Trung, hai vùng khô hạn nhất cả nước, lại là nơi có nhiều công trình thủy điện nhất. Dù diện tích của tỉnh không phải là lớn (hơn 10 nghìn km vuông), Quảng Nam, nơi vừa xẩy ra sự cố, có đến 62 dự án thủy điện. Cách đây vài năm, ở địa phương này cũng đã có tình trạng nứt hồ chứa thủy điện sông Tranh 2.
Việc đây là khu vực có nhiều rừng với các loại gỗ quý khác nhau làm dấy lên lo ngại về việc lợi dụng xây thủy điện để phá rừng. Qua những câu chuyện ở vườn quốc gia Yok Đôn (Đăk Lăk) hay ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), mối lo ngại trên không phải là không có cơ sở. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, có nhiều doanh nghiệp dù không đủ năng lực nhưng xin dự án làm thủy điện với mục đích là khai thác khoáng sản, lâm sản. Điều không mấy ngạc nhiên là tỉnh nào càng nghèo lại càng có nhiều dự án thủy điện.
Kể cả khi chuyện xây thủy điện chỉ đơn thuần là để chạy máy phát điện, thì ảnh hưởng đến rừng là rất lớn, bởi ác dự án thủy điện thường nằm ở những vùng rừng núi nên khi xây dựng cần phải khai quang một diện tích lớn để xây các công trình như đường sá, đập, nhà máy, đường dây dẫn điện. Phần lòng hồ cũng sẽ bị ngập nước và mất đi một diện tích lớn. Theo tính toán, mỗi một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ lấy đi 16 hecta rừng để có 1MW điện.
Đáng lo ngại là rừng mất đi do thủy điện thường là ở thượng nguồn, không thể tái tạo nguyên trạng được, và có vai trò cốt tử trong việc điều tiết lượng nước tự nhiên. Khi rừng không còn, không chỉ nước cho thủy điện không còn, mà cả những vạt đất trù phú hai bên bờ sông cũng sẽ khát nước.
Vai trò của thủy điện trong việc đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia là không thể bàn cãi. Những công trình lịch sử như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An, hay thủy điện Sơn La còn là dấu mốc phát triển của đất nước. Nhưng điều đó không có nghĩa thủy điện có tấm kim bài miễn tử, và tất cả mọi thứ đều phải hi sinh cho nó.
Bởi nước và môi trường là tài sản của quốc gia, không ai được phép chiếm dụng làm của riêng nếu chưa có cơ chế “hoàn trả” hợp lý cho xã hội.
Nếu một công trình thủy điện đem lợi nhuận cao cho công ty phát điện nhưng làm thiệt hại nặng nề bởi phá rừng, lũ lụt, làm mất đi hệ sinh thái tự nhiên,…thì dẫu có tiếng là năng lượng sạch, dự án vẫn cần phải cân nhắc rất kĩ.
Vì vậy, tính toán lợi ích của thủy điện không thể chỉ dựa trên tính toán lợi nhuận của nhà máy phát điện, mà cần phải có sự tham gia phản biện từ xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học và người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án. Đáng tiếc trong hầu hết các công trình thủy điện, tiếng nói của từ khối dân sự không được coi trọng.
Mọi thứ đều có thời của nó. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới đang phá đập thủy điện để trả lại nguyên trạng cho tự nhiên. Với điều kiện của nước ta, có thể vẫn phải phụ thuộc vào thủy điện trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc quy hoạch, xây dựng, và vận hành nhà máy thủy điện cần phải được làm với sự cẩn trọng, bởi phía dòng nước chảy từ đập không chỉ tạo ra điện, mà còn là sinh kế và sinh mạng của hàng triệu người khác.