Hà Nội 25 °C
TP Hồ Chí Minh 27 °C
Hải Phòng 25 °C
Đà Nẵng 25 °C
Yên Bái 20 °C
  • Hà Nội Hà Nội 25°C
  • TP Hồ Chí Minh Hà Nội 27°C
  • Hải Phòng Hà Nội 25°C
  • Đà Nẵng Hà Nội 25°C
  • Yên Bái Hà Nội 20°C

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào

Dân sự
14/11/2024 21:05
Lưu Quỳnh
aa
Đền đáp xứng đáng cho sự nỗ lực hết mình trong sự nghiệp giảng dạy Tiếng Việt trên đất nước Triệu Voi, năm 2009, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng.
Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền nhận Bằng khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào về thành tích trong giảng dạy Tiếng Việt, truyền bá văn hoá Việt tại Lào.

Riêng chung mối tình Việt - Lào

Tôi gặp Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền tại Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” do Đại học Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 11/2024, hôm đó chị Hiền tham dự hội thảo với tư cách là đại biểu thuộc Đoàn cán bộ, giảng viên khoa Tiếng Việt, Đại học Ngôn ngữ - Trường Đại học Quốc gia Lào. Nữ giảng viên đến từ thủ đô Viêng Chăn với bài tham luận tâm huyết, truyền cảm hứng mạnh mẽ về việc dạy Tiếng Việt trên đất nước Triệu Voi, lan toả văn hoá Việt Nam, với một tình yêu và niềm tự tôn, tự hào dân tộc vô bờ, đã thu hút sự chú ý và cảm xúc của nhiều đại biểu.

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Khoảng thời gian ngắn bên lề hội thảo cũng đủ để chị Hiền tranh thủ chia sẻ về công việc dạy tiếng Việt tại trường Đại học Quốc gia Lào, các hoạt động xã hội chị tham gia với tư cách tình nguyện viên phiên dịch Tiếng Việt, các lớp chị tham gia dạy Tiếng Việt miễn phí, và các dự định về các dự án thiện nguyện sắp tới… Tôi thực sự xúc động và cuốn hút bởi người phụ nữ tràn đầy nhiệt huyết, tràn trề năng lượng, hào sảng, với khát vọng dâng hiến hết mình, hào phóng và vô tư cho việc dạy tiếng mẹ đẻ trên đất bạn. “Có những hôm sau một ngày làm việc tất bật, tối Hiền lại đi xe máy hơn 10 cây số đến lớp dạy Tiếng Việt miễn phí. Nhìn các học viên háo hức, mê say với ngôn ngữ của dân tộc, của cội nguồn, thú thật Hiền chỉ ước sao mỗi buổi tối dài ra thêm nhiều giờ nữa, để Hiền có thêm thời gian dạy các em…” - chị Hiền tâm sự.

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền vinh dự được Chủ tịch nước Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009.

Nguyễn Thị Hiền quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm I Hà Nội năm 1994, chị tiếp tục theo học Thạc sỹ chuyên ngành Lý luận Ngôn ngữ. Cơ duyên khiến chị gắn bó với đất nước Lào và quyết định chọn xứ sở hoa Chăm-pa làm quê hương thứ 2 cho cuộc đời mình, theo chị là bởi chữ Duyên. Thời sinh viên sôi nổi, Hiền yêu anh SụkhănThạKhạTỵ (tên tiếng Việt là Xay Nha Sản, ông xã Hiền bây giờ)- một nghiên cứu sinh người Lào sang làm luận văn Tiến sĩ tại Việt Nam. Mối tình xuyên quốc gia của họ kéo dài 9 năm, kết quả là đám cưới ngọt ngào diễn ra tại 3 địa điểm: lễ cưới tại nhà vợ - tại quê của Hiền ở Thái Bình, với sự tham dự của đại diện Tham tán Văn hóa Giáo dục, Đại sứ quán Lào; Lễ báo hỷ tại Nhà văn hoá Cầu Giấy, có các thầy cô trường Đại học Sư phạm I Hà Nội; và tiệc cưới tại trường Đại học Quốc gia Lào, quê hương của anh Sản, cũng là nơi hai vợ chồng làm việc.

Theo chồng sang định cư ở thủ đô Viêng Chăn (Lào), Hiền xin được biên chế vào giảng dạy tại khoa Tiếng Việt, Đại học Ngôn ngữ, trường Đại học Quốc gia Lào. Chồng chị là Tiến sĩ Văn học, giảng viên khoa Báo chí cùng trường. Công việc chính của chị là giảng dạy, đào tạo sinh viên hệ cử nhân Ngôn ngữ Việt Nam; ngoài ra còn dạy ngôn ngữ cho học sinh hệ dự bị tiếng Việt. Để phục vụ tốt cho việc giảng dạy, mặc dù khi đó đã có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Lào nhưng chị vẫn đăng ký theo học khóa dự bị tiếng Lào dành cho người nước ngoài tại Trường Đại học Quốc gia Lào.

“Bản thân tôi khi đó đã tích lũy được vốn tiếng Lào kha khá, có thể giao tiếp tốt, nhưng tôi vẫn đăng ký và chuyên tâm theo học khóa dự bị tiếng Lào rất chăm chỉ, nghiêm túc. Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn thành công trên đất nước họ, thì phải thông thạo ngôn ngữ của họ, hiểu biết văn hoá của họ. Điều tâm niệm đó, sau này tôi cũng chia sẻ tới các thế hệ học sinh, sinh viên của mình, nhiều người làm theo và đã thành công.”

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền chụp ảnh lưu niệm với các học viên Lớp bồi dưỡng Tiếng Việt của Bộ Khoa học - Công nghệ Lào.

Không chỉ làm tốt công việc giảng dạy ở Đại học Quốc gia Lào, chị còn tham gia các công việc xã hội với tinh thần trách nhiệm cao. Các Bộ ngành, Đại sứ quán, doanh nghiệp… cần phiên dịch, hỗ trợ về ngôn ngữ Tiếng Việt đều được chị giúp đỡ hết lòng. “Cô Hiền Tiếng Việt” của Đại học Quốc gia Lào trở thành nhân vật được nhiều lãnh đạo, cơ quan ở Viêng Chăn biết đến là vậy.

Năm 2009, chị vinh dự được Chủ tịch nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích dạy Tiếng Việt, lan toả văn hoá Việt trên đất Lào. Chị cũng là một trong số ít công dân nước ngoài được tặng Huân chương cao quý này.

Miệt mài lan toả tinh hoa văn hóa Việt tại xứ sở hoa Chăm pa

Thủ đô Viêng Chăn có trên 100 ngàn người Việt Nam làm ăn, sinh sống, trong đó có nhiều người định cư, lập nghiệp ổn định, chọn nơi này là quê hương thứ hai của mình nên nhu cầu học tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt tương đối lớn. Đặc biệt, đối với người Việt xa quê, việc làm sao để các thế hệ con cháu biết tiếng Việt, duy trì ngôn ngữ của dân tộc luôn là vấn đề cần được ưu tiên. Trước thực tế này, năm 2022, với sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Hội người Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn cùng Chùa Phật tích Viêng Chăn mở lớp Tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt. Lớp học duy trì 3 buổi/tuần, mỗi khóa học kéo dài 3 tháng, học xong được cấp chứng chỉ.

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào
Cô giáo Hiền chụp ảnh cùng các em học sinh lớp học Tiếng Việt miễn phí.

Chị Hiền tham gia dạy Tiếng Việt miễn phí cho dự án của Hội người Việt Nam ở Viêng Chăn ngay từ khoá đầu tiên. Lớp học miễn phí dạy vào các buổi tối, chùa Phật Tích Viêng Chăn ở ngoại ô, nên sau mỗi ngày làm việc, chị tiếp tục đi xe máy hơn 10km đến lớp. Tại các buổi dạy, ngoài dạy chữ cho các em, chị còn chia sẻ những câu chuyện cổ, thành ngữ, ca dao Việt Nam giúp vun đắp cho các em tình yêu đất nước, cội nguồn dân tộc, bồi dưỡng cho các em giá trị đạo đức, truyền thống của người Việt Nam ta. Những câu ca dao tục ngữ chị đã được cha mẹ, thầy cô dạy từ tấm bé, giờ chị truyền dạy lại học sinh của mình trên đất Lào. Nào là “Chị ngã em nâng”, “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”; rồi thì: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm…”

Phải chăng vì thế mà những tiết học của chị luôn mang lại những điều mới mẻ, háo hức mê say. Có những hôm trời đã khuya, lớp học tiếng Việt miễn phí vẫn sôi nổi vì các em muốn học nữa, không muốn về. Chị chỉ ước sao mỗi buổi tối kéo dài thêm nhiều giờ nữa để chị có thể truyền tải nhiều hơn nữa vốn kiến thức, vốn văn hóa, tình yêu và lòng tự hào với dân tộc đến học sinh của mình! Với chị, đó là niềm hạnh phúc không gì sánh được!

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào
Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Hiền trong Ngày hội tôn vinh Tiếng Việt tại Lào.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Tôi rất tâm huyết với Dự án dạy Tiếng Việt cho con em người Việt tại Lào, qua đó không chỉ góp phần gìn giữ Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Lào mà còn lan tỏa Tiếng Việt tới cộng đồng người bản địa, giúp tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt – Lào, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.”

Yêu và tự hào vì mình là người Việt Nam, tình yêu của chị lan toả mạnh mẽ tới gia đình, người thân. Chồng chị là Tiến sĩ Văn học, anh sử dụng Tiếng Việt như tiếng Lào. Hai con gái của chị cũng rất giỏi Tiếng Việt. Vì yêu chị, muốn chị không có cảm giác xa quên nên ở nhà chị mọi người giao tiếp bằng Tiếng Việt, chỉ có đến trường mới sử dụng tiếng Lào.

Chị Hiền kể, con gái đầu lòng của chị có năng khiếu về hội hoạ. Khi cháu còn nhỏ, ngoài phác hoạ chân dung ba mẹ, vẽ bông hoa hay ông mặt trời, thì bức vẽ cháu yêu thích là chân dung Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc Việt Nam. Năm 2023, khi cháu đậu Đại học Mỹ thuật Quốc gia Lào với số điểm đủ để du học thì cháu đã lựa chọn sang Việt Nam du học. Hiện cháu là sinh viên năm 2 Đại học Mỹ Thuật Việt Nam.

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền (thứ 2 từ trái sang) nhận Bằng khen do Đại sứ quán Việt Nam tại Lào trao tặng.

“Lòng biết ơn giúp tôi sống có khát vọng, có trách nhiệm và ý nghĩa hơn”

“Cô Hiền tình nguyện”, “cô Hiền Tiếng Việt”, “Cô Hiền phiên dịch” là những tên gọi thân thương người Viêng Chăn dành cho Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền. Bất cứ sự kiện nào ở Thủ đô Viêng Chăn cần người phiên dịch Tiếng Việt, cần sự hồ trợ về ngôn ngữ Tiếng Việt, chị đều nhiệt tình tham gia với tinh thần trách nhiệm cao.

Còn nhớ, năm 2009, kỳ Sea Game 25 tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), chị Hiền và hai cô con gái tham gia vào đội tình nguyện, làm phiên dịch Tiếng Việt. Câu chuyện về cô giáo Việt trên đất nước Triệu Voi, hình ảnh chị và hai con gái trong đội phiên dịch tình nguyện mặc áo cờ đỏ sao vàng, gương mặt kiêu hãnh có dán hình cờ Tổ quốc trên đôi má đã được báo chí, truyền hình đăng tải.

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền nhận Kỷ niệm chương vì thành tích dạy Tiếng Việt trong Lễ tôn vinh Tiếng Việt tại Lào tháng 9/2024.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng là thành viên của Hội đồng biên dịch cuốn Ký sự lịch sử “Lần theo dấu tích lịch sử con đường Hồ Chí Minh trên đất Lào”. Cuốn sách được giới chuyên gia và độc giả đón nhận nhiệt liệt, đánh giá cao. Chị Hiền chia sẻ: “Mình rất tự hào vì được góp phần giúp các thế hệ người dân hiểu về lịch sử, tình hữu nghị thuỷ chung keo sơn giữa hai đất nước Việt - Lào.”

Ở cái tuổi không còn trẻ, đảm nhiệm nhiều vai trò giảng dạy ở nhiều nơi, nhưng hễ cơ quan nào có sự kiện cần người phiên dịch Tiếng Việt, bất cứ cá nhân, tổ chức nào gặp khó khăn về ngôn ngữ Tiếng Việt cần sự trợ giúp, là chị Hiền lại cố gắng thu xếp công việc để có mặt.

“Công việc dạy Tiếng Việt không chỉ mang lại cho mình niềm vui, sự tôn trọng của xã hội, mà còn mang lại nguồn thu nhập tốt. Bởi vậy, không chỉ yêu Tiếng Việt, tự đáy lòng mình, tôi biết ơn ngôn ngữ của dân tộc, biết ơn nguồn cội! Và tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình tham gia các công việc thiện nguyện, tình nguyện như một cách để sẻ chia, để tri ân cuộc đời. Lòng biết ơn giúp tôi sống có khát vọng, có trách nhiệm và ý nghĩa hơn” - chị Hiền xúc động chia sẻ.

Các thành tích của Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền - Giảng viên khoa Tiếng Việt, Đại học Ngôn ngữ, Trường Đại học Quốc gia Lào:

- Năm 2009 được Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích dạy Tiếng Việt, lan toả văn hoá Việt trên đất nước Lào.

- Nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương của Trường Đại học Quốc gia Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Hội người Việt Nam tại Viêng Chăn, các Bộ, ngành của Lào tặng thưởng về thành tích dạy Tiếng Việt, tôn vinh văn hoá Việt trên đất nước Triệu Voi.

bài liên quan
Mới nhất
Đọc nhiều
Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào

Cô giáo Việt lan toả văn hoá Việt Nam, gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào

Đền đáp xứng đáng cho sự nỗ lực hết mình trong sự nghiệp giảng dạy Tiếng Việt trên đất nước Triệu Voi, năm 2009, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng.
Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II

Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II

Sáng 14/11, tịa tỉnh Bình Dương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩn
Xem xét quy định thời gian công bố phương án thi tuyển sinh lớp 10 sớm

Xem xét quy định thời gian công bố phương án thi tuyển sinh lớp 10 sớm

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8347/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tin bài khác
Gia Lai: Thủng đập thủy lợi chứa 10 triệu khối nước, khẩn trương sơ tán dân

Gia Lai: Thủng đập thủy lợi chứa 10 triệu khối nước, khẩn trương sơ tán dân

Thân đập Ia Ring, ở Chư Sê bị hư hỏng, nước chảy thông qua thân đập rộng chừng 30 mét đổ về vùng hạ du gây ngập lụt.
Bạc Liêu: Triển khai các giải pháp ứng phó với triều cường

Bạc Liêu: Triển khai các giải pháp ứng phó với triều cường

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, cảnh báo và di dời dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.
BĐBP Cà Mau tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn cho sự kiện 70 năm Tập kết ra Bắc

BĐBP Cà Mau tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn cho sự kiện 70 năm Tập kết ra Bắc

Tại sự kiện Lễ kỷ niệm 70 Tập kết ra Bắc (1954-2024) tại tỉnh Cà Mau đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa được diễn ra nhiều nơi trong tỉnh, trong đó có Lễ kỷ niệm 70 năm được tổ chức tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải đáp băn khoăn của Đại biểu về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải đáp băn khoăn của Đại biểu về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải đáp, làm rõ nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội.
Vĩnh Phúc: Hơn 100 cán bộ, Đảng viên bị xử lý vi phạm nồng độ cồn

Vĩnh Phúc: Hơn 100 cán bộ, Đảng viên bị xử lý vi phạm nồng độ cồn

Cảnh sát giao thông tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện, xử lý trên 100 cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.
Lâm Đồng: Xóa hơn 1.000 nhà tạm, dột nát trong năm 2024

Lâm Đồng: Xóa hơn 1.000 nhà tạm, dột nát trong năm 2024

Năm 2024, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu xóa hơn 1.000 căn nhà tạm, nhà dột nát giúp hộ nghèo và cận nghèo, trong đó xây dựng mới 840 căn và sửa chữa, cải tạo 166 căn.
Bộ đội Biên phòng Việt Nam cứu sống công dân Trung Quốc bị nước cuốn trôi

Bộ đội Biên phòng Việt Nam cứu sống công dân Trung Quốc bị nước cuốn trôi

Nguồn tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Thanh Thủy ngày 14/11 cho hay, đơn vị vừa cứu sống công dân Trung Quốc gặp nạn.
Nổ lớn tại nhà dân ở Bắc Giang, 1 người tử vong

Nổ lớn tại nhà dân ở Bắc Giang, 1 người tử vong

Vụ nổ lớn xảy ra vào tối 13/11 tại thôn Đồng Mận, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, (tỉnh Bắc Giang) khiến chủ nhà tử vong.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc

Ngày 13/11, ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, làm trưởng đoàn công tác đi kiểm tra về việc công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau).
Thạc sĩ Lê Thị Thơ - Chủ tịch Hoa hậu Biển Việt Nam 2024 tiết lộ sứ mệnh nhân văn mà cuộc thi hướng đến

Thạc sĩ Lê Thị Thơ - Chủ tịch Hoa hậu Biển Việt Nam 2024 tiết lộ sứ mệnh nhân văn mà cuộc thi hướng đến

Hoa hậu Biển Việt Nam 2024 một trong những cuộc thi nhan sắc diễn ra vào cuối năm nay đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng fan sắc đẹp.