Những thành tựu quan trọng
Ngành giáo dục Nghệ An xác định chuyển đối số là xu hướng tất yếu, áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) là cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và các hoạt động khác.
Hình thành nền tảng số, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó Sở GD&ĐT Nghệ An đã chủ động triển khai xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, giáo viên, gia đình và xã hội về sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong quá trình đổi mới giáo dục.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thông tin để thực hiện chuyển đổi số thông qua các dự án của tỉnh, địa phương, tài trợ… Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tập huấn, thường xuyên tiếp cận và cập nhật các phần mềm, hệ thống liên quan.
Mỗi giáo viên phải thành thạo kỹ năng sử dụng công nghệ, thay đổi tư duy để tiếp cận tri thức và trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi người.
Đặc biệt cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng thêm kỹ năng thiết kế video gửi phụ huynh trong phối hợp chăm sóc trẻ. Hạ tầng CNTT dần được hoàn thiện bằng việc nâng cấp, mua sắm mới hệ thống máy tính, máy chiếu, tivi… tại tất cả các phòng học, phòng sinh hoạt chuyên môn chung.
Được triển khai thực hiện từ năm học 2013 – 2014, đến nay phần mềm quản lý nhà trường VnEdu được sử dụng 100% ở tất cả các bậc học. Nhiều trường đã đưa vào sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử. 349 trường tham gia sử dụng phần mềm giáo án điện tử, 41 trường tiểu học, 147 trường THCS và 58 trường THPT triển khai chữ ký số.
Năm học 2020 – 2021 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Nghệ An triển khai phần mềm học và thi trực tuyến VNPT Elearning tới 100% có cở giáo dục trên toàn tỉnh. Hệ thống giúp giáo viên thiết kế bài giảng, dạy và đánh giá học sinh, giúp học sinh có công cụ học tập, tương tác với giáo viên mọi lúc mọi nơi, mọi thiết bị.
Phụ huynh biết được tình hình học tập của con em mình. Sở và Phòng GD&ĐT dễ theo dõi, quản lý, giám sát việc dạy và học của các cơ sở giáo dục.
Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung giúp trường quản lý học sinh, sức khỏe, y tế học đường, quản lý tài chính… và báo cáo lên cơ sở dữ liệu của ngành. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường và xã hội.
Thúc đẩy dạy và học trên môi trường số
“Chuyển đổi số" giờ đây đã không còn xa lạ với tất cả các cơ sở giáo dục Nghệ An. Thời gian đầu việc thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận hiệu quả, chất lượng giáo dục mà chuyển đổi số mang lại.
Một trong số rất nhiều cơ sở giáo dục thành công trong chuyển đổi số là Trường THCS Nguyễn Trãi huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Môi trường và quy mô giáo dục trực tuyến được đảm bảo 100% cho giáo viên và học sinh.
100% giáo viên, học sinh được quản lý bằng hồ sơ số với mã số định danh duy nhất và thống nhất toàn quốc. 100% hồ sơ công việc được giao dịch và giải quyết trên môi trường số.
Tất cả cán bộ, giáo viên sử dụng chữ ký số. Phối hợp hoàn thành cơ sở dữ liệu giáo dục giai đoạn 2, bảo đảm tiêu chí “sống, sạch, đủ, đúng”kết nối thông suốt tất cả cơ sở dữ liệu với huyện, tỉnh và quốc gia.
Bảo vệ dữ liệu và an toàn thông tin luôn được nhà trường tuân thủ. Việc ứng dụng công nghệ mở ra nhiều phương thức dạy học mới thông minh, hiệu quả, xóa rào cản về không gian và thời gian cho hoạt động dạy và học.
Ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học ở mức độ khác nhau tùy điều kiện thực tế của từng trường nhưng tất cả đều có chiến lược cụ thể. Hầu hết học sinh biết sử dụng thành thạo máy tính và cải thiện tốt quá trình học tập.
Năm học 2020 – 2021 Nghệ An là tỉnh đầu tiên thực hiện dạy và học trực tuyến thông qua hệ thống LMS thống nhất trong cả tỉnh và được Bộ GD&ĐT đánh giá cao.
Đây là hệ thống nền tảng cung cấp một môi trường học tập, thi, kiểm tra hiện đại, toàn diện, hiệu quả cho giáo viên và học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Văn Định Hiệu trưởng trường tiểu học Nghĩa Bình (Tân Kỳ) chia sẻ: nhà trường chủ trương vừa nghiên cứu vừa thực hiện.
Xác định đội ngũ là yếu tố quan trọng nhất nên ngoài việc tập huấn cho cán bộ, giáo viên trường còn phối hợp với một số chuyên gia về trực tiếp hướng dẫn cho giáo viên tại trường. Hợp tác với một số trường để giao lưu và học hỏi kinh nghiệm.
Chuyển đối số được tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện nhưng việc triển khai còn gặp khó khăn. Nghệ An là tỉnh rộng, địa bàn miền núi hiểm trở đi lại khó khăn, hạ tầng CNTT, trang thiết bị còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động chuyển đổi số nhanh và đồng bộ.
GS-TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thực hiện số hóa triệt để.
Các hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, hội họp, tập huấn… chủ yếu thực hiện trên môi trường mạng. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có đủ kiến thức tác nghiệp trên môi trường số.
Tạo môi trường số để kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên và học sinh.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, trang thiết bị CNTT cần thiết để tạo cơ hội học tâp bình đẳng giữa các vùng miền có điều kiện kinh kế, xã hội khác nhau, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa.