Dự Hội nghị có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, phát huy vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình ấy, văn nghệ sĩ, nhà văn luôn được đặt ở vị trí trung tâm, có vai trò quyết định sáng tạo ra giá trị tinh thần cao đẹp cho xã hội.
Các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các Nhà văn lão thành đã không phụ sự ủy thác của nhân dân, của đất nước và của Đảng, đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Mỗi trang viết, mỗi tác phẩm của các nhà văn mang nhịp đập trái tim của dân tộc mình, của thời đại mình và đồng thời phản ánh chân thật, sâu sắc về con người; góp phần khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có tình thương yêu con người vô hạn, với khát vọng hòa bình lớn lao và ý chí không gì có thể khuất phục, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nền độc lập của dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Bày tỏ tình cảm phấn khởi được gặp gỡ các nhà văn lão thành, trong đó rất nhiều nhà văn đã là “nhà văn chiến sĩ”, đi qua các cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, sáng tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn thời đại, như những “đoàn quân” đặc biệt với sức mạnh tinh thần Việt Nam bất diệt, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xúc động tưởng nhớ và tri ân các nhà văn đã mất, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vĩ đại cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Nhắc về Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hoá soi đường quốc dân đi”; 75 năm sau, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Văn hóa còn là dân tộc còn”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, văn hóa là sự sống còn của dân tộc, nếu không có văn hóa thì mỗi con người và mỗi dân tộc ở bất kỳ nơi đâu, ở bất kỳ thời đại nào cũng không thể tìm thấy mục đích và giá trị sống chân chính của mình. Mà văn học là một trong những thành tố vô cùng quan trọng làm nên vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, lan tỏa vẻ đẹp ấy trong đời sống, đánh thức tình yêu và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam với Tổ quốc của mình.
Chủ tịch nước mong có một sự gắn kết đặc biệt hơn nữa giữa các nhà văn lão thành và các nhà văn trẻ. Đấy là sự gắn kết của tình yêu thương, sự thấu hiểu, sự tôn trọng cá tính sáng tạo và vì một sứ mệnh lớn lao chung là sáng tạo ra tác phẩm hay, góp phần làm phong phú, đẹp hơn đời sống tinh thần của xã hội, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới. Sự dâng hiến không vụ lợi và những sáng tạo của các nhà văn lão thành cho dân tộc đã trở thành di sản vô giá trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và là một phần quan trọng trong hành trang của các thế hệ nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình
Ngoài ra, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng tự hào là một trong những cái nôi văn chương, trọng điểm văn học toàn quốc qua các thời kỳ lịch sử với nhiều tên tuổi các Nhà văn lớn như Thế Lữ, Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi. Thời gian qua, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, động viên, khơi gợi sức sáng tạo, sự nhiệt huyết của các nhà văn trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật của TP.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng cũng bày tỏ sự cảm ơn, tri ân những đóng góp quan trọng của đội ngũ Nhà văn Việt Nam trong đó có các Nhà văn lão thành dự Hội nghị hôm nay. Đồng chí mong muốn và tin tưởng các Nhà văn sẽ luôn luôn đồng hành cùng Dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, góp phần đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.
Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cuốn sách "Hồ Chí Minh Thư gửi nước Mỹ", tập hợp những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chính khách, tổ chức và cá nhân ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 1919 - 1969.
Hội nghị đã tôn vinh 3 nhà văn có đóng góp quan trọng cho nền văn học cách mạng và thúc đẩy sự phát triển của Hội Nhà văn gồm: Nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ Hữu Thỉnh.
Tags: