Tòa nhà Victory Tower. |
Khổ vì điện nước chập chờn
Gửi đơn kêu cứu đến Báo Pháp Luật Việt Nam, nhiều người dân cho biết, sự việc tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Victory Capital (Công ty VCG - chủ đầu tư Tòa nhà Victory Tower, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM) và Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (Công ty Sao Kim - nhà quản lý) đã kéo dài hơn một năm và hiện đang được tòa án thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, mặc dù không liên quan gì đến việc tranh chấp của 2 công ty trên nhưng hậu quả thì người dân và khách hàng trong Tòa nhà Victory Tower lãnh đủ.
Được biết, trước đó 2 doanh nghiệp này đã ký Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành. Cụ thể, Công ty VCG thuê Công ty Sao Kim thực hiện công tác quản lý vận hành tại Tòa nhà Victory Tower với thời hạn của hợp đồng là 72 tháng, kể từ ngày ký. Sau đó, Công ty VCG đã bàn giao toàn bộ hệ thống kỹ thuật, tài sản kèm theo văn phòng quản lý cho Công ty Sao Kim.
Theo ký kết giữa 2 bên đến ngày 20/2/2023 thì hợp đồng sẽ hết thời hạn. Thế nhưng khi hết hạn, Công ty VCG nhiều lần gửi thông báo, đề nghị Công ty Sao Kim chấm dứt hợp đồng, không gia hạn hợp đồng nhưng Công ty Sao Kim không thực hiện.
Công ty Sao Kim cho rằng việc thanh toán giữa hai công ty đang xảy ra tranh chấp nên từ chối bàn giao công tác quản lý, vận hành toà nhà.
Đáng chú ý, từ khi xảy ra tranh chấp, Công ty Sao Kim tự ý tăng mức phí quản lý dịch vụ đối với cư dân nhưng chất lượng thì ngày càng đi xuống, khiến họ rơi vào cảnh điêu đứng.
Bà Phạm Thị Vân Kiều ở tầng 7 cho biết, tòa nhà thường xuyên xảy ra sự cố hư thang máy, báo cháy, hệ thống máy lạnh không hoạt động tốt, hầm bốc mùi hôi, thùng rác không có nắp gây mất vệ sinh, thu tiền trước chi phí mà khách hàng chưa sử dụng, nếu không nộp là cắt dịch vụ.
Chẳng hạn, trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng Loan chủ sở hữu tầng 8. Trước ngày 20/2/2023, bà Hồng Loan đóng phí quản lý trực tiếp cho Công ty Sao Kim với đơn giá 1 USD/m2/tháng (tương đương 21.285 đồng/m2/tháng) – đây là mức giá quản lý trước đây chủ đầu tư ban hành. Nhưng hiện nay Công ty Sao Kim yêu cầu bà Hồng Loan phải thanh toán phí dịch vụ lên đến 6 USD/m2/tháng (tương đương 159.000 đồng/m2/tháng). Bà Loan không đồng ý nộp mức phí này thì bị Công ty Sao Kim dọa cắt điện, nước.
Tương tự, anh Nguyễn Đức Hiệp Tâm ngụ tại căn hộ 2909 cũng cho biết từ khi xảy ra việc tranh chấp trên, phía Công ty Sao Kim có sự thay đổi về cách tính phí điện, nước bất hợp lý. Anh Hiệp và những hộ dân khác không đồng tình thì bị cắt điện, nước sinh hoạt.
Các khách hàng như Circle K, GS25 là các khách hàng kinh doanh mặt hàng thực phẩm tiện lợi, thức ăn, sản phẩm đông lạnh… do đó, hậu quả từ việc cắt điện là rất lớn, nguy cơ gây hư hỏng toàn bộ hàng hóa tại các cửa hàng và dịch vụ tiện ích tại tòa nhà bị ngưng trệ. Bên cạnh đó, các khách hàng Circle K, GS25, Công ty Ursin buộc người lao động phải tạm ngừng làm việc.
Thường xuyên lâm vào tình trạng mất điện, nước. |
Quá mệt mỏi, ngày 18/12/2023, Công ty Ursin đăng ký di chuyển tài liệu ra khỏi Tòa nhà tuy nhiên nhân viên lễ tân của Công ty Sao Kim đưa ra yêu cầu Công ty Ursin liên hệ chủ đầu tư để chủ đầu tư có ý kiến và xác nhận, ký đóng dấu thì mới thực hiện việc di chuyển vật tư/tài sản ra khỏi tòa nhà.
Đại diện Công ty Ursin cho rằng yêu cầu trên là hoàn toàn vô lý, không có trong nội quy tòa nhà. Việc Công ty Sao Kim cố ý cản trở Công ty Ursin mang hồ sơ, tài liệu nội bộ ra khỏi tòa nhà là xâm phạm quyền về tài sản hợp pháp của Công ty Ursin được pháp luật bảo vệ. Sự việc này đã được Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân ghi nhận tại vi bằng số 748/2023/VB-TPL ngày 18/12/2023.
“Chúng tôi nhìn nhận việc hoạt động an toàn của tòa nhà là vô cùng quan trọng, phải đặt lên hàng đầu. Việc tranh chấp của chủ đầu tư và Công ty Sao Kim dù bất kỳ lý do gì không thể để ảnh hưởng đến quá trình hoạt động an toàn của tòa nhà, không thể để gây thiệt hại cho quyền lợi người dân. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan phản ánh, có tiếng nói kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm để trả lại quyền lợi chính đáng cho chúng tôi”, một người dân bức xúc.
Muốn chuyển đi cũng bị gây khó khăn. |
Ảnh hưởng đến môi trường đầu tư
Liên quan đến sự việc trên, ngày 7/11/2023, UBND quận 7, có văn bản số 6364/UBND-QL-ĐT, gửi Công ty VCG và Công ty Sao Kim. Tại văn bản này, UBND quận 7 cho biết, việc tranh chấp giữa Công ty VCG và Công ty Sao Kim hiện nay UBDN quận 7 nhận thấy có ảnh hưởng đến chủ sở hữu, người sử dụng, làm việc tại Tòa nhà Victory Tower cũng như môi trường đầu tư tốt của địa bàn quận 7 thời gian qua.
Đồng thời, UBND quận 7 đã có văn bản kiến nghị Tòa án nhân dân thành phố quan tâm sớm giải quyết kháng cáo Bản án số 119/2023/KDTM-ST ngày 25/9/2023 của Tòa án nhân dân quận 7 nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan.
UBND quận 7 đề nghị Công ty VCG và Công ty Sao Kim thực hiện kết luận của ông Lê Văn Thành - Phó chủ tịch UBND quận 7 tại cuộc họp ngày 20/2/2023.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND quận 7 đề nghị: Các bên phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo quyền lợi, không làm tổn thương lẫn nhau; Đối với việc tài sản nếu bị xâm hại thì cá nhân, tổ chức tố giác đến Công an quận 7 xử lý; về việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản và thực hiện hợp đồng nếu có tranh châp thì liên hệ Tòa án nhân dân đề giải quyết; Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền phán quyết, hai bên phải giữ an ninh trật tự. Nếu để xảy ra mất an ninh trật tự tại Tòa nhà Victory Tower, UBND quận 7 sẽ có chỉ đạo xử lý cá nhân, tổ chức liên quan để đảm bảo an ninh trật tự chung tại khu vực này, đảm bảo môi trường đầu tư của quận 7.
Đồng thời, UBND quận 7 cũng đề nghị Công ty VCG và Công ty Sao Kim trong thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa án phải đảm bảo an ninh trật tự tại tòa nhà và các bên cần tích cực trao đổi, thương lượng, thượng tôn pháp luật và đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu như: điện, nước,... ảnh hưởng đến vận hành tòa nhà. Nếu để xảy ra các vấn đề ảnh hưởng tính mạng con người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định.
Luật gia Bùi Anh Tuấn cho biết, theo qui định tại Điều 102, Điều 103 của Luật nhà ở 2014, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có quyền lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thông qua hội nghị nhà chung cư và Ban quản trị nhà chung cư. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng khi mà hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành toà nhà đã hết hạn nhưng đơn vị quản lý vận hành không chịu bàn giao quyền quản lý vận hành, do có tranh chấp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành đang được Toà án nhân dân TPHCM thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, thì chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cần có văn bản đề nghị Toà án nhân nhân dân TPHCM xem xét tuyên bố chấm dứt hợp đồng dịch vụ và buộc đơn vị quản lý vận hành toà nhà bàn giao lại việc quản lý vận hành cho chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư để thực hiện quyền lựa chọn và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý với đơn vị có chức năng quản lý vận hành khác đã được qui định cụ thể trong Luật nhà ở. |
Tags: