Trên ngọn núi chứa chan đầy nắng và gió, ngoài những ngôi chùa cổ kính, thì những câu chuyện huyền bí, giai thoại về ngọn núi hùng vĩ này cũng khiến người ta không khỏi tò mò, cùng khát khao mong muốn được chinh phục và khám phá.
Tin nên đọc
Băng nhóm giang hồ chuyên bóc lột nam chuyển giới bán dâm lĩnh án
Con gái ruột thuê giang hồ "xử" cha - Giải mã tâm lý tội phạm
3 lần đò và người vợ kém 17 tuổi của “trùm giang hồ” Người phán xử
Chuyện chưa kể về 2 gã giang hồ lụy tình: Sau phút tàn sát nhau mới biết trái tim không thể chiếm bằng bạo lực
Đi tìm nguồn gốc tên gọi
Núi Chứa Chan còn có tên gọi khác là “núi Gia Lào”, “núi Gia Ray” hay “đỉnh Miệng Rộng”. Ngọn núi này nằm trên địa phận xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đây là ngọn núi cao thứ nhì ở vùng đất Đông Nam Bộ, chỉ sau núi Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh.
|
Ông Nguyễn Xuân Mạnh trong cuộc trò chuyện với PV. |
Vì chỉ cách TP HCM hơn 100km, lại nằm ở vị trí thuận lợi, có cảnh quan đẹp và khí hậu dễ chịu, lại gắn liền với nhiều những câu chuyện vô cùng huyền bí, vậy nên không biết từ bao giờ ngọn núi này có một sức hút rất mãnh liệt với du khách thập phương.
Nói về ngọn núi đá này, người dân địa phương có thể ngồi cả ngày cũng không thể kể hết được những câu chuyện kỳ lạ và rất bí ẩn xoay quanh nó.
Nhắc tới tên gọi “núi Chứa Chan”, chắc hẳn ai ai cũng đều cảm thấy rất thích thú trước cái tên khá độc đáo nhưng rất gần gũi và ý nghĩa này.
Mặc dù vậy, ít ai biết được rằng, đằng sau tên gọi tưởng chừng như rất chất phác và tình cảm đó lại là cả một tấn bi kịch của một gia đình bất hạnh với tình cảm gia đình vô cùng sâu đậm làm lay động lòng người.
Lý giải về tên gọi của ngọn núi, người dân sinh sống lâu năm tại khu vực này cho biết: Tên gọi “núi Chứa Chan” đã tồn tại từ hàng trăm năm về trước, theo tương truyền, vào khoảng thế kỉ XVII - khi người Việt từ ngoài miền Bắc bắt đầu di cư vào vùng đất Nam Bộ.
Thủa ban đầu khai sơn lập địa ở vùng đất mới, nhóm người di cư đã không thể tránh khỏi được những cuộc giao tranh với các bộ tộc bản địa của vùng đất trù phú này.
Sau khi bình định được vùng đất Đồng Nai, vì có biến cố trong quan trường nên phần lớn binh lính của Chúa Nguyễn rút về đóng quân tại thành Đồ Bàn (thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay).
Vùng đất mới này khi đó được giao lại cho một vị tướng quân trẻ tuổi có tên Việt Hùng cai quản, bảo vệ cho những người dân di cư mới “chân ướt chân ráo” tới với vùng đất này.
Nhưng sau khi quan quân của chúa Nguyễn rút về miền trung không lâu, các bộ tộc thiểu số đã mang quân tấn công vào đại bản doanh của vị tướng trẻ Việt Hùng.
Dù quân dân đều đồng lòng quyết chiến nhưng trước thế địch quá mạnh, quan quân của tướng Việt Hùng chẳng mấy chốc đã phải hứng chịu thất bại nặng nề.
Tướng Việt Hùng và phu nhân đều bị bắt giữ, quân địch lúc đó dù rất muốn chém đầu ngay lập tức để trừ hậu hoạ nhưng vì vẫn còn sợ uy quyền của Chúa Nguyễn nên đã quyết định chỉ giam lỏng tướng Việt Hùng cùng gia quyến của ông tại ngọn núi đá cao nhất vùng Đồng Nai này.
Thấy phu nhân của tướng Việt Hùng sở hữu nhan sắc “chim sa, cá lặn” nên tướng quân người dân tộc đã cướp vợ của vị tướng bại trận rồi mang nàng về dâng lên vua của mình như một “chiến lợi phẩm” quý giá. Mê đắm trước sắc đẹp của vị phu nhân đang ở độ tuổi đôi mươi, vị vua ép nàng làm vợ lẽ của mình.
Dù lòng nàng vẫn một lòng một dạ yêu thương phu quân bằng tình yêu son sắt, thuỷ chung nhưng vì muốn giữ tính mạng cho chồng cùng giọt máu ở trong bụng nên vị phu nhân xinh đẹp đành cắn răng chấp nhận làm vợ lẽ.
Sau đó, bà sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Mai Khanh. Về phần tướng quân Việt Hùng, do bị giặc cướp vợ rồi giam lỏng tại ngọn núi đá nên ông đã lập một ngôi miếu để ăn chay trường chờ ngày phục hận.
Thời gian cứ thế dần trôi đi, chẳng mấy chốc Mai Khanh đã trở thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp. Khi thấy con gái đã khôn lớn, vị phu nhân năm xưa phải cắn răng lấy tướng giặc để cứu mạng chồng con đã quyết định nói ra sự thật cho con gái nghe tất cả mọi chuyện.
Biết được sự thật về người cha ruột cũng như về nguồn cội đích thực của mình, “cô công chúa Khmer” đã quyết định cùng mẹ và một người nô bộc thân tín lên đường đi tìm cha đẻ. Nhờ duyên trời định, gia đình của tướng quân Việt Hùng đã may mắn được trùng phùng cùng nhau.
Trong niềm vui sướng vô bờ bến sau khi được đoàn tụ, tướng quân Việt Hùng đã quyết định dẫn vợ con bỏ trốn khỏi nơi giam giữ của kẻ thù. Nhưng thật không may, vụ việc đã sớm bị lộ, quan quân tiến hành truy đuổi họ rất gắt gao.
Quyết không để quân giặc chia cắt gia đình thêm một lần nữa, trong lúc hoảng loạn, cả gia đình ba người của tướng quân Việt Hùng đã gieo mình tự vẫn ở ngay ngọn núi đá hùng vĩ này. Cảm động trước câu chuyện của gia đình vị tướng quân người Việt, cư dân địa phương đã đặt tên cho ngọn núi này là “núi Chứa Chan” để nói lên tình cảm lớn lao của gia đình họ.
Ngoài ra, những cư dân nơi đây đã lập ngôi miếu để thờ ba người. Hiện nay trong chùa Gia Lào có 3 pho tượng được người dân gọi là “ông vàng”, “cô bạc” và “cậu chì” để chỉ ba người này.
Bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi, người dân địa phương) cho biết: Ngoài giai thoại về tướng quân Việt Hùng và tên gọi “núi Chứa Chan”, những cư dân địa phương còn gọi ngọn núi này là “núi Gia Lào” vì nó gắn liền với tên một trong hai con suối lớn nhất trong khu vực.
Cùng với đó, cái tên “đỉnh Miệng Rộng” cũng được nhiều người biết tới vì ở trên đỉnh núi có một cái hồ rất to, chứa đầy nước ngọt, cung cấp nước cho hai con suối tại vùng đất này quanh năm.
Nơi “mai danh ẩn tích” của gã giang hồ một thời “chọc trời, khuấy nước”
Ngoài giai thoại về gia đình tướng quân Việt Hùng cùng lời lý giải về tên gọi “Chứa Chan” của ngọn núi này, thì một câu chuyện mà bất kỳ người nào đặt chân đến núi Chứa Chan cũng không thể bỏ qua, đó là câu chuyện về gã giang hồ từng có thời ”chọc trời, khuấy nước”.
Người được nhắc tới đó chính là gã giang hồ Tư Thuận (tức “Tư Búa”) – “đàn anh” và cũng là “sư phụ” của tướng cướp nổi danh đất Sài Gòn suốt hang chục năm trời: Điền Khắc Kim. Theo tìm hiểu của PV, Điền Khắc Kim là tướng cướp rất “khét tiếng”, tên này đã từng chiếm lĩnh cả lãnh địa quận Bình Thạnh, TP.HCM ở những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.
Nhắc tới câu chuyện gã giang hồ Tư Thuận quy ẩn tại núi Chứa Chan, chú Đinh Thanh Hải (56 tuổi, người dân địa phương) cho biết: Vào thời gian đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi chán cảnh giang hồ, Tư Thuận đã tìm về núi Chứa Chan để quy ẩn, bỏ lại sau lưng “giang sơn” mà gã đã từng dành hơn phần nửa cuộc đời đổ máu, giành giật trước đó.
“Phủi tay” trước tất cả, Tư Thuận cùng vợ tìm về núi Chứa Chan, dựng một túp lều nhỏ tại chân núi để làm nơi sinh sống và làm nghề bốc vác, tiều phu tại ngọn núi hùng vĩ này. Trong ký ức của những người dân sống tại ấp Trung Sơn, gã giang hồ từng “chọc trời, khuấy nước”, “hùng cứ” một phương Tư Thuận là một gã đàn ông trung niên hiền lành, luôn tránh né mọi va chạm ở cuộc đời.
Gã lầm lũi ngày ngày lên núi nhặt củi về bán hoặc bốc vác thuê hàng hóa cho dân tiểu thương trên núi. Nghe kể, ngày đó có một lần Tư Thuận đang trên đường gùi củi từ trên núi cao về nhà thì vô tình va vào người một gã côn đồ ở TP HCM lúc gã này đang đưa bạn gái lên núi chơi.
Sau cú va người “nhẹ hều” đó, dù rằng Tư Thuận đang phải gánh một bó củi rất nặng trên lưng nhưng vì để tránh phiền hà cho bản thân, đại ca giang hồ một thời vẫn cúi rạp mình xuống để xin lỗi gã “du côn”.
Thế nhưng “ngựa non háu đá”, vì muốn thể hiện “bản lĩnh” trước người đẹp mà gã du côn trẻ tuổi với vẻ mặt hung hăng vẫn lớn giọng nạt nộ Tư Thuận: "Mày biết tao là ai không?".
Dù bị gã du côn “nhãi ranh” quát tháo, nạt nộ như vậy nhưng Tư Thuận vẫn chỉ cúi rạp người lần nữa, tiếp tục xin lỗi rồi lủi thủi bỏ đi cho xong chuyện. Thời gian trôi qua, chân tướng về gã giang hồ Tư Thuận dần được hé lộ.
Biết được tiểu sử của Tư Thuận những cư dân địa phương, càng tỏ ra nể phục gã đàn ông trung niên này hơn. Ông Hải cũng chia sẻ: “Khi được biết về tiểu sử của anh Tư Thuận mọi người đều cảm thấy ngỡ ngàng.
Nhìn ông ấy hiền lành, chịu khó thế ai cũng tưởng ông ấy cũng giống như bao người nông dân chân chất khác vì khó khăn mà phải tìm tới vùng đất chân núi Chứa Chan này để lập nghiệp. Không thể ngờ được anh ấy trước đây lại là một đại ca giang hồ, bỏ cả “giang sơn” về đây quy ẩn”.
Trao đổi với PV ông Nguyễn Xuân Mạnh – Trưởng ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết: Tại địa phương có rất nhiều điển tích liên quan tới các tên gọi của ngọn núi hùng vĩ nhưng tên gọi thường được mọi người nhắc tới nhiều nhất vẫn là tên gọi núi Chứa Chan.
“Câu chuyện ông Tư Thuận về định cư ở địa phương là có thật. Từ khi về địa phương tới lúc qua đời ông Tư Thuận rất hiền lành, làm ăn tử tế. Hiện căn nhà của ông ấy vẫn còn và do người thân của ông ấy quản lý”, ông Mạnh thông tin thêm.