Một người đã nộp phạt, còn cô giáo tổ trưởng tổ văn trường THPT Long Xuyên thì chưa vì… hoàn cảnh.
Ngay lập tức, không chỉ mạng xã hội Facebook mà cả báo giới cũng đều xôn xao mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến quyết định phạt của Sở TTTT An Giang.
Rằng, phải làm cho rõ thế nào là chê, thế nào là nói xấu, xúc phạm danh dự… như Sở TTTT tỉnh An Giang đã áp dụng, theo điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, Công nghệ thông tin về tần số vô tuyến điện.
Khi dư luận tìm ra “điểm g khoản 3” chẳng có mức phạt nào là 5 triệu đồng, thì ông Trần Thanh Tâm - Phó Giám đốc Sở TTTT An Giang cho rằng mức phạt như thế là còn nhẹ, mức đầu khung, mang tính giáo dục là chủ yếu.
Hóa ra Sở TTTT đã tự cho mình quyền đưa ra mức phạt, nghĩa là “luật” của tỉnh.
Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Chưa hết, ông Tâm nói rằng lời bình “Chủ tịch xa dân nhất…” là xúc phạm nặng vì Chủ tịch là đảng cử, dân bầu.
Ông Tâm này nói thật lạ. Chủ tịch Tỉnh là do Hội đồng nhân dân bầu chứ sao lại nói là đảng cử? Dân nào được bầu Chủ tịch tỉnh?
Nói cho đúng là dân chỉ bầu Chủ tịch tỉnh gián tiếp thôi, bởi dân bầu đại biểu HĐND, rồi đại biểu HĐND mới là người bỏ phiếu bầu chức danh Chủ tịch tỉnh.
Trong khi tỉnh An Giang vẫn cho rằng phạt như thế là còn nhẹ, xử không sai, thì dư luận cũng như báo giới thì cho rằng là nặng, là chưa đúng.
Trên Facebook bày tỏ đủ trạng thái về thế nào là nói xấu, thế nào là xúc phạm. Ví dụ, tôi viết, ông lãnh đạo A mặt béo nung núc, nhìn thấy phúc hậu; nhà ông lãnh đạo B to, đẹp như cung điện, giàu nứt đố đổ vách… vậy là chê, khen hay xúc phạm?!
Không có lửa, làm sao có khói. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến chuyện “chê” Chủ tịch tỉnh xuất phát từ nhà ông này mà ra. Gia đình hàng xóm bị nứt tường, bị thấm do nhà ông Chủ tịch xây dựng gây ra, túi rác thì vứt bừa bãi, ảnh hưởng đến nhà hàng xóm - nạn nhân bị phạt tiền vì chê Chủ tịch - góp ý mãi rồi đâu vẫn hoàn đấy. Mâu thuẫn hai gia đình phát sinh bởi lời nói “Gia đình lãnh đạo phải làm gương”
Và để rồi, nhân một bài báo viết “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang”, sẵn bực tức về “gia đình Chủ tịch tỉnh”, mấy cán bộ đã viết lời bình trên Facebook.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang cũng nói rằng, status của cô giáo Trang có nội dung quan “Mặt kênh kiệu, xa rời dân”, mang tính đánh giá chủ quan hơn là xúc phạm.
Và nếu đâu đâu cũng cứ phạt theo kiểu như ở An Giang thì dư luận đang đồn rằng các lãnh đạo sẽ toàn được nghe những lời khen mỹ miều, bóng bẩy, vì dân… sợ phạt lắm rồi.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã từng tiết lộ với báo giới “tôi bị chửi suốt”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Nguyễn Thị Kim Tiến cũng rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng các bộ trưởng có đòi phạt ai đâu.
Có bộ trưởng chia sẻ rằng, dân bức xúc quá, mình làm chưa tốt thì dân nói, dân góp ý, vấn đề là mình lắng nghe để thấy mình chưa làm tốt ở đâu. Sợ lời của dân thì sẽ xa dân.
Câu nói của học giả Tuân Tử (313-235 trước Công nguyên): Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải bạn ta. Người vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.
Cổ nhân có câu: Trung ngôn nghịch nhĩ. Nghĩa là lời nói ngay thẳng khó lọt tai.
Người đời lạ thay lại thích nghe những lời ngon ngọt, vuốt ve, xu nịnh.
Tags: