Hạ tầng giao thông kết nối đến sân bay Long Thành sẽ rất hiện đại và chủ yếu là đường bộ và đường sắt.
Ưu tiên nâng cấp mở rộng đường bộ
Theo kế hoạch, năm 2026 sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đi vào khai thác do đó hiện nay việc nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối đến và đi từ siêu sân bay này đang được quan tâm triển khai gấp rút. Trong quy hoạch sẽ có mạng lưới đường bộ phục vụ kết nối Sân bay Long Thành cùng với các tuyến đường cao tốc, vành đai, đường sắt tốc độ cao…
|
Hiện trạng sân bay Long Thành đang tăng tốc thi công. |
Hiện nay một số tuyến như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Còn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang được nghiên cứu mở rộng lên 8 - 10 làn xe. Tại các buổi làm việc lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết khi khai thác giai đoạn 1, khoảng 80% lượng hành khách đến Sân bay Long Thành có nhu cầu di chuyển về TP HCM và ngược lại. Do đó, việc mở rộng tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cấp thiết vì đây là một trong những trục chính kết nối sân bay với TP HCM.
Theo phương án được đề xuất, dự án Mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ thực hiện mở rộng đoạn TP HCM - Long Thành với chiều dài gần 22km. Điểm đầu tại Km4+000 (nút giao vành đai 2) thuộc TP Thủ Đức, TP HCM; điểm cuối tại Km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trong đoạn tuyến được đề xuất mở rộng, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (Km4+00 đến Km8+770) được đầu tư 8 làn xe theo quy hoạch. Đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 đến Km25+920) đầu tư 10 làn xe theo quy hoạch. Đối với cầu Long Thành sẽ đầu tư xây dựng 1 đơn nguyên cầu mới quy mô tương tự cầu hiện tại, tổ chức giao thông khai thác với quy mô 10 làn xe.
|
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đang thi công nhanh để kịp phục vụ sân bay. |
Đối với các dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 - TP HCM, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Về nội dung này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, với dự án Mở rộng đoạn đường cao tốc TP HCM - Long Thành, Bộ Giao thông vận tải sẽ đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để khởi công trong nửa đầu năm 2025.
Gần đó, dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hiện nay, dự án này đang bước vào thi công những hạng mục cuối. Dự kiến đoạn từ nút giao đường vào cảng Phước An ra đến QL51 sẽ được khai thác trước để giảm áp lực cho QL51, san sẻ lượng xe lưu thông theo hướng TP HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.
Mới đây, trong công thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra, đôn đốc, xử lý ngay các vướng mắc để triển khai các tuyến giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với 2 dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, các đơn vị liên quan phải tập trung tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành cùng tiến độ Sân bay Long Thành trước ngày 31/12/2025.
Quan tâm phát triển đường sắt đô thị, tốc độ cao
Bên cạnh hệ thống đường bộ, để phục vụ kết nối Sân bay Long Thành còn có thêm các tuyến đường sắt được quy hoạch xây dựng. Với các dự án đường sắt phục vụ kết nối Sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I- 2025 để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025 đối với các dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
|
Kỳ vọng về đường sắt mang lại giá trị kết nối cao đến sân bay Long Thành. Ảnh: Chat GPT |
Hiện nay, trong các tuyến đường sắt nói trên, Dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã được liên danh đơn vị tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI); Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo đó, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài gần 42km, bắt đầu từ Ga Thủ Thiêm, đi song song về bên phải đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau khi giao cắt với đường vành đai 3 - TP HCM, tuyến rẽ phải đi song song về bên trái tuyến đường này và tiếp tục vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách tim cầu Nhơn Trạch khoảng 62,5m về phía thượng lưu.
Sau khi vượt sông Đồng Nai, tuyến vẫn bám sát đường vành đai 3 - TP HCM và đi vào giải phân cách bên trái của tuyến đường này theo quy hoạch của huyện Nhơn Trạch. Đến khu vực giao cắt với đường tỉnh 25B, hướng tuyến rẽ trái và đi vào giải phân cách giữa của đường tỉnh 25B. Đến địa phận xã Long An, huyện Long Thành, hướng tuyến rẽ phải, sau khi giao cắt với quốc lộ 51 tuyến sẽ đi ngầm cùng hàng lang của tuyến đường sắt tốc độ cao vào bên trong sân bay Long Thành là điểm cuối của dự án.
Ngoài ra dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đang được Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh dự kiến dài khoảng 87km, bao gồm cả đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng.
Theo tính toán, dự báo năng lực vận chuyển đoạn đường sắt Biên Hòa - Thị Vải nhu cầu đến năm 2050 khoảng 22,6 triệu tấn hàng hóa/năm và 9 triệu lượt hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 75 đôi tàu/ngày đêm nhưng được quy hoạch tuyến đường đôi với năng lực vận chuyển lên đến khoảng 120 đôi tàu/ngày đêm. Đoạn Thị Vải - Vũng Tàu nhu cầu đến năm 2050 khoảng 0,68 triệu tấn hàng hóa và 7,2 triệu lượt hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 12 đôi tàu/ngày đêm, nhưng được quy hoạch tuyến đường đơn với năng lực vận chuyển lên đến 35 đôi tàu/ngày đêm.
Vào tháng 7/2021, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu với sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA). Hướng tuyến dự kiến sẽ từ ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chạy song song với Quốc lộ 51 qua tỉnh Đồng Nai đến cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên tuyến có 5 ga tuyến chính, 3 ga trong cảng, 1 ga trong trung tâm logistics và 3 depot (ga hậu cần kỹ thuật).
Dự án này sẽ được xem như phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng, miền đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Khi tuyến đường sắt này hoàn thiện, kết hợp sân bay quốc tế Long Thành, sẽ mang lại nhiều ưu thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai tỉnh Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, giảm tải cho Quốc lộ 51. Tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (hiện mới đạt khoảng 50% công suất), góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng Đông Nam Bộ, đưa khu vực này trở thành vùng kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và là động lực tăng trưởng lớn nhất của cả nước.