Cú hích cho nền kinh tế đất nước
Cuối tháng 9/2021 vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư.
Theo tờ trình, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 gồm 12 dự án thành phần, tổng chiều dài khoảng 729km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km).
Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), trên tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện có một số đoạn tuyến đã hoàn thành và nhiều phân đoạn đang triển khai xây dựng. Do vậy, việc đầu tư các dự án thành phần còn lại để nối thông toàn tuyến là rất cấp thiết.
“Cao tốc Bắc - Nam khi được nối thông toàn tuyến sẽ là mạch máu dọc theo chiều dài đất nước, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, giao thương, tạo cú hích rất lớn để phát triển KT-XH các vùng miền và đất nước”, ông Hận chia sẻ.
Khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ khi đưa phân đoạn Cần Thơ - Cà Mau vào dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, ông Hận cho rằng, việc này là rất cấp thiết bởi tỷ lệ đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện quá thấp so với các khu vực khác.
“Vùng này là vựa lúa, trái cây và thủy hải sản của cả nước nhưng hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường cao tốc rất hạn chế, cản trở lớn lưu thông hàng hóa, phát triển KT-XH. Địa hình xa xôi cách trở, chỉ khi đường cao tốc được đầu tư xây dựng mới giúp Cà Mau vươn lên bằng các tỉnh, thành khác trong cả nước”, ông Hận nói.
Đại diện cho cơ quan dân cử của một địa phương khác nằm trong phạm vi đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nói với Báo Giao thông: “Theo phương án tôi được biết, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chỉ đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu khoảng 5km. Tuy nhiên, để đánh giá về tác động của tuyến cao tốc quan trọng này đến phát triển KT-XH cần phải có cái nhìn tổng thể về liên kết vùng, vượt ra khỏi địa giới hành chính của mỗi tỉnh. Với góc nhìn ấy, người dân Bạc Liêu được hưởng lợi nhiều từ tuyến cao tốc này”.
Ông Thái phân tích, vùng kinh tế phía Nam QL1A là vùng nước mặn, hiện đang phát triển kinh tế biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng sạch, tái tạo.
Trong khi đó, vùng kinh tế phía Bắc QL1A là vùng nước ngọt, được quy hoạch và đang phát triển trồng lúa, lúa tôm kết hợp. Khi tuyến cao tốc “xương sống” này hình thành, việc lưu thông hàng hóa từ Bạc Liêu đi Cần Thơ và TP.HCM sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Đồng thời, tuyến cao tốc này còn kết nối liên kết vùng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động sâu sắc đến bộ mặt nông thôn, vùng sâu vùng xa của các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau.
“Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu vừa có nghị quyết về việc xây dựng TX Giá Rai trở thành thành phố vào năm 2025. Khi có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, chắc chắn TX Giá Rai sẽ được hưởng lợi rất lớn”, ông Thái nói và cho biết, ngoài dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, người dân Bạc Liêu đang mong chờ Chính phủ đầu tư đồng bộ tuyến cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Hậu Giang - Bạc Liêu để phát huy tối đa lợi thế toàn vùng.
Đầu tư toàn bộ bằng hình thức PPP
Về phương án đầu tư, trong tờ trình Chính phủ đề xuất lựa chọn đầu tư xây dựng 9/12 dự án thành phần dài 552km gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Đối với 3 dự án thành phần còn lại dài 177km (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ) sẽ chỉ tiến hành triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, còn lại cấu phần xây dựng sẽ triển khai đầu tư khi cân đối được nguồn vốn Nhà nước, trường hợp khó khăn sẽ chuyển tiếp đầu tư giai đoạn 2026 - 2030.
Cũng theo tờ trình, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được đề xuất đầu tư toàn bộ bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 124.619 tỷ đồng, phần vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 61.628 tỷ đồng.
Trong đó, tổng mức đầu tư của 9 dự án được đề xuất lựa chọn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 120.035 tỷ đồng và 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 4.584 tỷ đồng.
Đây là điều khác biệt so với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 khi có tới 8 dự án thành phần thực hiện bằng hình thức đầu tư công, chỉ có 3 dự án thực hiện bằng hình thức PPP.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017 về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông dài 654km được chia thành 11 dự án thành phần đi qua địa phận 13 tỉnh, thành: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Hiện nay, 11 dự án thành này đang được tổ chức xây dựng.
Được biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau theo quy hoạch dài khoảng 2.063km. Trên tuyến hiện đã đưa vào khai thác khoảng 478km, đang đầu tư 829km. Để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng729km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km).
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết, việc đề xuất đầu tư toàn bộ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 -2025 theo hình thức PPP nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
“Hơn nữa, khi đầu tư bằng hình thức PPP sẽ tận dụng và phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp trong nước về công nghệ, kinh nghiệm quản lý để các doanh nghiệp ngày càng trưởng thành từ đó nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, đẩy mạnh đầu tư PPP còn giúp giải quyết nguồn công ăn việc làm, tạo ra môi trường ngày càng minh bạch giữa khu vực công và khu vực tư”, ông Huy nói.
Đại diện đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA2 (Bộ GTVT) cho biết, trường hợp được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới đây, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ bắt đầu triển khai công tác thực hiện đầu tư từ năm 2022.
“Dự kiến quý III/2022 sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để tổ chức thi công từ quý I/2023”, ông Thắng nói và cho biết, nếu triển khai thành công bằng hình thức PPP, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2025.
Kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 19 nghìn tỷ đồng
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe, riêng đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt. Kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.097 tỷ đồng.
(Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/cap-thiet-noi-thong-toan-tuyen-cao-toc-bac-nam-d528975.html)