Là tỉnh có 5 tuyến cao tốc và vành đai 3 đi qua, Đồng Nai đang bị áp lực rất lớn trong việc cung cấp vật liệu thi công các dự án lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở dự án Dầu Giây – Phan Thiết đối với môi trường khiến người dân hết sức lo lắng.
“Ngốn” hàng triệu tấn vật liệu
Ngoài dự án sân bay Long Thành đang “ngốn” rất nhiều đất đai, đất mặt, đất khoáng sản để phục vụ san lấp, các dự án cao tốc phía đông như: Mỹ Phước – Tân Vạn, Long Thành – Dầu Giây, Dầu Giây – Phan Thiết, đường Vành đai 3 và nhiều dự án lớn nhỏ trên địa bàn. Đồng Nai như một đại công trường, suốt nhiều năm qua phải “căng mình” luôn trong tình trạng hết công suất để cung ứng các mỏ vật liệu khai thác, vật tư xây dựng.
Một lãnh đạo Sở TNMT cho biết, nhiều năm qua, chúng tôi phải "vắt chân lên cổ" chạy cho kịp tiến độ công việc. Bởi nhu cầu đá, đất, phục vụ các công trình, phải nâng công suất khai thác, nâng công suất các mỏ, phê duyệt đánh giá tác động môi trường để cấp phép mỏ mới. Cùng với đó là việc thu hồi đất, để làm hơn 10 dự án tái định cư cho các công trình, thẩm định, lập dự án, di dời các công trình vướng trong dự án.
Rồi giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, di dời hạ tầng kỹ thuật… đó là chưa kể các ngành khác phải tập trung giải quyết sinh kế cho hàng ngàn người dân trong vùng dự án đi qua. Với “núi” việc khổng lồ, chúng tôi gần như không có ngày nghỉ đúng nghĩa.
Liên tiếp sai phạm
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, nối 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Sau khi đưa vào khai thác, dự án đã đóng góp rất lớn cho hạ tầng giao thông khu vực phía Nam. Giúp giảm tải cho Quốc lộ 1A, giảm thời gian lưu thông từ TP HCM đi Phan Thiết xuống còn một nửa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế liên vùng.
Tuy nhiên, sau thông xe, hàng loạt hệ luỵ, bê bối của chủ đầu tư đã bị các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện. Đặc biệt là những bê bối trong khai thác đất đai, phục vụ dự án. Đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh, dự án này cần sử dụng khoảng 2,9 triệu m2 đất phục vụ đắp nền đường (chưa tính khối lượng đất tận dụng, điều phối trong tuyến). Tuy nhiên thực tế đã bị khai thác vượt mức, để lại hậu quả lớn.
Theo ghi nhận, đáng chú ý là địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có ít nhất 2 vị trí khai thác đất, đá để làm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã bị khai thác quá mức, khai thác vượt quy định cho phép. Từ đó, các hầm đất bị xới tung, khai thác lộ thiên, đào sâu hoắm. Các khu vực cạnh đó cũng vẫn còn dấu tích của các loại phương tiện cơ giới hạng nặng đục khoét nham nhở. Việc khai thác khối lượng quá lớn đã tạo thành những vách đất cao hàng chục mét, có nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm.
Cách đó không xa là khu đất thuộc xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc. Đất đã bị đào bới, lấy đi một lượng quá lớn, khiến cho toàn bộ khu vực tạo thành những hố sâu và vách taluy thẳng đứng, cực kỳ nguy hiểm. Các khu đất này đều do liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH Xây dựng Trung Chính (Liên danh Vinaconex - Trung Chính) thực hiện.
Theo kiểm tra mới đây của Phòng TN&MT huyện Xuân Lộc, qua kiểm tra 2 vị trí thực hiện các dự án tại xã Xuân Hưng, các chủ đầu tư đã không làm đúng như phương án được phê duyệt. Theo phương án được cấp phép là chủ đầu tư phải gom lớp đất mặt sang một bên để sau khi khai thác đất thì san gạt lớp đất mặt này để hoàn thổ. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì địa phương không thấy vị trí thu gom lớp đất mặt này ở đâu. Các chủ đầu tư cũng không cung cấp được nguồn đất ở đâu để thực hiện hoàn thổ.
Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, các nhà thầu đã để xảy ra sai phạm khi thực hiện dự án cải tạo đất kết hợp thu hồi đất tại xã Xuân Hưng và xã Suối Cát như thực hiện ra ngoài dự án, thi công vượt cost, tạo vách đứng không đúng phương án được chấp thuận… là nghiêm trọng.
Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang gấp rút điều tra, để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoảng sản (khai thác khoáng sản trái phép) trên diện tích khoảng 0,4ha tại vị trí thực hiện dự án ở xã Xuân Hưng.
Đồng thời yêu cầu liên danh Vinaconex - Trung Chính thuê đơn vị chức năng đo vẽ sau kết thúc thu hồi, xác định khối lượng thu hồi theo thực tế, xác định nghĩa vụ tài chính đã thực hiện và thực hiện bổ sung lớp đất màu, hoàn thổ cải tạo đất tăng độ phì, trồng cây xanh theo phương án được UBND tỉnh chấp thuận.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.
Tags: