Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện tình yêu đẹp là nhiều người phải nhận kết cục buồn trong hôn nhân. Để tránh những điều đáng tiếc, việc trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản sẽ giúp cuộc tình đẹp hơn.
Trang bị những kiến thức cần thiết
Suy cho cùng, hôn nhân với người nước ngoài cũng có cần có một quá trình. Để hiện thực hóa ước mơ về cuộc sống hạnh phúc trước và sau hôn nhân là mục đích của mỗi người.
Trước khi kết hôn, cần hiểu rõ về văn hóa, phong tục tập quán của nhau. Đây là việc rất cần thiết giúp tránh những bất đồng và mâu thuẫn trong tương lai.
Mỗi nước có phong tục tập quán khác nhau, hôn nhân cũng có một vài điều khác biệt so với Việt Nam. Vì vậy, cần trang bị kiến thức cơ bản, trên cơ sở đó xây dựng một tình yêu vẹn toàn.
Cần tìm hiểu kỹ về gia đình và người bạn đời, nên dành thời gian để gặp gỡ gia đình và bạn bè của người bạn đời để hiểu rõ hơn về họ.
Thẳng thắn chia sẻ về mong muốn và dự định tương lai, trao đổi về những vấn đề quan trọng như nơi sinh sống, con cái, tài chính,… để đảm bảo cả hai cùng chung mục tiêu. Không nên vì “cái tôi quá lớn” mà thích khẳng định bản thân không đúng chừng mực.
Một việc rất quan trọng là vấn đề ngôn ngữ. Biết được ngôn ngữ của đối phương sẽ giúp ích rất nhiều trong tìm hiểu tình cảm cũng như hướng đến hôn nhân.
Thử hình dung trong những câu chuyện trao đổi ta và đối phương rơi vào tình trang như “vịt nghe sấm” thì thật tẻ nhạt.
Tình cảm đâu chỉ thể hiện qua cái nhìn. Đầu tiên là phải hiểu được đối phương muốn nói gì, cần gì thì mới biết được mà ứng đối.
Hôn nhân sẽ không thể đi đến hạnh phúc khi chỉ một bên hiểu. Có kiến thức ngôn ngữ cũng giúp chúng ta hiểu và chia sẻ những những việc đối phương cần.
Sau khi tiến đến hôn nhân, việc yêu thương và tôn trọng nhau là nền tảng vững chắc cho hạnh phúc. Đây là điều cốt yếu của mọi mối quan hệ bền vững.
![]() |
Cần trang bị những kiến thức cơ bản khi kết hôn với người nước ngoài. (Ảnh: Minh họa)
|
Việc giao tiếp cởi mở và trung thực, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của bản thân với nhau là sơi dây kết nối hạnh phúc. Từ đó hiểu được mong muốn của người bạn đời.
Khi có những bất đồng, hãy cùng nhau giải quyết vấn đề. Khi có mâu thuẫn, hãy cùng nhau thảo luận và tìm ra giải pháp phù hợp cho cả hai.
Không nên vì sự bồng bột mà có những phản ứng thái quá dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Duy trì sự kết nối, dành thời gian cho nhau, cùng nhau tham gia các hoạt động chung và vun đắp tình cảm sẽ giúp cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Nhiều phụ nữ Việt Nam trẻ hiện đang yêu hoặc lấy chồng ngoại quốc. Có trình độ học vấn, suy nghĩ cởi mở và hiện đại đã khiến những con người ở mọi quốc gia trên thế giới có thể về chung sống trong một nhà.
Trân trọng, biết sẻ chia những vất vả, niềm vui và nỗi buồn chính là sự khác biệt của những cặp đôi này. Họ không hoa mỹ trong ứng xử mà chân thành, bình đẳng trong hôn nhân, chú ý đến những việc làm dù nhỏ nhất miễn sao mang lại hạnh phúc cho một nửa của mình.
Hạnh phúc đối với họ là sự vun đắp, xây dựng đến từ hai phía. Đối với những con người này, điều quan trọng là hạnh phúc phải luôn được duy trì và gìn giữ.
Nhưng cũng không ít người đã tan vỡ hạnh phúc khi vội vàng tiến tới hôn nhân với người nước ngoài. Có thể đó là do tình cảm nhất thời, muốn trải qua cảm giác mới lạ, muốn khẳng định bản thân một cách mù quáng.
Cũng có thể họ chưa trang bị cho bản thân những kiến thức, hiểu biết, ngôn ngữ, cách hành xử, lối sống. Đó là những nhân tố cơ bản để hôn nhân đi đến hạnh phúc. Thiếu những thứ đó, cuộc sống hôn nhân đỏ vỡ cũng là chuyện không có gì mới mẻ.
Hệ lụy khi hôn nhân không dựa trên nền tảng tình yêu
Kết hôn với người nước ngoài, đặc biệt là phụ nữ, chỉ vì lý do kinh tế hay trào lưu đã bộc lộ mặt trái vấn đề - làm biến đổi chuẩn mực xã hội, thay đổi quan niệm về giá trị hôn nhân trong một bộ phận người dân. Không ít cô gái cho rằng, đây là hướng "thoát nghèo", hoặc do duyên số, cho nên phó mặc cho số phận.
Kết hôn không trên nền tảng tình yêu, sự tự nguyện, lại quá chóng vánh, đơn giản tiềm ẩn nhiều nguy cơ tan vỡ.
Phần lớn thời gian tìm hiểu nhau ngắn, rất hiếm quen biết trực tiếp nên hiểu biết về nhau vô cùng hạn chế. Thậm chí, có trường hợp, hai bên không một lần gặp gỡ, thông tin chỉ qua "cò" môi giới, qua ảnh nên thông tin sai sự thật. Họ kết hôn bất chấp rủi ro.
Không có thời gian tìm hiểu về chồng và gia đình chồng, nhiều cô dâu Việt lại chưa được tư vấn đầy đủ để hiểu biết tối thiểu về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục nước sở tại, tất yếu gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với nhà chồng cũng như hòa nhập cộng đồng.
Thực tế, để thích nghi, người vợ phải học ngôn ngữ, phong tục xứ người, tập quen với văn hóa ẩm thực, cách thức sinh hoạt của nhà chồng, trong khi đó rất ít người chồng để tâm tìm hiểu ngược trở lại ngôn ngữ, văn hóa, hay chí ít là tâm tư người vợ.
Con cái sinh ra chỉ được nuôi dưỡng, giáo dục theo văn hóa, ngôn ngữ của người cha mà không biết đến nguồn cội của người mẹ. Đó là chưa kể đến tâm lý người chồng cho rằng vợ mình kết hôn chỉ vì tiền nên luôn coi thường, quản thúc vợ như cầm tù...
Bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, học vấn thấp, không nghề, sống phụ thuộc, quan điểm sống "lệch pha", cuộc sống vợ chồng khó hòa hợp dễ phát sinh mâu thuẫn không đáng có.
Không ít cô gái còn "vỡ mộng" khi lấy chồng ốm yếu, khuyết tật, nhiều tuổi, đã ly hôn... Phần lớn cô dâu Việt đành chấp nhận ở nhà nuôi con, trông nhà, cắn răng chịu đựng thiệt thòi khi xảy ra biến cố.
Cám cảnh hơn, nhiều trường hợp đắm chìm trong bất hạnh như bị hắt hủi, ức hiếp, ngược đãi, đánh đập tàn tạ, nhục hình cho đến chết hoặc quẫn trí tự tử.
Số khác may mắn hơn phải ôm con chạy trốn hoặc trả con cho nhà chồng, trở về quê nhà với hai bàn tay trắng. Và cũng từ những cuộc hôn nhân không "thuận buồm xuôi gió" ấy, nhiều ông bố, bà mẹ dằn vặt, đau xót vì vĩnh viễn mất con; xã hội bất ổn bởi phải giải quyết, trợ giúp nạn nhân là cô dâu Việt.