“Vụ học sinh bị nhiễm sán lợn là rất nghiêm trọng, vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan y tế tỉnh Bắc Ninh” - LS Võ Đình Đức chia sẻ.
Nếu như ấu trùng sán đi vào cuống tim, não, mắt trẻ em…?
Đó là khẳng định của Thạc sĩ, Luật sư Võ Đình Đức khi trả lời phỏng vấn Phapluatplus.vn về sự việc hơn 200 trẻ nhiễm sán lợn ở trường mầm non Thanh Khương, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Xét về mức độ nghiêm trọng cũng như góc độ pháp lý, LS Võ Đình Đức bày tỏ: “Theo số liệu của Cơ quan điều tra hiện có 209 cháu bị nhiễm sán lợn, có thể con số các cháu bị nhiễm chưa dừng lại ở đây, vì các cơ quan y tế đang tiến hành các xét nghiệm hàng loạt tại các trường mầm non có sử dụng thực phẩm do Công ty TNHH "H-T” cung cấp. Về mức độ nguy hiểm thì sự việc trên đã vượt quá tầm kiểm soát của Cơ quan y tế tỉnh Bắc Ninh.
Theo tôi được biết, những người bị nhiễm sán lợn thì không chỉ Việt Nam mà trên thế gới chưa thể sử lý triệt để được. Điều đó cho thấy, hậu quả để lại rất nghiêm trọng, nếu như ấu trùng sán đi vào cuống tim, vào não, vào mắt của các trẻ sẽ như thế nào?".
"Về góc độ pháp lý chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm Công ty cung cấp thực phẩm này. Thứ hai là lấy mẫu để làm xét nghiệm, để làm rõ nguồn nhiễm bệnh từ nguồn thực phẩm nào; từ thịt, cá hay từ rau. Và những thực phẩm này có nguồn gốc rõ ràng hay không.
Cần làm rõ vai trò trách nhiệm của Cơ quan giáo dục tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo trường mầm non và mối quan hệ giữa Công ty cung cấp thực phẩm bẩn này. Nếu có căn cứ cấu thành về hành vi vi phạm về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 – Bộ luật hình sự 2015, thì cần khởi tố ngay các đối tượng có liên quan để kịp thời ngăn chặn…". LS Đức phân tích.
|
Hình ảnh người dân ở Bắc Ninh xếp hàng từ 3h sáng tại Viện Sốt rét trung ương để xét nghiệm sán. |
Trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Quản Hoàng Lâm về sự việc này, ông Lâm cho biết: "Việc nhiễm giun sán nói chung, đối với trẻ em hay gặp theo đường chân tay miệng. Trường hợp các cháu nhiễm sán ở trường mầm non như báo đài đưa tin, tùy theo loại giun, sán, có những loại nó cư trú tại đường tiêu hóa hoặc đi vào trong máu, di cư sang các tạng, sẽ gây ra các tổn thương khác nhau.
Nếu chúng nằm ở đường tiêu hóa sẽ gây cho trẻ suy dinh dưỡng. Đồng thời phân thải của các cháu bé này là nguồn lây cho các cháu khác và cộng đồng, đây là điều đáng lo ngại nhất. Vì rất có thể ấu trùng sán đi vào não, mắt của những người bị lây nhiễm từ trứng, ấu trùng sán. Tuy nhiên, trường hợp này có xảy ra nhưng không nhiều".
Đồng tình với quan điểm của Giáo sư Quản Hoàng Lâm, Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Quỳnh Giao cho biết: "Người bị nhiễm sán ngoài việc ảnh hưởng tới sức khỏe, việc chữa trị khó có thể triệt để. Tôi quan ngại rằng, nếu như ấu trùng sán lợn xâm nhập vào các cơ quan nội tạng khác của cơ thể thì thật khó lường hậu họa. Đây là tội ác, không đơn thuần là hành vi vi phạm".
Theo đó, vụ việc được phát hiện ngày 14/2, bộ phận cô nuôi ở Trường mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh) nhận thực phẩm chế biến cho học sinh bán trú, nhưng cả hiệu trưởng, giáo viên và cô nuôi không phát hiện thịt lợn bất thường. Đến khi chế biến thức ăn cho giáo viên, cô nuôi thấy có nhiều hạch trắng trong thịt lợn. Các cô đã chụp ảnh, quay video gửi Công ty TNHH Tài chính “H-T”; doanh nghiệp cung cấp thực phẩm - đề nghị kiểm tra.
Ngày 20/2 trước khi sơ chế thịt lợn, bộ phận cô nuôi tiếp tục phát hiện thịt nổi hạch trắng. "Việc này có thể khiến giáo viên lo lắng và kể ra bên ngoài. Vì cùng xã, chúng tôi nhanh chóng biết. Một số phụ huynh chia sẻ video, hình ảnh có được lên mạng xã hội", một phụ huynh kể lại.
Video dài 43 giây đăng trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh một người dùng tay tách hạch trắng từ miếng thịt luộc chín. Những hạch nhỏ như hạt gạo được bóp nát. Một số hình ảnh chụp tại bếp ăn cho thấy miếng thịt sống đầy hạch đang đặt trên thớt, chuẩn bị thái, cùng với đĩa thịt luộc nổi những hạt như gạo.
Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015: Tội Vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm; c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm; d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Người phạm tội có tình tiết tăng nặng định khung thuộc khoản 2 điều luật này thì mức hình phạt từ ba năm đến 7 năm; thuộc khoản 3 mức phạt từ 7 năm đến 15 năm; thuộc khoản 4 mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm. |