Việc một số loại thực phẩm có sử dụng chất vàng ô để tạo màu đang khiên dư luận hoang mang. Vậy làm cách nào để nhận biết thực phẩm có sử dụng chất vàng ô?
Người tiêu dùng cần thay đổi thói quen
Sở dĩ vàng ô được trộn vào thức ăn chăn nuôi, một phần nguồn từ thị hiếu của người Việt Nam là thích gà có màu vàng đẹp mắt. Để đáp ứng nhu cầu, một số người chăn nuôi đã trộn chất này vào thức ăn chăn nuôi, kích thích gia cầm ăn vào cho màu da vàng đẹp, bắt mắt, dễ bán.
Điều đáng nói là, vì vàng ô hầu như không bị phân giải trong quá trình sinh trưởng của vật nuôi, cho nên nó gây ra những nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng khi ăn phải thực phẩm có chứa chất này.
Cụ thể như bị dị ứng, ngộ độc, ảnh hưởng đến gan, hệ thần kinh và thận, lâu ngày có thể gây ung thư. Với trẻ nhỏ hấp thụ quá nhiều chất này có thể bị các chứng kích thích, hiếu động thái quá, lơ đãng, thiếu tập trung...
|
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi. |
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi thói quen của mình, nên là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những gì tốt cho sức khỏe. Khi thấy da gà có màu vàng khác thường (vàng ươm, đồng đều toàn thân) thì không nên mua.
Hãy chọn gà có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Khuyến khích mua gà trong các siêu thị, mua gà ở các cửa hàng tin cậy, có giao kèo để lựa chọn. Với thịt gà làm sẵn, nên chọn những con có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.
Khi mua gia cầm thịt sẵn nói chung, nên chọn con có màu vàng nhạt, nhưng cánh, ức, lưng vàng đậm, mỡ màu vàng. Thịt nhìn thấy tươi, không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi. Da không có vết tụ máu, hay bầm tím, khi sờ không bị màu dính ra tay. Nên chọn gia cầm sống, mổ tại chỗ để mua được gia cầm tươi ngon.
Có một cách rất dễ để người tiêu dùng phân biệt gà, ngan, vịt nhuộm màu độc hại là da của nó có màu vàng óng đẹp và đều, nhưng phần mỡ lại trắng (do bên trong của những con gia cầm này không bị chuyển màu) hoặc có thể thử bị nhuộm hóa chất bằng cách: Vắt ít nước cốt chanh hoặc ít nước muối vào, nếu da gà bị nhuộm sẽ đổi màu.
Hiện nay, Cục Chăn nuôi đang phối hợp với cơ quan chuyên ngành hóa chất để tìm các giải pháp tăng cường nhận diện chất vàng ô nói riêng, các chất cấm trong chăn nuôi nói chung.
Ông Dương cho biết, vừa qua Cục Chăn nuôi cùng một số nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu thành công que thử chất cấm tồn dư trong gia súc, gia cầm.
Với việc sử dụng chất cấm tràn lan trong chăn nuôi như hiện nay thì việc sử dụng que thử trực tiếp trên nước tiểu vật nuôi mà không cần qua phòng thí nghiệm tỏ ra khá tiện lợi.
Theo đó, người dùng chỉ cần nhúng que thử vào nước tiểu của vật nuôi khoảng 5 phút, khi chữ T trên que thử mất đi có nghĩa là trong vật nuôi đó vẫn tồn dư các chất cấm.
Hiện giá thành sản phẩm khoảng 70.000 đồng đến 100.000 đồng/que thử. Các đơn vị phối hợp nghiên cứu đang tiến hành hoàn thiện sản phẩm và hạ giá thành để có thể đưa sản xuất đại trà. Sản phẩm này sẽ giúp giảm thiểu các chi phí kiểm nghiệm, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa nơi không có phòng thí nghiệm.
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng
Để kiểm soát được nạn nuôi gà bằng hóa chất vàng ô nói riêng và sử dụng cấm trong chăn nuôi nói chung, Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng, quan trọng nhất là phải có sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương và địa phương đặc biệt là 4 ngành: Nông nghiệp, Công thương, Y tế và ngành Công an.
“Cần đấu tranh với những hành vi sản xuất, lưu thông, buôn bán, sử dụng những chất cấm này như đấu tranh với chất ma túy”, ông Dương quả quyết.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh, phải tổ chức tuyên truyền thật mạnh trên các phương tiện thông tin báo, đài về sự nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với sức khỏe cộng đồng, với nòi giống người Việt và với hình ảnh của ngành chăn nuôi Việt Nam, phát động dư luận xã hội tố giác các hành vi vi phạm thì sẽ kiểm soát được tình hình.
Ngoài ra, cần thông tin lên các phương tiện đại chúng về các cơ sở, các hộ đã sử dụng chất cấm để nhân dân tẩy chay, lên án hành vi này vì đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà đây còn là hành vi vi phạm đạo đức của con người.
“Anh kinh doanh mà làm cho sức khỏe cộng đồng nguy hại như thế thì rõ ràng anh là người không có lương tâm và đã làm cho hình ảnh Việt Nam xấu đi. Sản phẩm chăn nuôi trong nước bị người tiêu dùng tẩy chay thì ngành chăn nuôi cũng sẽ bị phá sản, chính người chăn nuôi mà vô trách nhiệm, vô lương tâm đã làm hại cả ngành chăn nuôi chứ không phải chỉ có người tiêu dùng”, ông Dương nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Dương cũng kiến nghị phải xử lý thật mạnh, hết khung xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm.
Ngoài khung xử lý hành chính ra có một quy định hình sự có thể áp dụng được đó là điều 155 trong Bộ Luật Hình sự có quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi tàng chữ, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt từ 10 - 50 triệu, phạt tù từ 6 tháng - 5 năm hoàn toàn có thể áp dụng với trường hợp này bởi đây là hàng cấm, hàng có chất cấm là hàng cấm, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Tôi cho rằng nếu trường hợp tái phạm và cố tình vi phạm có thể hình sự hóa, về lâu dài chúng tôi cũng kiến nghị cụ thể hơn trong bộ luật hình sự để dễ áp dụng, dễ truy tố những hành vi tái phạm hoặc cố tình vi phạm này”, ông Dương bức xúc.
Mặt khác, Cục phó Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, thông báo đến người tiêu dùng biết mức độ nguy hiểm của việc sử dụng thực phẩm có chứa chất cấm như thế nào để tránh, để tẩy chay nhưng cũng đừng thông tin nhũng nhiễu gây hoang mang quá mà khiến người dân quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.