Đề án đặt mục tiêu trong năm 2017 đạt 60% và hết năm 2018 có 100% cửa hàng trái cây trên địa bàn các quận, đăng ký kinh doanh theo quy định.
Tin nên đọc
Moana Cosmetic thương hiệu mĩ phẩm đạt chuẩn CGMP- ASEAN
Vinh danh thương hiệu mỹ phẩm Chamomile
Mua cổ phần DNNN: Phải duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu ít nhất 3 năm
Sun Group – Khác biệt tạo nên thương hiệu
TP Hà Nội đã triển khai thí điểm ở mỗi quận một tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa chất bảo quản, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đây là dự án lớn của Sở Công Thương Hà Nội thực hiện theo Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”.
|
Lễ gắn biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn quận Cầu Giấy - Hà Nội. |
Người dân sẽ được hưởng thụ sản phẩm sạch
Đề án trên đặt mục tiêu trong năm 2017 đạt 60% và hết năm 2018 có 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận có đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản được trái cây tươi, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, 100% người kinh doanh được đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm (ATTP) và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định.
Hiện nay, tại 12 quận nội thành Hà Nội, có 1.070 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó 68% cửa hàng có tủ bảo quản trái cây, còn lại là các cửa hàng có giá, kệ và dùng sạp bày bán trái cây.
Thành phố sẽ thí điểm tăng cường quản lý đối với các cửa hàng trái cây trên các tuyến phố, khu dân cư, vỉa hè, lòng đường tại các quận nội thành để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn thành phố. Hiện, 12 quận đã đăng ký mỗi quận một tuyến phố để làm điểm trong tháng 12/2017.
Ngành Công Thương sẽ chủ trì, cùng các sở, ngành liên quan xây dựng đề án với mục đích người dân Thủ đô được tiêu dùng trái cây sạch, rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng.
Các quận nội thành tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc trái cây; điều kiện đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị của cửa hàng kinh doanh trái cây; điều kiện tham gia đề án... đảm bảo lộ trình, tiến độ thực hiện thời gian và nội dung của đề án.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trang thiết bị đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Tăng cường kiểm tra
Liên quan đến thiết bị bảo quản trái cây, Sở Công Thương đã nhận được đề nghị tham gia đề án của 2 nhà cung cấp là Công ty TNHH Điện tử Điện lạnh Việt Nhật (nhãn hiệu SANAKI) và Công ty TNHH Cơ điện lạnh Thương mại Hòa Bình (nhãn hiệu ALASKA) với các thông số kỹ thuật tốt, giá cả cạnh tranh, chương trình hậu mãi phù hợp.
Các tài liệu về sản phẩm được gửi kèm để UBND các quận hỗ trợ, giới thiệu với các cửa hàng có nhu cầu về trang thiết bị bảo quản.
Để việc thực hiện đi vào nền nếp, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của quận để thực hiện kiểm tra, hướng dẫn và xử lý thí điểm 1 tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây theo đúng các nội dung, kế hoạch.
Tập trung chấn chỉnh, giải tỏa 100% các điểm bán trái cây dưới lòng đường, vỉa hè; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc trái cây, điều kiện đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị của cửa hàng kinh doanh trái cây, điều kiện tham gia đề án.
Đặc biệt, chú trọng kiểm tra các cửa hàng đã được cấp logo nhận diện. Đánh giá về công việc này, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận hiện có 118 cơ sở kinh doanh trái cây, trong đó có 59/118 cơ sở đã được cấp các loại giấy tờ về ATTP.
Triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”, quận Cầu Giấy đặt mục tiêu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP và các điều kiện cần thiết theo quy định.
“Năm 2017, 60% cửa hàng trái cây trên địa bàn có đăng ký kinh doanh, có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng; phấn đấu trong năm 2018, 100% cửa hàng đạt điều kiện trên”- ông Hà thông tin thêm.
Cũng theo Phó Chủ tịch Trần Việt Hà, đối với những cơ sở chưa đáp ứng được các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định tại Đề án, UBND quận sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các quy định bảo đảm ATTP để được cấp biển nhận diện.
Trong khi đó, theo lãnh đạo quận Hà Đông, đến tháng 1/2018 đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và cam kết đảm bảo ATTP cho 42/60 cơ sở, đạt 70%. Số người được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP là 88/116 người, đạt tỷ lệ 76%.
Số cửa hàng chứng minh được nguồn gốc xuất xứ trái cây là 33/60 cơ sở. Số cửa hàng có dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm có 32/60 cơ sở.
Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Ngọc Linh, chủ Cơ sở cửa hàng kinh doanh trái cây, rau xanh Bác Tôm tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông cho biết, để được gắn biển nhận diện cửa hàng trái cây, cơ sở phải qua rất nhiều công đoạn, từ tập huấn kiến thức về ATTP, kiểm tra chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, cấp các thủ tục cần thiết.
Điều quan trọng là khi các cửa hàng cùng được cấp, sẽ giúp cho người tiêu dùng có nhiều nơi để lựa chọn, yên tâm mua sắm với các sản phẩm chất lượng.
Được biết, tại quận Hà Đông, hầu hết các hộ đã được cấp giấy phép kinh doanh. Quận này phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ gắn xong biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn.
“Việc gắn biển nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây là cơ hội để các cơ sở tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, đồng thời giới thiệu tới người tiêu dùng các địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc. Qua đó, xây dựng uy tín, niềm tin đối với người dân về chất lượng các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng tham gia Đề án trên địa bàn quận”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Phải trở thành thương hiệu cho khách hàng
Theo Sở Công Thương Hà Nội thì các cửa hàng trên địa bàn được gắn biển nhận diện phải tiếp tục duy trì tốt các điều kiện, thực hiện đúng các quy định về ATTP trong kinh doanh, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hoá, xứng đáng là địa chỉ kinh doanh trái cây tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị lãnh đạo các quận, các sở ban ngành quan tâm và tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thực hiện việc cấp các loại giấy tờ về đăng ký kinh doanh, ATTP, hoàn thiện các theo các điều kiện của Đề án; tổ chức triển khai thí điểm “mỗi quận một tuyến phố kinh doanh trái cây kiểu mẫu, nói không với việc kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè”.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít người dân băn khoăn liệu có trái cây “không sạch” được tuồn vào các cơ sở này rồi dán nhãn mác là trái cây sạch.
Bởi trên thực tế đã xảy ra điều này tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và cửa hàng trái cây uy tín, nhập khẩu. Trước thắc mắc này, bà Trần Thị Phương Lan trấn an: “Để bảo đảm chất lượng trái cây tới tay người tiêu dùng, Đề án còn quy định kiểm soát chất lượng.
Cụ thể, đối với mỗi lô hàng trái cây mua vào, cửa hàng kinh doanh phải lập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp.
Nếu cơ sở mua trái cây từ các đơn vị được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP phải có giấy chứng nhận còn hiệu lực; mở sổ theo dõi theo quy định. Riêng đối với trái cây nhập khẩu, phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh ATTP theo quy định.
Hóa đơn mua, bán trái cây phải lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành của Nhà nước để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc…
Nhằm bảo đảm các tiểu thương không phải lo lắng thủ tục đăng ký phức tạp, Sở Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ như:
Phối hợp với các quận triển khai 12 lớp tập huấn về kiến thức ATTP và các nội dung của đề án trái cây, đề nghị UBND các quận chỉ đạo các phòng, các phường hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, hộ kinh doanh được cấp đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ về ATTP; rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3-4 đối với cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP, giấy xác nhận kiến thức ATTP và xác nhận cam kết bảo đảm ATTP cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn.
Một số các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được nhận diện là có sản phẩm trái cây được cấp biển nhận diện (logo) trên địa bàn quận Cầu Giấy- Hà Nội: - Cửa hàng thực phẩm nhập khẩu - Công ty TNHH thương mại và đầu tư K.L.E.V.E, số 174 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa. - Công ty cổ phần V-Food Việt Nam, số 72, Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng. - Cửa hàng thực phẩm nhập khẩu Klever fruits - Công ty THHH thương mại và đầu tư K..L.E.V.E, số 45 Cầu Giấy, phường Quan Hoa. - Cửa hàng thực phẩm nhập khẩu Klever fruits - Công ty THHH thương mại và đầu tư K..L.E.V.E, số 39 Trần Đăng Ninh, phường Dịch Vọng. - Cửa hàng thực phẩm nhập khẩu Klever fruits - Công ty THHH thương mại và đầu tư K..L.E.V.E, số 393 đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô. |