Chiều 26/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đã có những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đời sống về việc sửa đổi Luật Dược, đặc biệt sau dịch Covid-19.
Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Luật Dược để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo nguồn cung thuốc, phục vụ tốt nhất cho đời sống người dân.
Về chính sách phát triển ngành dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Luật Dược hiện hành đã có các chính sách để đảm bảo tăng cường đảm bảo cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội |
Đến nay, qua triển khai thực hiện Luật Dược năm 2016, lĩnh vực công nghiệp dược đã có bước phát triển, với 167 cơ sở sản xuất từ năm 2016 đã tăng lên thành 238 cơ sở năm 2023, giá trị sản xuất thuốc tăng từ 20% lên gần 50% giá trị thuốc sử dụng, sản xuất thuốc trong nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu thuốc thiết yếu, thuốc thông thường cho công tác phòng, chữa bệnh.
Về quyền và trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng bày tỏ thống nhất với nhiều ý kiến mà đại biểu Quốc hội đã nêu.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, một mặt thu hút được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời phải đảm bảo an ninh về thuốc tại Việt Nam.
Tại dự thảo luật lần này mở ra một bước kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Điều này thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng tương tự như các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trong nước.
Đối với phương thức kinh doanh thuốc thương mại điện tử, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch Covid-19… việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến.
Để kiểm soát được chất lượng thuốc, dự thảo luật cũng quy định chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống thì được phép kinh doanh thêm thương mại điện tử.
Trong dự thảo luật cũng chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên thương mại điện tử.
Liên quan đến những băn khoăn của đại biểu về vấn đề quảng cáo thuốc, Bộ trưởng cho biết, đối với thuốc kê đơn thì không được quảng cáo; đối với thuốc không kê đơn thì được quảng cáo và phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp đối với sản phẩm đó.
Vì vậy, chúng ta có thêm một hoạt động nữa là xác nhận nội dung quảng cáo dẫn đến phát sinh thêm 1 thủ tục hành chính.
Trong khi đó, tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải ra soát, cắt bỏ thủ tục hành chính này.
Còn nội dung quảng cáo phải đúng theo nội dung Bộ Y tế cấp, bảo đảm theo quy định. "Không có chuyện muốn đưa nội dung thuốc gì lên quảng cáo cũng được", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.