Bình Dương lựa chọn xây dựng đường sắt đô thị là giải pháp tối ưu để khép kín các trục đô thị xuyên tâm và các trục đường vành đai chính. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng trong hệ sinh thái giao thông xanh theo tầm nhìn đến 2050 đã hoạch định. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, với vai trò quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án đường sắt đô thị của là Bình Dương là nền tảng giúp các tỉnh Đông Nam Bộ đã hiện thực hóa định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam.
Chuyển đổi xanh
Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Bình Dương mới trình UBND tỉnh Bình Dương báo cáo tiến độ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Bàu Bàng - An Bình.
Theo đó, Ban QLDA đã phối hợp với tư vấn nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt TP HCM - Lộc Ninh trước đây để rà soát quy mô tuyến thống nhất với định hướng tuyến đường sắt đã nghiên cứu đoạn từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình.
|
Bộ GTVT đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần giai đoạn 2025-2030 với năng lực tiếp nhận hàng hóa đạt đến 3.5 triệu tấn/năm. |
Dự án này được kỳ vọng sẽ đưa Bình Dương trở thành tỉnh có tốc độ phát triển tăng nhanh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khẳng định vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị giúp người dân thay đổi, lựa chọn tham gia loại hình giao thông mới, hiện đại, thích hợp với giao thông công cộng, từng bước "chuyển đổi xanh" để hạn chế phương tiện cá nhân, giúp nâng cao tỷ lệ xanh hoá các phương tiện giao thông, kết nối giao thông chặt chẽ, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Là tỉnh phát triển công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn rất lớn, nhưng chủ yếu bằng đường bộ, chiếm tới 90% lưu lượng hàng hóa đi và đến. Nhưng Bình Dương hiện nay chỉ có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua dài 8,6 km, nằm trên địa bàn TP Dĩ An với ga Sóng Thần và ga Dĩ An.
Trong đó, ga Sóng Thần có công suất vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa/năm, xếp dỡ bình quân là 5 xe/ngày và ga Dĩ An làm nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức tránh vượt các đoàn tàu Bắc Nam. Việc Bình Dương xây dựng các tuyến đường sắt nói trên thực sự cần thiết, nhằm đa dạng hóa giao thông, giảm áp lực hệ thống giao thông đường bộ đang ngày một quá tải.
Theo đó, tuyến đường sắt nội tỉnh dài gần 54 km bắt đầu từ ga Bàu Bàng và kết thúc ở ga An Bình, sẽ đi qua 5 huyện, thành phố và thị xã, gồm: Bàu Bàng, Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An. Tuyến đường sắt gồm có 10 ga: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng và 4 trạm khách: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi.
|
Bình đồ tổng thể đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng. |
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch, dự kiến công trình sẽ được khởi công năm 2027 và hoàn thành vào năm 2030. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.000 tỷ đồng, sử dụng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc đối tác công - tư (PPP).
Ban QLDA đã liên hệ Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương thu thập hồ sơ, dữ liệu quy hoạch liên quan dự án, đồng thời Ban đã phối hợp tư vấn cập nhật phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM để hoàn chỉnh phương án đầu tư tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình.
Trên cơ sở phương án đã lập, Ban QLDA đã lấy ý kiến của Sở Giao thông Vận tải về quy mô, khái toán sơ bộ,... của dự án trên làm cơ sở trình cấp thẩm quyền, xem xét, có ý kiến về quy mô, tuyến đường, khổ đường, phương thức đầu tư… làm cơ sở triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Kết nối xuyên tâm, liên vùng
Bình Dương nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược kết nối thuận lợi với TP HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Nguyên. Bình Dương đã tận dụng vị trí trung tâm cùng hạ tầng kết nối đồng bộ qua các tuyến đường vành đai và cao tốc. Từ năm 2021 đến nay, Bình Dương đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng TP mới Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tích cực khai thông kết nối đến các cực phát triển như TP.HCM, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, sân bay Long Thành và cảng Cái Mép, là những cửa ngõ quan trọng giúp mở rộng mạng lưới kết nối toàn cầu cho Bình Dương, góp phần thúc đẩy vùng Đông Nam bộ trở thành một động lực phát triển mới của cả nước.
|
Nhà ga metro rộng 5.800m2 sẽ nằm trong Trung tâm thương mại - dịch vụ vòng xoay A1, thành phố mới Bình Dương kết nối tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. |
Theo đề án, trên tuyến đường sắt Dĩ An – Bàu Bàng thuộc tuyến TP. HCM – Lộc Ninh, đường sắt khu đầu mối TP HCM đưa ra mục tiêu khai thác đầu tiên vào năm 2035. Theo phương án đề xuất tổ chức chạy tàu đường sắt liên tỉnh khu đầu mối TP. HCM, ga An Bình (Dĩ An) sẽ là ga trung tâm, lập tàu hàng cho toàn mạng đường sắt khu đầu mối TP. HCM – Bình Dương, định hướng là ga chức năng liên vận quốc tế. Ga Tân Hưng sẽ kết hợp quy hoạch trung tâm logistic của tỉnh với quy mô từ 180 – 300 ha và tổ chức hàng hoá liên vận quốc tế đi Campuchia (qua cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh) và đi cụm Cảng Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Do đó, phương án tổ chức chạy tàu cho tuyến Dĩ An – Bàu Bàng, hàng hoá được xếp dỡ, lập tàu tại ga An Bình đến ga Tân Hưng và ngược lại. Đối với hàng hoá liên vận quốc tế đi cụm cảng biển Thị Vải, Cái Mép khi đồng bộ các tuyến sẽ thông qua đoạn tuyến An Bình – Phước Tân (Đồng Nai).
|
Phối cảnh dự án đường sắt đô thị Bình Dương. |
Về hướng tuyến, Ban QLDA đề xuất tuyến bắt đầu từ ga An Bình (TP. Dĩ An) sẽ đi trên cao, song song chung với hành lang tuyến đường sắt Trảng Bom – Sài Gòn – Tân Kiên và tuyến Bắc – Nam. Sau đó rẽ trái đi cạnh đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn vòng qua trạm khách Tân Bình qua đường Nguyễn Thị Minh Khai rồi vào giữa hành lang quy hoạch đường sắt rộng 40m. Qua hết TP Dĩ An, vào địa phận TP. Thuận An tuyến sẽ đi trong hành lang quy hoạch đường sắt, vượt qua tỉnh lộ 743 về trạm khách An Phú rồi đi song song với cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn vào khu công nghiệp Bình Chuẩn vào ga Bình Chuẩn. Tiếp đó tuyến qua địa phận TP. Tân Uyên sẽ theo hành lang quy hoạch đường sắt vượt qua tỉnh lộ 746 vào trạm khách Tân Vĩnh Hiệp, qua đường Tạo Lực 3 rồi chuyển tiếp xuống đất để vào ga Bình Dương.
Nhận xét về dự án đường sắt nội tỉnh Bình Dương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, khi tuyến đường sắt hình thành, sẽ giảm áp lực cho giao thông đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi từ xe cộ gây ra. Tuyến đường sắt cũng sẽ tạo “đòn bẩy” cho các khu đô thị dọc tuyến phát triển, đặc biệt là các vùng xa như Bến Cát, Tân Hưng, Bàu Bàng…mở ra không gian đô thị và khu dân cư hình thành theo hướng TOD - Transit Oriented Development (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).
|
Theo Bộ GTVT, tuyến Metro số 1 tại TP HCM sẽ kết nối các tuyến đường sắt đô thị của 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tạo mạng lưới kết nối vùng hiệu quả giữa các trung tâm kinh tế lớn. |
Bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài
Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ làm cơ sở quản lý quỹ đất và chủ động huy động nguồn lực đầu tư tuyến đường sắt.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, căn cứ quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy hoạch trên cơ sở các hành lang kinh tế lớn, quan trọng của quốc gia, có tính chất liên vùng hoặc kết nối liên vận quốc tế.
Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối, giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, kết nối du lịch với Vương quốc Campuchia và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS); đồng thời, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của đất nước.
Vì vậy Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có đủ dư địa và điều kiện cần thiết để phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững và trở thành điểm kết nối quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Do đó, nhằm cụ thể các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành trong vùng, Tây Ninh đang từng bước thực hiện chiến lược kết nối và phát triển Bình Dương - Tây Ninh, tuyến đường sắt Bàu Bàng (Bình Dương) - Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài khoảng 57 km được đề xuất đầu tư. Dự án này sau khi được hoàn thành sẽ tạo đột phá để Tây Ninh phát triển bền vững với hành lang kinh tế công nghiệp - đô thị - logistics, lan tỏa phát triển từ Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.