Theo lãnh đạo UBND xã Tân Quý Tây, bé H.T.T.T. (5 tuổi, ngụ xã Tân Quý Tây) sau khi bị tai nạn pháo đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh chữa trị vết thương (tháo khớp bàn tay trái).
Sức khỏe bé đã có chuyển biến tốt, tinh thần ổn định nên gia đình cho bé xuất viện về nhà tiếp tục chăm sóc.
Theo lãnh đạo UBND xã Tân Quý Tây, trước Tết, Công an xã Tân Quý Tây đã đến các doanh nghiệp, từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, cho người dân ký cam kết về việc sử dụng pháo đúng quy định của pháp luật nên tình trạng đốt pháo năm 2024 có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên một số ít người dân vẫn chưa nhận thức được hành vi nguy hiểm từ đốt pháo gây ra, cụ thể là tai nạn do đốt pháo gây ra tại một địa chỉ ở xã Tân Quý Tây làm cho bé T. bị thương ở tay.
Bé T. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố cấp cứu vào chiều mùng 3 Tết (tức 14-2).
Khai thác bệnh sử ghi nhận khi bé T. chơi trước nhà thì nhà hàng xóm có đốt pháo hoa. Sau đó bé T. nhặt một viên pháo đại trên sân, pháo phát nổ làm tổn thương bàn tay trái.
Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận bàn tay trái của T. bị giập nát, vùng mạn bụng trái tổn thương mô mềm. Ngoài ra, đùi phải của nạn nhân bị bỏng cháy đen khoảng 3x2cm do mảnh vỡ pháo văng vào.
Bác sĩ cấp cứu cắt lọc vết thương vùng mạn bụng trái, đùi phải. Tuy nhiên do bàn tay trái bị giập nát, bác sĩ không thể khâu nối và phục hồi nên được làm mỏm cụt.
Theo các bác sĩ, tai nạn do pháo thường có vết thương bàn tay, tỷ lệ cụt ngón rất cao. Tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.
Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ tai nạn nghiêm trọng khi sử dụng pháo nguy hiểm, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn rất chủ quan với những nguy cơ tai nạn khi sử dụng pháo không đúng quy chuẩn, quy định.