Trong bản tin pháp luật tuần này, ngoài những tin chính nổi bật về pháp luật, chúng ta sẽ cùng bàn luận về vấn đề chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ trong việc tuyển dụng, thăng hạng cán bộ công chức, viên chức đang làm nóng nghị trường Quốc hội thời gian vừa qua.
Pháp luật 24s
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lĩnh án 5 năm tù
Trưa ngày 11/12 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 4 bị cáo trong vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra tại Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội) bị tuyên phạt 5 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Các bị cáo Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế - C03, Bộ Công an) bị tuyên 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hoàng Trung (cựu cán bộ công an biệt phái, chuyên viên) bị tuyên 24 tháng tù và Nguyễn Anh Ngọc (cựu cán bộ công an biệt phái, phó trưởng Phòng Thư ký biên tập - UBND TP Hà Nội) bị tuyên 18 tháng tù.
Theo cáo trạng, để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án Công ty Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung đã đặt vấn đề với bị cáo Phạm Quang Dũng, người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án, về việc thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu tiến độ, kết quả điều tra vụ án.
Bị cáo Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật" liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, trong đó 2 lần chuyển 7 tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung.
Hai cựu cán bộ Văn phòng UBND Hà Nội là Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc nhận 3 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước từ ông Nguyễn Đức Chung, sau đó in ra giấy để chỉnh sửa, cắt phần chữ ký trang cuối của tài liệu mật.
Tòa sơ thẩm nhận định, trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Các bị cáo Phạm Quang Dũng, Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Anh Ngọc giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op bị bắt tạm giam
Ngày 16/12, Công an TP Hồ Chí Minh đã thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Diệp Dũng (sinh năm 1968, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op) để điều tra về những sai phạm xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Ông Dũng bị khởi tố để điều tra về hành vi "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ."
Trước đó, Thanh tra TP Hồ Chí Minh ban hành Kết luận số 11/KL-TTTP-P5 về việc chấp hành các quy định pháp luật tại Saigon Co.op, kết luận có dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật và thâu tóm, chiếm đoạt tài sản tại Saigon Co.op.
Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành phố xác định ông Diệp Dũng với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op đã chỉ đạo huy động tăng vốn trái pháp luật, tổ chức đại hội thường niên trái pháp luật, thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.
Cuối tháng 8/2020, ông Diệp Dũng nộp đơn từ nhiệm; đến tháng 9/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố có quyết định điều động ông Diệp Dũng đến nhận công tác tại Đảng bộ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh.
Sau đó, ông Diệp Dũng tiếp tục được điều động về công tác tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết TP Hồ Chí Minh.
Giết người vì món tiền 100.000 đồng
Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Phạm Vũ Đăng Khoa, sinh năm 1982 trú ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành về tội danh giết người.
Tại cơ quan điều tra Khoa khai nhận, Khoa và một người đàn ông đã cá độ bóng đá với nhau. Lúc 11 giờ, ngày 7/12, Khoa đi tìm nạn nhân đòi số tiền 100.000 đồng tiền cá độ.
Do nạn nhân không trả nên hai bên xảy ra cãi vã. Đỉnh điểm, Khoa lấy con dao đã mang theo sẵn, đâm vào ngực khiến nạn nhân tử vong sau đó.
Bán người yêu giá 80 triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh
Công an tỉnh Phú Thọ đã vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Vũ Văn Phượng (SN 1995) và Nguyễn Viết Dương (SN 1989), cả 2 đều trú tại khu 6, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ về tội “Mua bán người".
Theo kết quả điều tra, khoảng tháng 8/2014, do được Nguyễn Viết Dương tư vấn nênPhượng đã bán người yêu là chị Trần Thị Hải Y. (SN 1997, quê tỉnh Thái Bình) sang Trung Quốc với giá 80 triệu đồng để có tiền chữa bệnh.
Đến tháng 9/2018, chị Y. đã trốn được về Việt Nam và báo với cơ quan chức năng. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tâm điểm pháp luật: Rườm rà chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Vấn đề chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ trong việc tuyển dụng, thăng hạng cán bộ công chức, viên chức đang làm nóng nghị trường Quốc hội thời gian vừa qua. Nhiều cử chi và Đại biểu Quốc hội cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về đối tượng cần có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để phù hợp với yêu cầu và thực tiễn công việc.
Văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vốn gây “lùm xùm” tại không ít cơ sở đào tạo. Vấn đề cũng gây tranh luận nóng tại các kỳ họp Quốc hội, dư luận nhiều ý kiến trái chiều. Bởi vậy, vấn đề này cần phải được nhìn nhận đầy đủ, đặt trong yêu cầu bối cảnh mới và thực tiễn công tác tại từng vị trí tuyển dụng, công tác.
Ngoại ngữ, tin học đã đưa vào nhà trường phổ thông, đại học mấy chục năm nay, là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, chuẩn đầu vào, đầu ra các hệ đào tạo đại học, sau đại học.
Thực tế, chúng ta không nên quy định chung chung mà cần căn cứ từng vị trí, việc làm để xem xét sự cần thiết văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay không.
Tuy nhiên, về vấn đề này, theo Bộ Nội vụ, để thực hiện vấn đề này, trong Nghị định mới của Chính phủ cũng giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ về tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.
Về vấn đề này, vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội đã đề cập vấn đề đơn giản hóa văn bằng chứng chỉ, loại bỏ tình trạng “thi nhau đi học các chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành chứng chỉ viên chức”, theo như phản ánh ở phần chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội).
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chức và viên chức năm 2019, các nghị định của Chính phủ cũng tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.
Theo Bộ trưởng, về vấn đề tuyển dụng, lần này nghị định mới của Chính phủ đã quy định đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ nữa, nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi.
Tương ứng như thế, trong vấn đề tuyển sinh đại học và thi nâng ngạch, nếu những đối tượng được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Để thực hiện vấn đề này, trong nghị định cũng giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó là có quy định về trình độ về tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” với mục tiêu tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc và làm việc trong môi trường quốc tế.
Nhiều giải pháp đồng bộ được xác định, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò và sự cần thiết phải học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.
Tin thế giới
Syria: Nổ bom xe khiến ít nhất 4 người thiệt mạng
Ít nhất 4 người đã thiệt mạng sau khi một chiếc xe cài bom phát nổ tại khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở miền Bắc Syria. Vụ việc xảy ra vào ngày 10/12 giờ địa phương.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho hay vụ nổ xảy ra tại chốt kiểm soát ở thị trấn biên giới Ras Al Ain. Số người chết có thể lên tới 16, trong đó có 11 nhân viên an ninh Syria, 2 nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, 2 dân thường và 1 nạn nhân chưa rõ danh tính. Bên cạnh đó còn có 12 người khác bị thương.
Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nạn nhân gồm 2 cảnh sát hiến binh Thổ Nhĩ Kỳ và 2 thành viên lực lượng an ninh địa phương Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng dân quân người Kurd Syria là thủ phạm thực hiện vụ đánh bom xe này.
Saudi Arabia bắt giữ 184 người liên quan các vụ tham nhũng
Theo hãng thông tin chính thức của Saudi Arabia đưa tin, Ủy ban chống Tham nhũng quốc gia của Saudi Arabia cáo buộc 184 đối tượng trên lợi dụng chức quyền để thu lợi tài chính.
Hãng thông tấn chính thức của Saudi Arabia (SPA) đưa tin nhà chức trách nước này ngày 10/12 công bố đã bắt giữ 184 người liên quan đến 120 vụ tham nhũng.
Theo SPA, Ủy ban chống Tham nhũng quốc gia của Saudi Arabia cáo buộc những đối tượng trên lợi dụng chức quyền để thu lợi tài chính. Ủy ban này cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, nhấn mạnh những người phạm tội có thể được miễn các hình phạt nếu tự nguyện khai báo với nhà chức trách.
Thế giới vượt 70 triệu ca nhiễm COVID-19
Thế giới lại ghi nhận một kỷ lục mới khi mà số người nhiễm COVID-19 vượt qua mốc 70 triệu. Con số cụ thể là 70,7 triệu ca, trong đó cũng có gần 1,59 triệu trường hợp tử vong vì dịch bệnh.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ với trên 182 nghìn ca, Brazil với hơn 51 nghìn ca và Ấn Độ hơn 34 nghìn ca. Theo thống kê của trường Đại học John Hopkins, trong ngày 9/12, nước Mỹ đã ghi nhận trên 3 nghìn trường hợp tử vong do bệnh COVID-19. Đây là mức tử vong ghi nhận theo ngày cao nhất tại Mỹ kể từ tháng 4 vừa qua.
Giới chức Mỹ cảnh báo số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng đột biến, trong bối cảnh hàng triệu người đã đi du lịch khắp đất nước trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn hồi tháng trước, phớt lờ những khuyến cáo hạn chế di chuyển để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Trước chuỗi lây lan ngày càng rộng và không thể kiểm soát của COVID-19, ngày 10/12, các chuyên gia Mỹ sẽ nhóm họp để đánh giá về khả năng triển khai khẩn cấp loại vaccine tiềm năng.