Tập đoàn Khaisilk bị phát hiện đã bán sản phẩm thời trang có nguồn gốc Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn hiệu hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng.
Tin nên đọc
Phó thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ Khaisilk bán khăn Trung Quốc
Không có đề nghị cấm xuất cảnh và đi khỏi nơi cư trú đối với ông chủ Khaisilk
Lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật vụ Khaisilk
Khaisilk giả mạo thương hiệu: Đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo, cần xử lý hình sự?
Thí sinh Next Top Model sát hại người tình tại chung cư cao cấp
Qua mạng xã hội, Phạm Thanh Tùng (21 tuổi, quê Ninh Bình) quen người phụ nữ tên Hằng (36 tuổi, ở tầng 6 chung cư R4B Royal City, Thanh Xuân, Hà Nội). Ngày 31/10, nam sinh đến khu chung cư cao cấp này để gặp nữ chủ nhà.
Sau khi "quan hệ" và được chị Hằng cho 1 triệu đồng, Tùng bất ngờ siết cổ và dùng dao đâm nhiều nhát khiến người phụ nữ 31 tuổi tử vong. Trước khi bỏ đi, nghi phạm vào phòng ngủ lục túi xách của chị Hằng lấy 15 triệu đồng cùng hai chiếc điện thoại Vertu và iPhone 7.
Tại cơ quan công an, Tùng khai do nợ cá độ bóng đá 60 triệu đồng nên nảy sinh ý định giết người tình để cướp tài sản.
Chủ tiệm tóc bị kẻ lạ mặt xông vào cứa cổ
Vào khoảng 8h ngày 2/11, chị N.T.K.A (xã Tiền Phong, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) đang nói chuyện với khách hàng thì bất ngờ bị Tạ Quang Trường (16 tuổi, trú xã Tiên Phong) xông đến cứa dao vào cổ.
Thông tin từ bệnh viện cho biết, chị A. bị một vết cứa ở cổ dài khoảng 10cm, làm đứt khí quản, suy hô hấp, ý thức không rõ ràng. Đối tượng Trường đã bị cơ quan công an bắt giữ sau đó.
Hoa hậu quý bà buôn mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng
Ngày 1/11, lãnh đạo Đội 6 Chi Cục quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết đang tạm giữ lô hàng mỹ phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ của công ty TNHH Thiên nhiên TS.Việt Nam.
Trước đó cơ quan quản lý thị trường kiểm tra đột xuất công ty này, thu 14.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ước tính giá trị ban đầu của lô hàng gần 11 tỷ đồng.
Trong lô hàng có khoảng 1.500 hộp gel lạnh tan mỡ (445 hộp dán nhãn thành phẩm và 1.020 hộp chưa dán nhãn), gần 800 hộp muối tắm nhau thai cừu (446 hộp thành phẩm, 310 hộp chưa dán nhãn), hơn 1.000 lọ mặt nạ ngủ....
Nhiều dòng sản phẩm làm trắng da có nhãn mác ghi giả sản xuất tại New Zealand, Hàn Quốc nhưng thực chất là tại kho xưởng tạm ở quận Hà Đông.
Bảo vệ Bệnh viện phụ sản Hà Nội hành hung người nhà bệnh nhân
Vào lúc 23h45 ngày 31/10, anh N.K.P (41 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đưa người nhà đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để thăm khám. Khi thu tiền vé xe, anh P. xảy ra xô xát với bảo vệ tại đây.
Nhóm bảo vệ của Bệnh viện phụ sản Hà Nội gồm 3 người đã hành hung khiến anh P. bị thương, phải điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Bắt thêm 3 đối tượng giết người tại quán karaoke Star
Ngày 3/11, Công an tỉnh Hải Dương đã vận động đầu thú thêm 3 đối tượng trong vụ án mạng xảy ra tại quán Karaoke Star trên địa bàn xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ.
Danh tính các đối tượng ra đầu thú gồm: Trương Văn Trường (SN 1984, trú tại xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), Nghiêm Danh Long (SN 1989, trú tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) và Nguyễn Văn Linh (SN 1995, trú tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An).
Trước đó, vào khoảng 22h ngày 20/10, tại quán karaoke Star có địa chỉ ở thị tứ Hưng Đạo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, do mâu thuẫn trong khi hát, anh Nguyễn Bá Kh. (SN 1985, trú tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) bị nhóm đối tượng đâm 6 nhát dao vào gáy, lưng dẫn đến tử vong.
Tâm điểm pháp luật
Sự kiện tâm điểm pháp luật trong tuần vừa qua là vụ việc Tập đoàn Khaisilk bị phát hiện đã bán sản phẩm thời trang có nguồn gốc Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn hiệu hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng.
Các ngành chức năng đã cùng vào cuộc và đang tiến hành điều tra làm rõ để xử lý đối với Tập đoàn này theo quy định của pháp luật.
Những ngày qua, câu chuyện “hàng lụa Việt cao cấp made in China” của Khaisilk, 1 thương hiệu nổi tiếng trong nước đã khiến dư luận “dậy sóng”. Người tiêu dùng có lẽ bất ngờ, không nghĩ rằng ngay cả 1 thương hiệu Việt nổi tiếng như thế cũng đã dùng “chiêu trò” để qua mắt người tiêu dùng.
Chỉ riêng tại cửa hàng 113 Hàng Gai, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Đơn vị này giải thích rằng do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam để bán cho khách hàng.
Theo như thừa nhận của Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk về việc 1 chiếc khăn lụa của tập đoàn này có 2 nhãn mác, trong đó có nhãn mác xuất xứ Trung Quốc, thì hiện sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm 50% sản phẩm khăn lụa đang kinh doanh tại các cửa hàng hệ thống Khaisilk.
Đấy là khi sự việc đã bị phát hiện và vỡ lở vị này mới nói như vậy, nếu không, ai có thể nghĩ rằng Khaisilk – Thương hiệu Việt uy tín nhưng sản phẩm lại được trà trộn bởi sản phẩm lụa có xuất xứ từ Trung Quốc?
Ngày 30/10, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường yêu cầu đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh này để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Về vụ việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đã giao 4 Bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15/12/2017.
Từ câu chuyện của Khaisilk, có thể thấy việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự được coi trọng. Xây dựng, thiết lập được thương hiệu riêng đã khó, không thể nào chỉ vì lợi nhuận mà doanh nghiệp bất chấp tất cả để tự chuốc lấy những khó khăn cho chính mình dẫn đến mất thị trường, thậm chí phá sản.
Và sự việc của Khaisilk cũng không phải là hi hữu, bởi trong thời gian qua, tình trạng sản có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân “phù phép” thành sản phẩm của Việt Nam không phải là hiếm. Sản phẩm “đội lốt” này không giới hạn ở bất cứ nhóm hàng hóa nào mà phổ biến từ cao cấp đến bình dân.
Kết quả điều tra người tiêu dùng năm 2016 do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt luôn là vấn đề nhức nhối.
Theo lực lượng chức năng của TP Hà Nội, việc mua hàng Trung Quốc dán nhãn mác hàng Việt diễn ra khá phổ biến. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng…, sau đó dán nhãn mác mang thương hiệu của một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để tiêu thụ.
Đặc biệt, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện gần 1.500 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó có không ít vụ hàng Trung Quốc nhập lậu nhưng nhái nhãn hiệu hàng của doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những thương hiệu chất lượng cao như Bóng đèn Rạng Đông...
Không chỉ có hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu nhập lậu từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt để tiêu thụ, một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự. Tại các chợ đầu mối, một lượng lớn hàng nông, thủy sản do Trung Quốc sản xuất nhưng được gắn mác hàng Việt Nam được bày bán công khai.
Trong khi đó, các quy định về hành vi buôn lậu, dán nhãn mác giả... còn chồng chéo nên việc phát hiện xử lý người làm giả xuất xứ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của nhiều ban ngành chức năng.
Tin Quốc tế
"Khủng bố” bằng xe tải giữa New York
Nghi phạm Sayfullo Habibullaevic Saipov trong vụ tấn công “khủng bố” kinh hoàng mới nhất ở New York có nhiều dấu hiệu dính dáng đến tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng IS.
Vụ tấn công “khủng bố” giữa lòng thành phố New York đã khiến 8 người chết. Trong số các nạn nhân tử vong có những người đi xe đạp.
Chiếc ô tô mà nghi phạm thuê để gây án cũng bị hư hỏng nặng sau vụ việc. Vụ tấn công mới nhất này xảy ra trong bối cảnh IS đang tan rã hoàn toàn ở Trung Đông và Tổng thống Trump sắp công du châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh từ chức do quấy rối tình dục
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon ngày 1/11 đã đệ đơn từ chức sau khi bị tình nghi có hành động quấy rối tình dục với một phát thanh viên.
Trong đơn từ chức gửi Thủ tướng Theresa May ngày 1/11, ông Michael Fallon nói rằng, hành động trước kia của ông có thể không tương xứng đáng với các tiêu chuẩn của một Bộ trưởng.
Somalia: Khách sạn bị tấn công, 25 người thiệt mạng
Vụ tấn công bắt đầu từ chiều tối ngày 28/10 tại một khách sạn ở Somalia, khi những kẻ tấn công đã lao một chiếc xe chở bom tấn công khách sạn, phá hủy hàng rào bảo vệ, tạo điều kiện để những tay súng tiếp tục xông vào.
Tổng số người thiệt mạng đã tăng lên thành 25 người, trong đó có các cảnh sát, nhân viên bảo vệ khách sạn và những người cư trú tại đây.
Nhóm phiến quân Hồi giáo al Shabaab đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ việc. Nhóm này hiện muốn lật đổ Chính phủ Somalia được LHQ hậu thuẫn và áp đặt luật Hồi giáo hà khắc tại đây.