Trang bị kỹ năng mềm không chỉ đơn thuần là học ăn, học nói, học gói, học mở… Ngày nay, các bạn trẻ còn tìm tới những trung tâm tư vấn tâm lý, tình cảm để học cái điều tưởng như là lẽ quá đỗi tự nhiên của con người: Tình yêu!
Lớp học có một không hai
Đồng hồ điểm 17h45’, còn 15 phút nữa mới tới giờ vào lớp nhưng phòng học đã chật kín chỗ. Sự uể oải mệt mỏi sau giờ học tập, làm việc căng thẳng ban ngày ánh lên trong từng ánh mắt, gương mặt của các học viên.
Mỗi người tìm đến lớp học đặc biệt này có một hoàn cảnh khác nhau. Người thì đang gặp phải thất bại trong tình cảm, người thì mất tự tin với suy nghĩ mình không hấp dẫn, thậm chí có bạn còn nhút nhát đến độ nhìn thấy người khác giới là “tim đập, chân run” không nói lên lời.
Chuông vào lớp vang lên. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía một nam thanh niên rất trẻ, ăn vận theo phong cách thời trang bụi phủi, đầu đội mũ phớt, áo thun màu be, gile khoác ngoài, vòng tay bản lớn. Choáng váng với hình ảnh của thầy giáo, mười hai cặp mắt của các học viên đổ dồn về phía bục giảng một cách đầy thắc mắc và... cảnh giác.
|
Một buổi tại lớp học yêu |
Vị giảng viên trẻ Nguyễn Văn Sơn – người sáng lập Học viện FVA – một trung tâm dạy “yêu” chuyên nghiệp, ngay lập tức cất lời: “Tôi biết các bạn đến đây để học yêu nhưng ở đây không có ai dạy yêu cả”.
Câu nói khiến hàng chục bạn trẻ đang nghiêm chỉnh ngồi lắng nghe với giấy vở sẵn sàng ghi chép bỗng ngơ ngác. Những tiếng xầm xì vang lên không ngớt. Có người còn nói lớn: “Sao lại thế? Chúng tôi đến đây để học cơ mà? Chẳng nhẽ bị lừa?”.
Một ngày cắp sách học yêu
Khi đó, thầy giáo mới từ tốn tiếp lời: “Tôi nói thế để các bạn hiểu ở đây không ai dạy ai cả, vốn dĩ chuyện yêu không phải học qua sách vở được mà từ chính những câu chuyện thực tế để đúc rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân. Vì vậy, các bạn hãy cất giấy bút đi, chúng ta sẽ cùng chia sẻ những câu chuyện của nhau”.
Không khí buồn tẻ của lớp học như được “cởi trói”. Mọi người ngồi xích lại gần nhau để được lắng nghe rõ hơn từng câu chuyện của các thành viên trong lớp. Theo vòng tròn, mọi người lần lượt chia về những khó khăn của mình trong chuyện tình cảm.
Hút mọi ánh nhìn của mọi người nhiều nhất là anh Lê Minh Hải (sinh năm 1976, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Với ngoại hình “cao to, đẹp trai, phong độ”, xe hơi mới cóong, bộ vest đen phẳng phiu, lịch lãm, lại được đóng mác chức giám đốc một công ty đang làm ăn phát đạt, anh chẳng thiếu các bóng hồng theo đuổi. Nhưng trớ trêu thay, người phụ nữ mà anh yêu thực lòng lại một mực treo đèn đỏ với anh. Vì thế anh đành “cắp sách” đi học yêu để có thể hạ gục mục tiêu.
Câu chuyện của Nguyễn Anh Minh (sinh năm 1990, du học sinh tại Mỹ) lại khác. Bạn tâm sự với cả lớp bằng giọng run run, buồn bã: “Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi lên đường đi học Đại học ở Mỹ bỏ lại người bạn gái thời phổ thông ở quê nhà. Tuy nhiên tình cảm của chúng tôi vẫn rất khăng khít qua từng dòng email, bưu thiếp hay những lần chat chit, điện thoại.
Thỉnh thoảng một, hai năm tôi cũng được về thăm cô ấy. Tôi cứ nghĩ giữa chúng tôi mọi thứ đều tốt đẹp, cho đến vừa rồi cô ấy đã bất ngờ nói lời chia tay. Tôi quá sốc bởi sáu năm yêu nhau không phải là thời gian ngắn. Hơn nữa, bao năm đằng đẵng yêu xa, bây giờ khi tôi trở về, mới bắt đầu lên những kế hoạch bù đắp cho cô ấy thì lại không còn cơ hội”.
|
Cả giảng viên và học viên đến đây đều có tuổi đời còn rất trẻ |
Cứ thế, lần lượt từng thành viên kể ra những câu chuyện rất thực của mình trong sự xúc động. Đã có những giọt nước mắt tuôn rơi, đã có những cái siết tay chia sẻ. Sau những phút “thật lòng”, mọi người dường như đã rút dần khoảng cách.
Lắng nghe hết tâm sự của từng thành viên, thầy Sơn phát cho mỗi người một tờ giấy và đề nghị viết vào đó lời khuyên cho từng trường hợp cụ thể. Rất nhanh sau đó, những lời khuyên được tổng hợp lại trên bảng.
Đến đây, Sơn sẽ bắt đầu “phẫu thuật” từng câu chuyện để chỉ rõ nguyên nhân tại sao lại dẫn đến điều đó và sau đó sắp xếp lại những lời khuyên của các học viên theo hệ thống để người trong cuộc tự ngẫm nghĩ và lựa chọn lối ứng xử mà mình cho là phù hợp nhất.
Chẳng hạn như trường hợp của Hải. Anh ngồi nghe mà chỉ còn biết gật gù liên hồi ra chiều tâm đắc: “Đúng là trong tối ngoài sáng. Phải nói là mừng như chết đuối vớ được phao khi “thầy” Sơn chỉ ra nguyên nhân thất bại của tôi. Thú thật là cô ấy là một người phụ nữ tự trọng, tình cảm, lãng mạn và nữ tính lắm. Tôi cứ nghĩ cô ấy như mọi cô khác cũng bị cái hào nhoáng bên ngoài thu hút nên suốt ngày đem chuyện kinh doanh khô cứng ra nói với nàng. Tôi lại mắc thêm thói quen nói chuyện kiểu ra lệnh của sếp với cấp dưới nên nàng cảm thấy khó chịu, tự ái là phải. Sơn khuyên tôi nên từ từ nói chuyện để tìm hiểu tâm lý, sở thích và tính cách của cô ấy để điều chỉnh mình cho hài hòa thay vì lúc nào cũng giữ khư khư cái “vai” sếp trong chuyện tình cảm”.
Cuối cùng, người thầy trẻ sẽ khái quát lại những chia sẻ đó thành “công thức” chung nhất của hẹn hò, tình yêu, hôn nhân nhằm trang bị những hiểu biết nhất định giúp các bạn trẻ có thể lắng nghe nhịp đập đích thực của con tim, làm mới cảm xúc, biết cách thể hiện yêu thương và bao dung hơn với cuộc sống.
"Lớp dạy yêu (hay tán gái) là cách đặt tên cho ấn tượng, ăn khách, gợi được sự tò mò. Có thể nói yêu là nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì cần phải có những hiểu biết nhất định. Người ta có thể yêu theo bản năng nhưng yêu như thế nào cho đẹp, cho bền vững để tiến tới hôn nhân thì không phải ai cũng biết. Vì thế, có thể thấy việc học cũng là một điều tốt. Tuy nhiên. Học như thế nào và ai dạy là vấn đề cần phải xem xét. Và không phải ai cũng phải đến gặp thầy để học yêu. Bởi cũng có thể học yêu từ chính trường đời, từ thực tế cuộc sống, từ bạn bè, từ chính người thân của mình; hoặc thông qua sách, báo" - Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa |