Văn phòng Thành ủy Hà Nội ngày 4/7 ban hành Thông báo số 1779-TB/TU kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2024.
Ngày 28/6/2024, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý II-2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về nhiều nội dung như: ứng phó thiên tai, phòng cháy chữa cháy... bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực điều hành hoạt động của Thành ủy chủ trì và kết luận hội nghị.
Về việc chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường năm 2024, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ghi nhận những nỗ lực, đánh giá cao kết quả của các đơn vị trong thời gian qua về phòng chống thiên tai.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai.
Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội. Rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.
Thường xuyên kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành; bố trí đủ nguồn lực, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để chủ động thực hiện tốt các kế hoạch, phương án đã phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực công tác phòng, chống thiên tai, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai.
Hoàn thiện bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động và thực hiện thu, quản lý, sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội đảm bảo hiệu quả, đúng quy định...
Xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm về PCCC. |
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn thành phố, Thường trực Thành ủy cho biết, thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến hết sức phức tạp.
Qua đó, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”.
Quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn với công tác PCCC&CNCH theo thẩm quyền (từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng, phê duyệt dự án, phê duyệt đầu tư, trong suốt quá trình khai thác, vận hành, sử dụng, cấp điện, cấp nước các dự án, công trình...)
Tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, các chuyên đề kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy theo địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Gắn việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố. Thực hiện tốt công tác diễn tập nâng cao kỹ năng phòng, chống cháy nổ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, đưa các khái niệm đơn giản nhất đến người dân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác PCCC.
Chủ động hướng dẫn các địa bàn, cơ quan, đơn vị, cơ sở xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tình nguyện,... đủ mạnh để xử lý kịp thời các sự cố, cháy, nổ xảy ra.
Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu của từng chuyên đề, kế hoạch, trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm hoặc không thực hiện chỉ đạo của thành phố, trong đó tập trung vào một số chuyên đề như: Xử lý các công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan tại các khu dân cư, các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.
Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trên đất không hợp pháp, đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê, lưới điện, rừng...
Đồng thời khẩn trương, quyết liệt trong việc kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn…